Chuyện kể về chiếc quạt Thi đua ái quốc

Với mong muốn nhân dân cả nước hăng hái thi đua, đem hết tinh thần và lực lượng ủng hộ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng chiếc quạt giấy cho ông Hoàng Đạo Thúy - Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương - với lời căn dặn: 'Chú dùng cái quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên'.

Chiếc quạt nghĩa tình

Câu chuyện về hình ảnh chiếc quạt gắn với phong trào thi đua ái quốc 70 năm về trước đã được bà Hoàng Thị Nữ - nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại với phóng viên báo Lao động Thủ đô với tình cảm đầy xúc động và trân quý.

Bà Hoàng Thị Nữ năm nay 69 tuổi, hiện là Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 10, phường Liễu Giai quận Ba Đình, TP Hà Nội. 35 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nữ đã có nhiều cơ hội đi tìm hiểu, thu thập những tư liệu, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những năm tháng còn công tác, bà Hoàng Thị Nữ được giao nhiệm vụ quản lý kho – nơi sưu tầm, kiểm kê, bảo quản toàn bộ tài liệu gốc, có bút tích của Bác Hồ. “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút và kiên nhẫn. Nói thật, còn lo hơn việc nhà. Tôi luôn coi kỷ vật của Bác như xương máu của mình”, bà Nữ chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Nữ chia sẻ câu chuyện về chiếc quạt Bác Hồ gắn liền với phong trào thi đua ái quốc.

Bà Hoàng Thị Nữ chia sẻ câu chuyện về chiếc quạt Bác Hồ gắn liền với phong trào thi đua ái quốc.

Trở lại câu chuyện về chiếc quạt – kỷ vật của Bác gắn với phong trào thi đua ái quốc những ngày đầu, bà Nữ cho biết: Quá trình đi sưu tầm các hiện vật về Bác, chúng tôi sưu tầm được các bản thảo của Bác, đó là thư khen các tập thể, cá nhân có thành tích tốt; là những tấm ảnh Bác đi thăm phong trào và động viên các địa phương, cá nhân; là chiếc huy hiệu Bác tặng cá nhân tiêu biểu... Tuy nhiên trong đó, ấn tượng nhất là chiếc quạt của Bác Hồ.

Chiếc quạt giấy này vốn là quà tặng của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Người. Chiếc quạt có kích thước khá đặc biệt, không giống những chiếc quạt bình thường. Nó dài 0,76m, có 18 nan xương, trong đó 2 xương ngoài được làm bằng chất liệu sừng và 16 xương còn lại được làm bằng tre. Điểm đặc biệt của chiếc quạt, theo bà Nữ là trên hai mặt của quạt, các nghệ nhân châm kim làng Canh Hoạch đã châm trên đó những nét hoa văn và những vần thơ rất nhiều ý nghĩa.

Cụ thể, ở mặt trước, chính giữa của chiếc quạt, có dòng chữ Hán “Hồ Chủ tịch vạn tuế”. Phía trên mép quạt là dòng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, còn bên trái có mấy vần thơ: “Gió xuân hây hẩy ba kỳ mát/Muỗi cỏ vo ve, một phẩy tan/Gia Cát quạt lông, Hồ quạt giấy/Trước sau quét sạch lũ tham tàn”. Bên phải chiếc quạt nổi bật với mấy câu thơ: “Ra tay quạt gió, xua nồng/Cho dân bức bối thỏa lòng ước mong/Quạt hồng Nam, Bắc, Tây, Đông/Quạt cho hòa khí xuân phong gió về”. Còn mặt sau của quạt, phía dưới bên trái có 7 chữ Nôm “Liên kết yên an thành Hà Nội” và phía dưới bên phải có 4 chữ nôm “Thanh niên Canh Hoạch”.

Bà Nữ cho biết, nhân kỷ niệm 1000 ngày Toàn quốc kháng chiến, để động viên nhân dân cả nước hăng hái thi đua, đem hết tinh thần và lực lượng ủng hộ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Trước đó, ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 195/sl về việc thành lập Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và Ban vận động Thi đua ái quốc các cấp và Sắc lệnh 196/sl, cử một số vị đại diện cho Quốc hội, Chính phủ và các đoàn thể nhân dân tham gia vào Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương.

Tuy nhiên, trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư tay hỏi ý kiến “lão đồng chí” Hoàng Đạo Thúy – khi đó đang là Cục trưởng Cục Quân huấn. Trong bức thư tay hỏa tốc, Bác viết rất ngắn gọn:

“Gởi ông Hoàng Đạo Thúy Lão đồng chí,

Nay có một việc rất quan trọng, cần có một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm, và tính xốc vác. Tức là việc Tổng bí thư cho Ban thi đua Trung ương.

Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy. Chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên quốc phòng và tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp, song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách dàn xếp.

Chào thân ái và quyết thắng! 6/48 Hồ Chí Minh”.

Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207/sl cử ông Hoàng Đạo Thúy về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng chiếc quạt giấy – món quà sinh nhật của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông gửi tặng - cho ông Hoàng Đạo Thúy với lời căn dặn: “Chú dùng cái quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”.

Nhận món quà quý từ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vinh dự, đồng thời là trách nhiệm, ông Hoàng Đạo Thúy đã cùng các thành viên Ban vận động Thi đua ái quốc các cấp tận tâm, tận lực làm tròn lời Người dặn. Phong trào thi đua ái quốc của nhân dân ta đã được tổ chức, triển khai sâu rộng trên cả nước. Và cũng từ đó, chiếc quạt đầy kỷ niệm, gắn bó với ông Hoàng Đạo Thúy suốt cuộc đời hoạt động, trở thành kỷ vật vô giá của ông và gia đình. Sau 30 năm nâng niu, gìn giữ, 27/9/1978, chiếc quạt đã được ông Hoàng Đạo Thúy tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Luôn học tập theo Bác từ việc làm nhỏ nhất

Là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học An ninh, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, năm 1969, ngay sau khi Bác Hồ qua đời, bà Hoàng Thị Nữ được điều động về công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Là một trong những lực lượng đầu tiên được xây dựng để đi sưu tầm, tìm kiếm những tư liệu, hiện vật về Người, bà Nữ có may mắn được hiểu sâu sắc về cuộc đời và công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiếc quạt giấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho ông Hoàng Đạo Thúy - Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương năm 1948.

Những năm tháng công tác, không chỉ dày công sưu tầm, bảo quản những tài liệu, hiện vật về Bác khi còn ở trong nước, bà Nữ còn trực tiếp tham gia sưu tầm, xác minh các tài liệu, di tích liên quan đến thời gian Bác Hồ ở nước ngoài. Yêu Bác, yêu công việc, những kỷ vật của Bác đã thấm vào máu thịt đến nỗi chỉ cần ai đó đưa ra một kỷ vật liên quan đến Bác Hồ mà bà từng quản lý, bà Nữ sẽ đọc được cả thời gian, địa điểm và lịch sử kỷ vật đó.

“Công việc đòi hỏi chúng tôi phải giữ gìn làm sao để tuổi thọ của tài liệu, hiện vật được kéo dài nhất. Những tài liệu, kỷ vật về Bác thiêng liêng và vô giá lắm nên không thể không cẩn thận. Tôi luôn coi kỷ vật của Bác như xương máu của mình”, bà Nữ bộc bạch. Cũng vì gắn bó với tình cảm sâu sắc và trân quý như vậy, nên nhiều lần bà đã rơi lệ khi phải bàn giao tài liệu cho đơn vị khác quản lý. Bà kể: Tôi nhớ năm 1987 khi bàn giao di chúc của Bác Hồ cho Văn phòng lưu trữ Trung ương. Lúc đó, được sự ủy quyền của cấp trên, tôi có nhiệm vụ bàn giao 3 bản gốc di chúc của Bác. Tôi ký biên bản bàn giao mà tay run bần bật, cảm giác như mình mất đi kỷ vật thiêng liêng nhất của chính bản thân mình vậy.

Là một đảng viên, được “sống” trong kho tư liệu và kỷ vật về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên bà Hoàng Thị Nữ luôn cố gắng làm theo lời Bác trong từng việc làm, cử chỉ, hành động, nỗ lực sống tốt và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ chế độ, từ năm 2004 đến nay, bà tham gia vào công tác Hội đồng nhân dân phường (3 khóa liên tục), là Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc phường; làm công tác tuyên giáo của Đảng ủy phường... và hiện là Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 10, phường Liễu Giai quận Ba Đình, TP Hà Nội, được dân quý, dân tin. Noi theo Bác, bà sống giản dị, khiêm tốn, thực hành tiết kiệm, quan tâm, chăm lo đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Bà cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu của Thủ đô, được các cấp, các ngành nhiều lần khen tặng, trong đó có danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp thành phố.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-ke-ve-chiec-quat-thi-dua-ai-quoc-74558.html