Chuyện kể làng Kênh Gà trên vùng đất Cố Đô

Buổi sáng trên làng Kênh Gà, xã Gia Thịnh huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), gió heo may làm vơi đi cái oi nóng đầu thu...

Làng Kênh Gà nằm yên bình bên ngã ba sông Hoàng Long.

Làng Kênh Gà nằm yên bình bên ngã ba sông Hoàng Long.

Dòng sông Hoàng Long rộng lớn chảy hiền hòa bao quanh ngôi làng, ôm ấp những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Dòng sông này là nơi người dân dùng thuyền khai thác đánh bắt cá tôm, vận tải hàng hóa đi khắp các vùng miền Tổ quốc.

Anh Hoàng Văn Thủy vui vẻ làm hướng dẫn viên cho tôi xuôi dòng Hoàng Long trên chiếc thuyền nhỏ. Gia đình anh Thủy sống ở đây được bốn thế hệ, sống bằng nghề chài lưới của cha ông để lại.

Anh bộc bạch, trẻ em bốn đến năm tuổi là theo cha mẹ đi làm chài lưới, biết bơi lội, chèo thuyền. Từ xa xưa các cụ kể lại, đầu núi của làng Kênh Gà có hình giống con gà. Ngã ba Kênh Gà là nơi hợp lưu giữa sông Bôi, sông Lạng và sông Hoàng Long dài khoảng 25km.

Đầu núi của làng Kênh Gà có hình giống con gà.

Làng Kênh Gà được bao bọc bởi hệ thống sông. Bởi thế so với các làng ở vùng nông thôn thì ngôi làng này có đặc trưng khác biệt là nghề đánh cá.

Làng Kênh Gà nay đã chia thành 3 thôn, gồm: thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Làng nép mình bên cánh hữu sông Hoàng Long, dưới chân các dãy núi Lỗ Sôi, Đá Đen, Đá Bia. Cứ tháng 6 tháng 7 cuối năm, khi mùa lũ về, dân cư Kênh Gà lại bị cô lập phải di chuyển bằng thuyền.

Khoảng không giữa các dãy núi với dòng Hoàng Long nơi rộng nhất chỉ chừng 20m, hẹp chỉ 8 m nhưng từng khóm dân cư thuộc làng Kênh Gà vẫn bám trụ, sống chung với lũ. Để thích nghi với cuộc sống ở đây, người dân khi xây dựng nhà cửa đều tính toán làm sao cho nền nhà cao từ 2 - 3 m, tránh lũ gây ngập.

Muốn vào làng, người dân Kênh Gà phải đi thuyền qua sông. Theo ông Trần Hoàng Anh, trưởng thôn 3 cho biết nơi đây đi lại khó khăn, không có ruộng, ngành nghề dịch vụ cũng không, thường xuyên bị chia cắt với bên ngoài. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh cũng cho biết làng Kênh Gà cũng không ít hộ gia đình có cuộc sống khá giả với nhiều nhà cao tầng. Vị trưởng thôn cho biết sông Hoàng Long sâu, tàu thuyền hàng ngàn tấn ra vào được. Ở đây có đến 90% bà con làm nghề vận tải đường thủy, thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng.

Con tàu hàng ngàn tấn được người dân làng Kênh Gà đóng mới để vận tải hàng hóa trên sông Hoàng Long.

Kinh tế khá giả nhờ vận tải đường thủy phải kể đến gia đình anh Trần Văn Thật. Anh hiện sở hữu 2 con tàu trọng tải trên 1000 tấn. Tàu của anh chuyên vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh.

Anh Thật chia sẻ: "Nghề vận tải thủy là nghề truyền thống của hầu hết người dân làng Kênh Gà. Từ thời niên thiếu tôi cũng chỉ học cho biết chữ rồi theo cha lênh đênh khắp các con sông. Nghề này đã gắn bó như “cái nghiệp” đối với nhiều người dân Kênh Gà nên chúng tôi luôn tự hào và bảo nhau cùng nỗ lực cố gắng vượt qua những khó khăn, hiểm nguy để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho con cái học hành".

Mỗi năm anh Thật thu về hơn nửa tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng phục vụ đời sống.

Lãnh đạo xã Gia Thịnh cho biết, trước năm 2010, làng Kênh Gà có trên 10% hộ nghèo thì nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có được điều này, theo lãnh đạo xã là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chính sách tín dụng ưu đãi cho những người làm nghề đóng tàu.

Hiện nay, trong thôn có hơn 100 hộ tham gia đóng tàu và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, nhiều gia đình có đến 2 thế hệ cùng tham gia. Doanh thu từ vận tải thủy đem lại cuộc sống ổn định cho hầu hết các gia đình trong thôn, trong đó có nhiều gia đình doanh thu từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm.

Tiêu biểu như các gia đình anh Trần Văn Tấn, Trần Văn Cân, Trần Hoàng Lương, Trần Tuấn Hồng… mỗi năm doanh thu đạt từ 500 triệu - hàng tỷ đồng. Số hộ khá giả trong làng Kênh Gà chiếm khoảng 50%, còn lại người dân có mức sống trung bình, tỷ lệ hộ nghèo thấp so với toàn xã, làng chỉ còn vài hộ nghèo là gia đình neo đơn, ốm đau.

Bà con dân chài đánh bắt cá trên sông Hoàng Long.

Nổi bật là đã thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, phong trào 3 giảm “Giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội và giảm tai nạn giao thông”.

Từ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thôn được giữ vững, thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến; các tổ chức, đoàn thể trong thôn nhiều năm hoàn thành nhiệm vụ. Người dân trong thôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đổi mới của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua lao động sản xuất, sống “Tốt đời đẹp đạo”, xây dựng xứ họ đạo tiên tiến.

Chiều trên làng Kênh Gà, những cơn gió mùa thổi ngày càng mạnh hơn. Tạm biệt vùng đất chiêm trũng, những người dân đôn hậu, chất phác, tôi tiếp tục cuộc hành trình mới với cảm xúc tự hào trên ngôi làng Kênh Gà.

Công Thành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/chuyen-ke-lang-kenh-ga-tren-vung-dat-co-do-474213.html