Chuyện kể của những nhà báo phát thanh trên chiến trường biên giới

Là người đi qua chiến tranh, có những lúc sống trong vòng vây dày đặc của kẻ thù, cái chết luôn cận kề, nhưng chúng tôi luôn có suy nghĩ rằng: Kẻ thù buộc ta phải cầm súng. Cho dù là cuộc chiến tranh nào đi chăng nữa thì đó cũng không phải là hòa bình.

Ngay khi cuộc chiến tranh xâm lược biên giới và lãnh thổ Việt Nam mà Trung Quốc tiến hành, tất cả cán bộ, công nhân viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đều dành ưu tiên cao nhất, dành tình cảm lớn nhất cho vùng biên giới. Không ít phóng viên được cử ra chiến trường để có những tin, bài nóng hổi về trận chiến, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Câu chuyện kể của các nhà báo đã đưa tôi như được quay trở lại về một thời đạn bom hào hùng nhưng thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.

Nhà báo Kim Cúc, nguyên Phó Tổng giám đốc ĐTNVN

Trong số các nhà báo đã từng tác nghiệp tại 6 tỉnh biên giới khi đó có nhà báo Kim Cúc, phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà báo Kim Cúc xúc động kể lại: chỉ sau 2 ngày khi tiếng súng vang lên, tôi cùng anh em của Đài được cử lên tuyến biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Chuyến đi lần này đã để lại cho tôi rất nhiều ký ức, rất nhiều xúc cảm, trái tim phụ nữ của người làm báo khiến tôi đau đớn và xót xa vô cùng khi chứng kiến sự tan hoang của thị xã Lào Cai.

Tôi thực hiện bài phỏng vấn đầu tiên với Thiếu tá Đỗ Văn Hộc trong không khí chiến tranh rất khẩn trương, rồi sau đó gặp những chiến sĩ đóng trên điểm chốt, những chiến sĩ trẻ trung mới 17, 18 tuổi đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi được nghe tâm tình của những chiến sĩ trẻ ấy thề kiên quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hành trang của chúng tôi khi mang về Hà Nội là đầy ắp những ý kiến, những câu phỏng vấn, những chi tiết, những sự việc diễn ra mà tôi ghi được. Đêm đó, ở Hà Nội, khi ngồi viết bài để sáng mai kịp giờ phát sóng, tôi đã khóc vì quá xúc động.

Sau này tôi lại nhận nhiệm vụ đi lên Lạng Sơn, sự hy sinh của những người lính của những người dân trên các tỉnh biên giới đã tạo cho tôi một sức mạnh để tôi có thể trải lòng được qua những bài viết của mình, để phát sóng trên Đài. Tinh thần anh dũng, sự kiên cường quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng thể hiện trong hành động của người chiến sỹ đã thôi thúc động viên chúng tôi vượt lên khó khăn thách thức trong cuộc chiến để hoàn thành công việc của mình là phản ánh khách quan sự thật trong cuộc chiến đó - nhà báo Kim Cúc rưng rưng nhớ lại những năm tháng có mặt tại Lào Cai để phản ánh về cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Ông Đoàn Việt Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cũng không khỏi bồi hồi: Ngày đó tôi làm công tác phát thanh truyền hình. Năm 1979 khi đó, tôi và hai người khác được lệnh từ lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam phải cấp tốc làm một xe phóng thanh lên vùng biên giới. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là tuyên truyền, giải tán đám đông mà hoàn toàn khác so với những gì chúng tôi hình dung trước đó. Khi chúng tôi vừa vào sân Hữu Nghị Quan, phía bên kia dùng đài phát thanh rêu rao Việt Nam cho xe bít kín lên để bắt bớ, khủng bố người Hoa hiện đang sinh sống ở đó. Chúng tôi phải nhanh chóng đi mắc loa để ngay ngày hôm sau bắt đầu phát và tiếp sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong chương trình của Đài có những bài bình luận rất sắc sảo, củng cố lòng tin của quân và dân vùng biên giới, đồng thời khiến phía bên kia phải lo sợ.

Ông Đoàn Việt Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Ông Đoàn Việt Trung cho hay, ông phải ngủ ngay dưới chân máy để sáng sớm có thể bật loa phát thanh sớm hơn phía bên kia biên giới. "Nếu hôm nào để đài đối phương phát sóng trước 5 hoặc 10 phút là chúng tôi điên lắm. Hôm nào đài của mình phát trước là chúng tôi vui cả ngày. Cứ như thế suốt 35 ngày"

Là người đi qua chiến tranh, có những lúc sống trong vòng vây dày đặc của kẻ thù, cái chết luôn cận kề, nhưng chúng tôi luôn có suy nghĩ rằng: Kẻ thù buộc ta phải cầm súng. Cho dù là cuộc chiến tranh nào đi chăng nữa thì đó cũng không phải là hòa bình.

Cuộc chiến này có quá nhiều mất mát nhưng với những người làm công tác phát thanh truyền hình thì dù trong hoàn cảnh nào vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nhớ mãi ngày đồng chí Lê Đình Chinh hy sinh, tôi nhớ lúc đó cô Năm phát thanh viên Đài Lạng Sơn cô ấy cứ khóc thôi, cô ấy cứ khóc nấc lên vì thấy đồng đội bị chết nên tôi lúc đó tôi lấy micro và đọc. Tôi đọc mà không biết rằng những tờ giấy trong đó viết những cái gì, tôi cứ đọc thật rõ cái nội dung mà mỗi người viết một chữ, giấy thì khổ nọ khổ kia và đến bây giờ tôi vẫn không thể nhớ nổi nội dung các tờ giấy đó. Suốt đêm hôm đấy tôi và nhiều nhà báo đồng nghiệp đã ngồi với Lê Đình Chinh đến sáng thì đưa Lê Đình Chinh về phía sau. Đó là những kí ức mà tôi không thể nào quên!

Nhà báo Vĩnh Trà, nguyên Trưởng ban TKBT Đài Tiếng nói Việt Nam

Với Nhà báo Vĩnh Trà, người trực tiếp công tác tại chiến trường Quảng Ninh lúc đó thì những năm tháng chiến đấu và tác nghiệp trên biên giới phía Bắc là những năm tháng không thể nào quên. Nhà báo chia sẻ: Chúng tôi là những người đươc yêu cầu xây dựng biên giới xanh, xây dựng biên giới lòng dân và làm công tác tuyên truyền. Chúng tôi lúc đó vừa ở chiến trường chống Mỹ ra chưa được 5 năm, còn chưa hết sốt rét nhưng khi được tăng cường chúng tôi đã tới các điểm chốt vừa chiến đấu với tư cách một chiến sĩ, vừa tiếp xúc với chiến sĩ, vừa làm công tác tuyên truyền với quần chúng đồng bào nhưng anh em phóng viên đều không ai nề hà, ai cũng một lòng đồng tâm tiến lên biên cương bảo vệ Tổ quốc...

Trong cuộc chiến tranh gian khổ đó, vượt qua nhiều gian khó, ác liệt, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát những bài ca, tác phẩm báo chí chất lượng, ý nghĩa để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, khẳng định khát vọng độc lập, tự do; khát vọng hòa bình, hướng đến tương lai tốt đẹp.

Chiến tranh biên giới 1979, dọc chiều dài 6 tỉnh là máu xương của cả dân tộc. Đó không chỉ là những khoảnh khắc, những chuyện cá nhân đơn lẻ mà là câu chuyện của một thời, của chính những năm tháng bi tráng mà hào hùng, là dấu ấn của nhiều nhân vật trong đó có những nhà báo phát thanh đã sát cánh chiến đấu cùng chiến sĩ đồng bào để giữ từng mỏm đá quê hương. Những nhà báo đó là hiện trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng là tấm gương sáng cho thế hệ các nhà báo sau này nhớ tới và noi theo.

Nguyệt Hồ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-ke-cua-nhung-nha-bao-phat-thanh-tren-chien-truong-bien-gioi-post57226.html