Chuyện khó tin tại nhà máy rác trăm tỷ giữa Hà Nội: Sở Xây dựng công bố thông tin bất ngờ

Theo tính toán của Sở Xây dựng, trong 2,5 năm từ khi hoạt động nhà máy rác Phương Đình chỉ hoạt động được khoảng 120 ngày (khoảng 4 tháng) còn lại đều rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Mỗi lần nhà máy 'đắp chiếu' như vậy kéo dài từ 4 tháng đến hơn nửa năm.

Ông Lê Phùng Hưng, Giám đốc nhà máy rác Phương Đình giới thiệu về công nghệ được cho là hiện đại hàng đầu để xử lý rác tại Việt Nam hiện nay - Ảnh: PV.

Lựa chọn công nghệ chưa phù hợp

Liên quan đến loạt bài "Chuyện khó tin tại nhà máy rác trăm tỷ giữa Hà Nội" đăng tải trên Báo Lao Động, Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức lên tiếng.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Dự án nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình được thực hiện theo hình thức xã hội hóa bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

Mặc dù Công nghệ xử lý chất và rác thải tại nhà máy này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thẩm định, nhưng từ khi vận hành chính thức vào quý 2.2016, nhà máy này liên tiếp rơi vào tình trạng hỏng hóc, cần phải sửa chữa, cải tạo.

Theo tính toán của Sở Xây dựng, trong 2,5 năm từ khi vào hoạt động nhà máy rác Phương Đình chỉ hoạt động được khoảng 120 ngày (khoảng 4 tháng) còn lại đều rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Mỗi lần nhà máy "đắp chiếu" như vậy kéo dài từ 4 tháng đến hơn nửa năm.

Gỗ được chất đống một góc trong nhà máy phục vụ quá trình đốt lò, xử lý rác.

Xảy ra tình trạng trên, theo Sở Xây dựng là do: Chủ đầu tư nhà máy là Cty cổ phần Đầu tư Thành Quang (Cty Thành Quang) trong quá trình chọn công nghệ xử lý còn chưa phù hợp với thực tế. Đặc thù của rác thải sinh hoạt T.P Hà Nội là chưa được phân loại, rác thải đầu vào lẫn với vật liệu xây dựng, ẩm ướt.

Trong khoảng 120 ngày hoạt động được, nhà máy rác Phương Đình cùng có công suất xử lý rác rất thấp so với kỳ vọng ban đầu là 200 tấn/ngày đêm.

"Sở xây dựng và Ban duy tu đã thường xuyên đôn đốc đơn vị khẩn trương cải tạo, sửa chữa, khắc phục dây chuyền công nghệ vận hành ổn định theo đúng công suất. Cty Thành Quang cũng đang khẩn trương làm việc với các nhà thầu để đưa nhà máy vào hoạt động trở lại", Sở Xây dựng cho biết thêm.

Những khúc mắc cần được làm rõ

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình được thực hiện theo hình thức xã hội hóa bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Tuyết Mai, Phó TGĐ Cty Thành Quang cho biết nguồn vốn xây dựng nhà máy có vay vốn tại Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội nhưng từ chối tiết lộ lãi suất vay, có ưu đãi hay không.

Bên trong nhà máy đang tạm dừng hoạt động.

Về khoảng cách giữa nhà máy rác Phương Đình và khu dân cư gần nhất, bà Nguyễn Tuyết Mai phủ nhận thông tin trước đó của Giám đốc nhà máy Lê Phùng Hưng và khẳng định khoảng cách tối thiểu theo đúng luật chỉ là 200m?!

Tuy vậy trong văn bản gửi đến Báo Lao Động, UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) khẳng định xóm cực Nam, thuộc cụm 1, xã Thọ Xuân khoảng cách với nhà máy rác chưa đảm bảo tối thiểu 500m theo quy chuẩn xây dựng.

Về vi phạm này, quan điểm của UBND huyện Đan Phượng là : "Huyện Đan Phượng là huyện ngoại thành có diện tích nhỏ nên việc xây dựng nhà máy xử lý rác đảm bảo 100% quy chuẩn là khó khăn".

Trước đó, nhiều hộ dân ở xã Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh đến Báo Lao Động, họ thường xuyên phải hứng chịu khói và mùi rác của Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình. Họ lo ngại nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mình.

Năm 2016, người dân cũng đã kiến nghị lên các cấp chính quyền về thực trạng trên. Đại diện người dân cho biết, khu vực nhà máy rác thải nằm quá gần khu dân cư (cách khoảng 200m) như vậy là rất bất thường.

Đồng thời việc nhà máy nhiều lần phải tạm dừng để sửa chữa cũng khiến người dân đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi khi xây dựng nhà máy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội.

Trần Huy Tuấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chuyen-kho-tin-tai-nha-may-rac-tram-ty-giua-ha-noi-so-xay-dung-cong-bo-thong-tin-bat-ngo-639677.ldo