Chuyện khởi nghiệp của những ông chủ trẻ Hà Tĩnh

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng luôn kiên trì vượt khó, mạnh dạn học hỏi để lập nghiệp trên mảnh đất quê hương và sớm trở thành những ông chủ trẻ, họ là những 'ngọn đuốc sáng' truyền đam mê cho những người trẻ khác trên bước đường khởi nghiệp đầy thách thức ở Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Trọng Lê bên trang trại cam trĩu quả.

Sinh năm 1990, Nguyễn Trọng Lê (thôn Minh Lạng, xã Đức Lạng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã là ông chủ của mô hình vườn - ao - chuồng - rừng rộng 4,6 ha. Học hết THPT, anh Lê chọn học nghề lái xe, nhưng rồi nhận ra sự bấp bênh của nghề này trong khi diện tích đất của gia đình lại bỏ hoang nên anh quyết tâm trở về khai phá.

Năm 2012, với sự trợ giúp của bố mẹ, Lê vào khai hoang vùng đồi ở thôn Minh Lạng. Kế hoạch sản xuất được Lê xây dựng sau khi đi học hỏi các mô hình ở khắp trong, ngoài huyện. Lập được kế hoạch nhưng nguồn vốn eo hẹp, Lê tìm đường xoay xở. Vay mượn bạn bè, hàng xóm, rồi phải nhờ đến bố mẹ đứng ra vay ngân hàng, Lê có 200 triệu đồng đầu tiên để khởi nghiệp.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công làm lãi” những năm đầu, Lê trồng cam, thả cá, nuôi gà với số lượng ít rồi tăng dần. Đến nay, sau 5 năm, anh đã có một trang trại với 1.200 gốc cam, ngoài ra, còn trồng chè, chanh, cây lâm nghiệp và thả nuôi cá, gà, bò... Hiện tại, năm đầu cho thu hoạch, mô hình đã mang về 400-500 triệu đồng. Vào mùa vụ chính, anh Lê tạo việc làm cho 5 lao động tại quê hương.

Một câu chuyện khác, Nguyễn Văn Sơn (SN 1994, thôn 1, xã Hòa Hải, Hương Khê) đã sớm tìm tòi, học hỏi qua mạng để khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Sơn chia sẻ: Tốt nghiệp THPT, em xác định không học cao đẳng, đại học mà sẽ đi làm luôn, vì vậy, sau khi tốt nghiệp, em đã đi làm thuê để kiếm vốn lập nghiệp. Bốn năm sau, em trở về nhà, với một ít vốn có được và sự giúp đỡ của gia đình, em bắt đầu trồng nấm, cam, bưởi.

Đặc biệt hơn, với nhiệt huyết của người trẻ, khả năng tiếp cận thị trường và sự nhạy bén trong tư duy kinh doanh, Sơn là đoàn viên đầu tiên ở Hương Khê phát triển mô hình nuôi dúi thịt và dúi giống. Hiện nay, sau 2 năm khởi nghiệp, Sơn đang là ông chủ của mô hình 5.000 bịch nấm, 350 gốc cam, bưởi và 150 con dúi.

Chàng trai trẻ này cho biết, với khát khao hình thành mô hình nuôi động vật đặc sản của rừng núi, tới đây, em thả thêm chồn hương. Hiện tại, em đang tìm nguồn bán con giống và học hỏi thêm các kinh nghiệm nuôi chồn hương cũng như hướng ra cho sản phẩm.

Giám đốc trẻ Lê Văn Quận với dây chuyền sản xuất gạch không nung

Còn Lê Văn Quận (SN 1994, phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nung nấu ý tưởng mở xưởng sản xuất gạch không nung. Vận dụng những kiến thức mình học tại trường, Quận lắp đặt, chế tạo nên hệ thống dây chuyền xây dựng gạch không nung với chi phí thấp, đồng thời, tiên phong đưa hệ thống tời vật liệu tự động vào sản xuất, góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất.

Sản phẩm gạch của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lê Quận không chỉ bán khắp trong ngoài tỉnh mà còn mở rộng sang Lào, đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 nhân công.

Hiện nay, toàn tỉnh đang có hơn 600 mô hình thanh niên phát triển kinh tế quy mô trên 200 triệu đồng, 54 HTX, 46 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, 125 thanh niên là giám đốc các công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân. Lực lượng này cũng đang góp phần tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động trong toàn tỉnh. Những con số không nhỏ đó đã phần nào khẳng định những người thanh niên trên quê hương người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng có thể lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nếu có ý chí và hướng đi đúng.

Thu Hà

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/khoi-nghiep/chuyen-khoi-nghiep-cua-nhung-ong-chu-tre-ha-tinh/150879.htm