Chuyện kể của người lính tăng huyền thoại

Những ngày này, chúng tôi có dịp gặp Thiếu tướng Lê Xuân Tấu- nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp, người trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 50 năm trước; nghe ông kể lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu.

Ông cho biết, cuối năm 1962 khi đang tham gia thi công đắp đập công trình thủy nông tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, tận mắt nhìn thấy những chiếc xe tăng hành quân qua, trong ông đã dấy lên một khao khát làm lính xe tăng.

Chỉ một năm sau niềm mong ước đã trở thành sự thật khi ông trúng tuyển và nhập ngũ vào binh chủng Tăng-Thiết giáp, là lính của Trung đoàn xe tăng 202.

Tháng 8 năm 1967, ông và đồng đội được lệnh đưa xe tăng vào miền Nam chiến đấu. Ngày 15/10/1967, Đại đội 3 của ông xuất phát từ Xuân Mai theo đường số 6 đi qua dốc Cun vào đường 12A, 12 B, qua đường 15 A, 15 B, vượt cua chữ A, qua đèo Phu La Nhích sang đất Lào.

“Quá trình hành quân rất vất vả, ngày nghỉ đêm đi, thường bắt đầu khởi hành vào 5-6h chiều, đi đêm phải dùng đèn rùa, quầng sáng chỉ khoảng 10 m, đến 3-4h sáng phải dừng lại để chuẩn bị chỗ trú quân. Cách vị trí trú quân khoảng 3-4 km, bao giờ cũng dùng 2 chiếc xe đi sau đội hình kéo cành cây để xóa dấu vết. Suốt chặng đường hành quân hơn 1.000 km, tôi và các đồng đội luôn đảm bảo tập kết đúng thời gian, an toàn, bí mật và sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu”- Thiếu tướng Lê Xuân Tấu nhớ lại.

2 tháng sau, Đại đội 3 của ông tập kết ở khu vực Nậm Khang (Lào) bên cạnh Đoàn bộ Đoàn 559 để nhận lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch tại Mặt trận Đường 9-Khe Sanh.

Lực lượng xe tăng tham gia chiến đấu trên chiến trường Đường 9-Khe Sanh năm 1968 có 1 tiểu đoàn PT 76 gồm 2 đại đội C3 và C9 với 22 xe.

Lúc bấy giờ, ông Tấu là Trưởng xe tăng số hiệu 555 thuộc biên chế đại đội 3.

Giữa tháng 1 năm 1968, Đại đội xe tăng 3 nhận được lệnh chiến đấu tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San, cách biên giới Việt Nam khoảng 25 km.

Ông Tấu bồi hồi nhớ lại: ngày 23/1/1968 nhằm gia tăng áp lực trên hướng Tây chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch Đường 9-Khe Sanh quyết định sử dụng xe tăng để tiêu diệt căn cứ Huội San, buộc địch phải tăng cường lực lượng cứu viện, tạo đà cho bước phát triển của chiến dịch. Đây cũng là trận đánh đầu tiên trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta sử dụng xe tăng để tiến công vào cứ điểm phòng thủ mạnh của địch trên chiến trường. Đêm đó, đội hình xuất phát theo trục đường 9 bảo đảm cho sự cơ động có tiểu đoàn 5 công binh.

Khi tiến công vào Tà Mây chỉ dùng 2 xe chiến đấu, lúc xe tăng chưa xuất hiện thì địch đánh trả rất mạnh. Khi xe tăng xuất hiện thì trừ một số tên ngoan cố chống lại, còn đại bộ phận quân địch hoảng loạn bỏ chạy.

“Chúng tôi dùng cả hỏa lực súng máy phòng không 12,7 mm, tiểu liên AK 47 và lựu đạn để chi viện hỏa lực cho bộ binh và giành quyền làm chủ trận địa vào khoảng 8 giờ sáng, buộc quân địch phải rút chạy về Lao Bảo”- Thiếu tướng Lê Xuân Tấu thuật lại trận đánh lịch sử trong niềm tự hào khôn siết.

Sau đó chỉ vài ngày, đơn vị của ông lại nhận được lệnh đánh điểm cao 230 Làng Vây. Căn cứ Làng Vây nằm trên hai điểm cao là 320 và 230. Nơi đây được mệnh danh là “cánh cửa sắt” chốt chặn lối vào Khe Sanh.

Vì thế nơi đây được bao bọc bởi một hệ thống rào cản dày đặc và chia thành 4 khu vực, khu vực chính là điểm cao 230, còn cách đó khoảng 600-700 m về phía Tây là điểm cao 320 án ngữ trục đường 9. Sau khi Tà Mây bị quân ta tiến công, địch hoảng loạn bỏ chạy khỏi Lao Bảo, dồn hết về Làng Vây với quân số hơn 1.000 tên.

Đêm 6-2-1968, xuất kích tiến công vào cứ điểm Làng Vây, Đại đội 3 của ông Tấu đảm nhận ở hướng Tây điểm cao 230.

Từ Lao Bảo về Làng Vây khoảng 8 km, nhưng theo ông Tấu phải vượt qua 5 ngầm rất khó đi. Do đó, anh em tăng phải cùng với công binh khắc phục rất vất vả.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu bồi hồi nhớ lại: Hướng Đại đội 9 tiến công trên hướng Nam là chủ yếu, tập kết ở bản Bê Sai, cách Làng Vây 6 km.

Từ Bê Sai tới Làng Vây, Đại đội 9 tận dụng dòng sông Sê Pôn vào mùa nước cạn, rất nhiều đá ngầm, vật cản, xe tăng không thể lội nước được.

Để đảm bảo cho xe tăng cơ động, Trung đoàn 7 công binh cùng bộ binh phải dùng xà beng bảy những hòn đá ngầm trên sông, chỗ nào không dùng sức người phá được thì phải dùng bộc phá.

Nhưng phải chờ máy bay địch ném bom mới cho nổ kết hợp được. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhân dân địa phương và các đơn vị bạn, bộ đội xe tăng của chúng tôi đã khắc phục muôn vàn khó khăn đến nơi tập kết để chuẩn bị cho trận đánh lịch sử.

Cho đến ngày hôm nay, trận đánh lịch sử ấy vẫn được Thiếu tướng Lê Xuân Tấu khắc ghi xuyên suốt thời gian chiều dài lịch sử. Đó là trận đánh bắt đầu khoảng 23h30 ngày 6/2.

Do đánh vào ban đêm nên thấy địch bắn ra ở đâu thì bắn ngay vào chỗ đó. Nhưng địch cũng rất xảo quyệt, khi xe tăng ta tiến đến thì chúng ngừng bắn, còn khi xe tăng vượt qua rồi thì chúng lại nổ súng chia cắt bộ binh với xe tăng.

Lực lượng của ta đột kích vào trung tâm căn cứ, bắt được một cố vấn Mỹ, qua khai thác biết được trong căn cứ vẫn còn một hầm ngầm nên ông Tấu cùng các lực lượng khác tiến hành truy quét, gọi hàng quân địch trốn trong hầm ngầm.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu nói: Đến hơn 3 giờ sáng ngày 7/2, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ trận đánh.

Khi đó nhận được lệnh cho xe tăng rời khỏi trận địa trước lúc trời sáng trở về Lao Bảo giấu quân xong lúc 5 giờ thì pháo bầy của địch từ phía Tà Cơn, máy bay B52 dội bom tới tấp xung quanh trận địa.

Theo nguyên tắc chiến thuật, xe tăng xuất kích bằng đường nào thì khi rút sẽ không theo đường đó nữa, nhưng các đồng chí ở Đại đội 9 lúc xuất quân và rút quân đều chỉ có một con đường duy nhất là sông Sê Pôn.

Lúc kết thúc trận đánh quay ra đã gần sáng nên các anh buộc phải giấu quân ở một địa điểm gần bờ sông. Vì vậy Đại đội 9 bị thiệt hại rất lớn do bị máy bay oanh tạc...

“Với tôi, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Mỗi khi hồi tưởng lại vẫn còn đó cảm xúc của thuở ban đầu là anh lính xe tăng Bộ đội Cụ Hồ”- Thiếu tướng Lê Xuân Tấu xúc động nói.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/chuyen-ke-cua-nguoi-linh-tang-huyen-thoai-tintuc409561