Chuyện kể về người 'khai sinh' tờ báo đầu tiên của ngành kiểm sát

TS Dương Thanh Biểu được mệnh danh là người có tâm hồn 'không cứng' trong ngành 'khô cứng'. Ông cũng là người đầu tiên 'khai sinh' ra một cơ quan ngôn luận của ngành KSND.

Muôn vàn khó khăn

Trong khoảng 10 năm cuối cùng gắn mình với sự nghiệp kiểm sát (từ năm 2000 - 2009), TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã “khai sinh” ra tờ báo Bảo vệ pháp luật - cơ quan ngôn luận thuộc VKSNDTC.

“Làm nghề báo cũng giống như nghề kiểm sát, né tránh sự thật, né tránh dư luận thì không bao giờ mang lại công bằng, công lý cho xã hội” - TS Dương Thanh Biểu chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhắc đến những ngày đầu vừa giữ trọng trách là người “giữ cán cân” công lý, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của người “cầm bút” với vai trò là Tổng biên tập, TS Dương Thanh Biểu bùi ngùi: “Khó khăn lớn nhất khiến tôi trăn trở là làm thế nào để tờ báo thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích(?). Đó cũng làsự lo lắng của ban lãnh đạo VKSNDTC. Thứ hai là công tác nhân sự vừa mỏng, vừa yếu, điều này rất khó để đáp ứng công tác báo chí với một tòa soạn báo trực “non trẻ”.

Bởi cán bộ BTV, PV không chỉ tốt nghiệp ngành báo chí mà đòi hỏi phải “thông thạo” nghiệp vụ kiểm sát. Vì vậy, tài liệu các vụ án rất nhiều nhưng viết thế nào cho hay và mang tính báo chí thì ít ai làm được. Sau này, năng lực chuyên môn của nhiều phóng viên phát triển thì tôi lại lo lắng về công tác quản lý nhân sự, bởi đã có nhiều trường hợp mạo danh phóng viên vào mục đính không tốt. Thứ ba, là đơn vị sự nghiệp có thu, nên ngoài việc giữ nhịp độ phát hành, còn phải tính toán cân đối thu chi để bảo đảm cuộc sống cho anh em”.

Tiến sĩ luật, nhà báo Dương Thanh Biểu, nguyên Tổng biên tập báo Bảo vệ pháp luật. Ảnh: B.Loan

Tiến sĩ luật, nhà báo Dương Thanh Biểu, nguyên Tổng biên tập báo Bảo vệ pháp luật. Ảnh: B.Loan

“Có những thời điểm công việc bận rộn, đặc biệt là những vụ án trọng điểm, gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, hàng ngày tôi “quay cuồng” với bài vở, với những trang án đến 9 - 10 giờ đêm là hết sức bình thường. Vì là tờ báo “non trẻ” vừa chào đời, ban lãnh đạo phải trực tiếp biên tập và thậm chí là trực tiếp viết bài và đi phát hành báo in. Có hôm, sau khi in báo, tôi phải cùng anh em chở báo ra sân bay Nội Bài để kịp “gửi” anh em đưa báo vào Sài Gòn cho kịp và tiết kiệm “chi phí”. Trở về nhà thì con đã say giấc, chỉ còn vợ ngồi ngóng đợi chồng về để hâm lại mâm cơm đã nguội ngắt từ khi nào”, nguyên Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật ngậm ngùi.

Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn thì với TS Dương Thanh Biểu, niềm động lực lớn nhất để ông hoàn thành nhiệm vụ chính là sự quan tâm, ủng hộ, đồng lòng của tập thể cán bộ lãnh đạo VKSNDTC và các anh em trong ngành. “Bây giờ có thời gian, nhìn lại những ngày vất vả và tận mắt chứng kiến sự phát triển của một tờ báo có vị thế và đang đứng vững trong làng báo Việt Nam, thật sự tôi rất phấn khởi”, TS Dương Thanh Biểu tâm sự.

Một tâm hồn “không cứng” trong ngành “khô cứng”

Khi nói về thế hệ trẻ trong ngành báo chí hiện nay, TS Dương Thanh Biểu cho rằng: “Nghề báo cũng giống như nghề Kiểm sát, lớp trẻ ngày nay có thế mạnh là được đào tạo cơ bản và nhanh nhạy với cái mới, nhưng lại đòi hỏi rất lớn về bản lĩnh của người cầm bút, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức phẩm chất và tinh thần trách nhiệm. Nghề báo hiện rất khó khăn, nên ngoài yếu tố bản lĩnh cần có lòng say mê với nghề. Nếu thiếu hai cái đó sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ”.

Những “mặc định” về “chuẩn mực’ của một người vừa là cán bộ kiểm sát vừa là nhà báo và là nhà văn của ngành, cho nên, trong thời gian công tác, TS Dương Thanh Biểu đã làm nên nhiều âm hưởng tình người trong phá án. Điển hình là vụ án Tạ Đình Đề; vụ án buôn bán ma túy Vũ Xuân Trường và đồng bọn những năm 1996-1997…

Từ những trang án, ông đã thấm thía một điều mà khi “khai sinh” ra tờ báo Bảo vệ Pháp luật cũng luôn tâm niệm: “Công tác điều tra, truy tố, xét xử một con người, nhất là người đó lại có ảnh hưởng trong xã hội phải hết sức thận trọng, khách quan và toàn diện. Đối với người làm báo cũng vậy, hơn ai hết, không ai khác, người làm báo phải có đạo đức trong sáng, phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định và lập trường khi đưa thông tin một sự việc, hiện tượng, một vụ án cụ thể”.

Nói đến đây, ông lần giở cho tôi những trang sách viết về vụ án Vũ Xuân Trường trong cuốn hồi ký Theo dòng công lý như chính nỗi lòng của ông muốn tâm sự. Ông nhắc nhở như đang nhắc nhở chính tôi: “Làm nghề gì cũng vậy, lương tâm và trách nhiệm luôn là sợi chỉ đỏ để giúp mình không bị cám dỗ và hoàn thành tốt công việc”.

Sau khi nghỉ hưu, TS Dương Thanh Biểu đã xuất bản cuốn sách: Một thời trận mạc; Theo dòng công lý; Truyện ký Tạ Đình Đề, từ cuộc chiến đến cuộc chiến và gàn đây là tiểu thuyết Miền sáng tối… Những cuốn sách chuyên khảo như: Kỹ năng công tác thực hành quyền công tố sơ thẩm; Kỹ năng kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm; Kỹ năng kiểm sát viên tại phiên tòa giám đốc thẩm...

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-ke-ve-nguoi-khai-sinh-to-bao-dau-tien-cua-nganh-kiem-sat-2018062117220364.htm