Chuyện kể từ gia đình Nam Việt

Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ giữa thập niên 1980, nhưng sau gần 20 năm gắn bó với nguyên liệu giấy, ông Trần Võ Hoan lặng lẽ chia tay với sở trường của mình để 'liều mình' bước vào một lãnh địa mà mình có rất ít kinh nghiệm nhưng lại nhìn thấy từ đó không ít tiềm năng...

Trong khuôn viên nhà xưởng Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Nam Việt có hệ thống hồ nước trang bị bơm tuần hoàn. Nước từ “thượng nguồn” là khối đá vuông đâu lưng vào hàng rào, tràn xuống phần đế chữ nhật, dẫn qua hồ tròn nhỏ trước khi đổ vào hồ tròn lớn thả bèo hoa dâu chen lẫn cùng hoa sen hoa súng. Các hình khối mô phỏng kiểu dáng các loại lon kim loại (vuông, tròn, chữ nhật...) mà doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong chặng đường hình thành và phát triển - ông Trần Võ Hoan, người sáng lập đồng thời là chủ tịch Nam Việt vui vẻ nói vậy.

Tạo dựng được một vị thế vững vàng trong ngành sản xuất bao bì kim loại Việt Nam, có thể nói đằng sau câu chuyện thành công của Nam Việt là một triết lý kinh doanh khá giản dị: Nỗ lực xây dựng một thương hiệu bền vững ở miền Nam nước Việt...

Ngã rẽ bất ngờ

Bao bì kim loại không phải sở trường của ông chủ doanh nghiệp. Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ giữa thập niên 1980, nhưng sau gần 20 năm gắn bó với nguyên liệu giấy, ông Trần Võ Hoan lặng lẽ chia tay với sở trường của mình để “liều mình” bước vào một lãnh địa mà mình có rất ít kinh nghiệm nhưng lại nhìn thấy từ đó không ít tiềm năng. “Trong giới không ai tin tôi trụ được quá sáu tháng”, ông Hoan thừa nhận thời thế đã đưa đẩy mình rẽ sang lĩnh vực kinh doanh trái tay.

Máy móc tiêu chuẩn quốc tế được ứng dụng tại nhà máy Bao bì Nam Việt đặt ở KCN Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Trung Dũng

Máy móc tiêu chuẩn quốc tế được ứng dụng tại nhà máy Bao bì Nam Việt đặt ở KCN Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Trung Dũng

Bắt đầu lại thập phần gian nan. Mảng bao bì kim loại lúc này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, lạ nước lạ cái mà “cuộc chơi” mới lại cần rất nhiều công của. “Tôi phải mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bằng đúng giá trị căn nhà thế chấp vào ngân hàng. Lỡ có bề gì thì vợ con còn giữ lại được chỗ chui ra chui vào”, ông Hoan nhớ lại. Cầm cố hết tài sản mà vẫn đuối vốn. Cơn bĩ cực vô hình trung là thang đo giá trị cá nhân. Còn đó những bằng hữu đặt niềm tin vào ông vô điều kiện. Có những bạn hàng sẵn sáng bán chịu hàng trăm triệu đồng nguyên vật liệu. Thậm chí có ân nhân đồng ý cầm cố cả ngôi nhà đang sống để “cấp vốn” cho bạn.

Vốn liếng tạm yên, ông chủ doanh nghiệp mạnh tay tái cấu trúc công ty. Khách hàng được cơ cấu lại theo hướng chuyên môn hóa sản phẩm. Dải sản phẩm hơn trăm mã hàng bị cắt giảm khoảng 80%, tập trung vào nhóm sản phẩm (hóa chất, thực phẩm...) mà thị trường có nhu cầu quanh năm, chấp nhận từ bỏ cả những dòng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng có tính thời vụ, nguồn hàng không ổn định...

Từ công đoạn in trên thiếc, tạo hình thùng thiếc đặc biệt là kiểm tra độ xì, chảy đều được tự động hóa với công nghệ máy móc hiện đại. Ảnh: Trung Dũng

Song song với bước chuyển hướng sản phẩm là quyết tâm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả của các dây chuyền sản xuất và nâng cao thu nhập của công nhân. Quyết định có phần mạo hiểm này đã xoay chuyển tình thế. Năng suất lao động tăng cao. Thu nhập người lao động được cải thiện rõ rệt.

Thêm nữa, giá thành hạ còn tăng năng lực cạnh tranh. Một doanh nghiệp cùng ngành tuyên bố luôn chào giá thấp hơn Nam Việt 1.000 đồng mỗi thùng. Tuyên bố sát phạt này châm ngòi cho cuộc đua về giá. Giá thị trường giảm đến 30% thì cuộc chiến dừng lại. Nam Việt sống sót.

Chưa dừng lại ở đó, tận dụng lợi thế sẵn có về kích cỡ sản phẩm chiến lược (thùng vuông 18l) Nam Việt mở rộng mạng lưới khách hàng nhằm tối ưu hóa công suất. Đối tượng đầu tiên mà công ty nhắm đến là…hạt điều. Năm 2007 cũng chính là thời điểm Việt Nam vươn lên vị trí số một thế giới về sản lượng xuất khẩu loại nông sản này. Trong suốt 11 năm qua, ngành điều chưa một lần bị soán ngôi. Nước nổi bèo nổi. Nhà máy bao bì ở khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) vận hành 24/24. Sau hai năm, Nam Việt bắt đầu bước vào quỹ đạo tăng trưởng. Năm 2011, công ty mở chi nhánh tại Bình Phước. Sản phẩm, đương nhiên, phục vụ nhu cầu sản xuất thùng điều xuất khẩu.

Năm 2014, chi nhánh Hà Nội cũng được cơ cấu lại cho phù hợp với thị trường miền Bắc. Trước đó một năm, Nam Việt bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy thứ hai tại Long Thành, Đồng Nai. Đây cũng là dự án quy mô lớn và hiện đại nhất của Nam Việt tính đến thời điểm này.

Nhà máy trong... vườn

Màu xanh mát mắt ôm lấy khuôn viên nhà máy tọa lạc trên khu đất diện tích hơn 30.000m2. Cau vua sắp hàng ngay ngắn trước mặt tiền. Tùng la hán ôm sát những bờ tường xanh. Cây ăn trái bọc hậu. Vòng trong có sanh, si, me, phượng, ngọc lan, lộc vừng... Rồi cỏ, rồi hoa. Cỏ cho sân bóng đá, bóng chuyền. Hoa khóm cao đụng vai người, tầng thấp lúp xúp bước chân...

Cây về nhà máy từ khi dự án còn là khu đất trống. Vợ của ông chủ tịch Nam Việt muốn thế. Bà là người yêu thích cây cối và tự nhận lấy trách nhiệm xanh hóa nhà máy. Ươm cây từ nhỏ tại một vườn lớn khác của gia đình ở Nhơn Trạch, rồi mới bứng về trồng tại nhà máy ở Long Thành. Chi phí cây xanh giảm hẳn so với việc mua cây lớn toàn bộ.

Tiểu cảnh xanh mát tạo ấn tượng ngay từ cổng vào nhà máy Nam Việt. Ảnh: Thanh Nguyễn

Giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động từ cuối 2015. Gió và ánh sáng tự nhiên tràn vào xưởng, tiết kiệm rất nhiều chi phí năng lượng. Đây lại là “công” của ông chủ tịch khi chỉ đạo thiết kế nhà xưởng ngay từ những bước đầu tiên. Hai giàn máy in và bao bì thế hệ mới nhập khẩu từ Nhật. Những chiếc thùng thiếc không đạt chất lượng tự động văng ra khỏi dây chuyền kiểm định tự động.

Dừng lại ở khâu phân loại này, Trần Đinh Việt Hưng - con trai lớn của ông Hoan - nhấn mạnh thùng bị xì chảy là một trong những rủi ro lớn nhất, đặc biệt là đối với những khách hàng sử dụng để đựng hóa chất, sơn. Công nghệ kiểm định tự động, dù rất đắt, là quyết định đầu tư cần thiết khi mà số lượng đối tác quốc tế ngày càng dày thêm trong danh mục khách hàng của Nam Việt. Những bạn hàng đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... là dấu hiệu cho thấy bao bì kim loại Nam Việt đã tìm được cơ hội ở một thị trường rộng lớn hơn.

Theo Việt Hưng, nhờ ứng dụng công nghệ mới mà nhiều sản phẩm của công ty được cấp chứng nhận UN, đủ an toàn trong vận chuyển quốc tế.

Trần Đinh Việt Hưng cùng các nhân viên kỹ thuật in theo dõi công đoạn in màu lên thiếc. Ảnh: Trung Dũng

Khép lại quy trình sản xuất, thiếc phế liệu được đưa vào máy ép, đóng khuôn, trữ trong kho. Hằng tuần, khối phế liệu này được thu gom, đưa đi tái chế. Cách làm này vừa tiết kiệm diện tích kho chứa phế liệu, vừa tiện lợi vận chuyển cho khách mua.

Về cơ bản, quy trình sản xuất bao bì của Nam Việt không phát thải ô nhiễm độc hại. Dù vậy nhà sản xuất vẫn chưa bằng lòng. Chàng doanh nhân trẻ đã bỏ ra gần 10 tháng để hoàn thiện những tiêu chuẩn để được cấp chứng nhận ISO 14.000 từ Bureau Veritas (BV). Công ty có bề dày lịch sử gần 200 năm này (ra đời năm 1828 tại Bỉ) chuyên cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn, sức khỏe, môi trường và trách nhiệm xã hội.

Kho hàng các loại thùng thành phẩm được tập kết để bàn giao cho các đối tác. Ảnh: Trung Dũng

Việt Hưng cho biết thời gian thực hiện các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của BV kéo dài hơn dự tính. “Tôi muốn người ta (BV) đánh giá đúng thực chất”, anh cho biết đã chấp nhận cắt bớt một phần lợi nhuận để đầu tư cho tương lai, để sản xuất, kinh doanh an toàn cho cộng đồng”. “Hưng muốn xây dựng công ty này cho đời con, đời cháu”, ông Hoan góp lời. Ánh mắt người cha ánh lên sự mãn nguyện.

Từ F1 đến F2

Chuyển giao thế hệ là một trong những vấn đề thường gặp ở những công ty gia đình. Theo một người có quan hệ thân thiết với gia đình ông Hoan, nhiều năm trước cậu con trai hoàn toàn lơ đãng với công việc kinh doanh của gia đình. Tốt nghiệp đại học ngành tài chính ở Hoa Kỳ năm 20 tuổi, Hưng quay về Việt Nam, thử sức thực tập trong một ngân hàng lớn của nước ngoài. Chàng trai trẻ muốn xây dựng sự nghiệp riêng. Anh buộc phải gánh vác việc nhà sau khi người cha bất ngờ ngã bệnh. Công việc kinh doanh thấm dần vào Hưng. Ý thức trách nhiệm từ từ chuyển hóa thành ham thích thực sự.

Trong những ngày ông Hoan đau bệnh, vì nhu cầu phát triển, hai cha con vẫn âm thầm đi kiếm đất xây dựng thêm nhà máy. Quần nát Bình Dương, Long An trước khi quyết định dừng chân tại Long Thành.

Ông Trần Võ Hoan và con trai - Trần Đinh Việt Hưng tại một triển lãm máy móc ở Đức. Ảnh: CTV

Hưng bảo có lẽ trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển giao thế hệ là dọn dẹp lòng tự tôn cá nhân. Thông thường, kinh nghiệm, hào quang thành công của thế hệ F1 dễ là vật chắn ngáng trở những cơ hội đổi thay. Việc thuyết phục người đi trước thay đổi lại càng khó hơn khi mà trong thực tế lợi nhuận kinh doanh vẫn tốt.

“May mắn là cả hai cha con đều không thấy cái tôi của mình là lớn, đều muốn những điều tốt đẹp hơn, bởi cuối cùng thương hiệu của Nam Việt mới là điều thực sự quan trọng”, Hưng nói.

Cha con ông Hoan ở khu vực sân bóng đá, bóng chuyền dành cho công nhân vui chơi ngoài giờ

Một trong những dấu ấn đậm nét của người kế nghiệp ở Nam Việt là tổ chức học tập. Công ty đài thọ chi phí cho quản lý cấp cao và cấp trung tham gia các khóa đào tạo về quản trị chất lượng, nhân lực, tài chính... Mở lớp tiếng Anh tại xưởng cho nhân viên. Kỹ năng ngoại ngữ giúp họ tiếp thu nhanh hơn khi mời chuyên gia nước ngoài sang chuyển giao công nghệ. Tự đào tạo cũng chính là giải pháp thiết thực trong bối cảnh thị trường thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề.

Dấu ấn thứ hai của Hưng là công tác đối ngoại. Khác với người cha “ngại giao lưu”, cậu con trai lại tích cực tham gia những hội thảo, triển lãm chuyên ngành ở trong và ngoài nước, cập nhật xu hướng công nghệ, kết nối với giới kinh doanh quốc tế cùng lĩnh vực. Cuộc trao đổi với chúng tôi bất ngờ dừng lại khi Hưng chia sẻ tin nhắn vừa đến từ nước ngoài, thông báo hàng mẫu đã vượt qua được khâu kiểm định khắt khe về chất lượng.

Đối tác tiềm năng là một nhà cung cấp sản phẩm cho một số thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực thực phẩm. Ông chủ tịch công ty này chủ động đặt lịch hẹn với Hưng. Lần tiếp xúc đầu tiên giữa đôi bên thực chất là một cuộc phỏng vấn về năng lực của Nam Việt. Và mẫu in tráng trên một số sản phẩm Nam Việt sản xuất theo yêu cầu của đối tác đã mở ra cơ hội lớn cho công ty...

Tin vui về hiện thực gần của bước phát triển mới đáng giá đã khiến cho nụ cười trên gương mặt hai cha con ông chủ Nam Việt giống nhau kỳ lạ. Cha và con họ như thể biết rõ Nam việt đang ở đâu và sẽ bước đến đâu trong “cuộc chơi” đầy khó nhọc của mình.

Chất lượng lao động cải thiện đi kèm với phúc lợi của người lao động cũng được chăm chút hơn. Không chỉ là những phần thưởng, quà tặng cho các ngày lễ, tết; các chuyến du lịch Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu... mỗi năm. Ngoài lương tháng 13, tháng 14, Công ty Nam Việt từ nhiều năm nay vẫn có “lệ” cho nhân viên vay tiền không lãi suất để mua đất, sửa nhà, xây nhà... “Tôi tự tin và biết ơn đội ngũ chịu khó, siêng năng của mình, nhiều người đã đến với Công ty ngay từ lúc mới thành lập. Trong Công ty còn có nhiều gia đình, có cha con, anh em, vợ chồng đang cùng làm việc; nhiều công nhân viên cũng nên vợ nên chồng từ đây” - ông Trần Võ Hoan tâm sự.

An cư thì sẽ lạc nghiệp, ông chủ doanh nghiệp nghĩ đơn giản vậy nên không ngại trao niềm tin và niềm vui vào những người gắn bó với Công ty, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả. Rất nhiều công nhân viên đã nhận được cơ hội này.
Được vay tiền mua đất từ năm 2009, anh Lê Văn Dũng, công nhân in, kể: “Có công việc tốt, lại lo được chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng nên tôi rất yên tâm làm việc”. Vợ Dũng có hai bằng đại học, mới đây, năm 2016 cũng xin vào Công ty làm việc cùng chồng. Hai vợ chồng công nhân Ngọc Linh - Minh Hải cũng mới mua thêm được miếng đất ở Long Thành, “để ở gần Công ty cho tiện làm việc” - Ngọc Linh, 32 tuổi, cho biết.

Được hai lần vay tiền sửa căn nhà cấp 4, chị Nguyễn Thị Nhung, 52 tuổi, làm tạp vụ ở Công ty hơn 15 năm, đến giờ vẫn còn vui sướng vì được ở trong căn nhà “mát gì đâu” mà không còn dột trước nát sau. “Vay ngân hàng thì chẳng biết bao giờ mới trả nổi”- chị Nhung nói.

Dương Lê

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-ke-tu-gia-dinh-nam-viet-11406.html