Chuyện kể bên dòng suối Cheng

Suối Cheng bắt nguồn từ đỉnh Trường Sơn hùng vĩ rồi quay dòng chảy về với đất nước Lào ngập sắc vàng loài hoa đoọc khun lưỡng (có nghĩa là loài hoa đem lại phúc đức cho con người) mỗi khi mùa hè đến. Tồn tại với thời gian, dòng suối Cheng cứ chảy lúc âm thầm róc rách, khi cuồn cuộn lũ trào; lúc mỉm cười với gió, với trăng, với cây rừng, với đá ngàn, khi lại ầm ầm đập va, quăng quật, cuốn phăng đi bao sự giận dữ, dỗi hờn để rồi trở về với dòng chảy hiền hòa, róc rách giữa núi rừng biên cương.

Ông Pả Liếp trao đổi tình hình với cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng. Ảnh: Thành Phú

Ông Pả Liếp trao đổi tình hình với cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng. Ảnh: Thành Phú

Chuyện về già làng không thể rời xa cột mốc

Ông Hồ Thai (tên thường gọi là Pả Liếp), sinh năm 1947, trú tại bản Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được mọi người trong bản gọi với cái tên thân mật “Ông già cột mốc”. Ròng rã 41 năm qua, ông luôn cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Bụt (nay là Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị) vượt suối sâu, núi cao đi tuần tra đường biên, giữ gìn cột mốc.

Ông nói với tôi, trước đây, khi tuổi chưa già thì mỗi khi có dịp là ông lại “thăm” nhiều cột mốc. Bây giờ tuổi cao rồi, chân đi không còn vững nên 3 tháng ông mới lên được cột mốc 598, cách nhà khoảng hơn 10km, đi bộ hết gần 3 tiếng đồng hồ. Nghe ông kể, tôi thật sự khâm phục, bởi ở vào tuổi 72 mà ông còn vững tấm lòng, vững niềm tin, vững tinh thần, vững đôi chân để gắn bó với cột mốc, với đường biên Tổ quốc.

Năm 1969, ông nhập ngũ vào bộ đội ở đơn vị B4, C7 thuộc Huyện đội Hướng Hóa. Năm 1977, ông xuất ngũ về quê và được bà con tín nhiệm bầu làm thôn trưởng. Năm 1978, khi Việt Nam và Lào tiến hành hoạch định biên giới, ông đã tình nguyện theo các đoàn khảo sát xác định các điểm cắm mốc quốc giới trên đoạn biên giới thuộc địa phận xã Hướng Phùng. Để rồi, từ đó đến nay, ông chẳng thể rời xa được cột mốc. Hiện, tuổi đã cao, song ngày ngày ông vẫn cùng các con, các cháu chăm sóc 3,9ha cà phê, 9 sào lúa nước, chăm đàn bò, đàn lợn để phát triển kinh tế gia đình.

Ông khẳng định với tôi: “Người ở dưới biển thì họ giữ biển, mình ở trên rừng thì phải giữ đường biên giới và cột mốc. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là con của bản, họ xa nhà để lên đây chăm lo cho mình thì mình phải có trách nhiệm giúp BĐBP bảo vệ biên cương. Nếu Giàng (trời) cho bố có đôi chân khỏe, thì bố sẽ tiếp tục lên với cột mốc”. Hẳn từ những lời khẳng định này mà toàn bộ những Bằng khen, Giấy khen, phần thưởng do các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tặng cho ông mà ông treo gần kín một nửa bức tường ngôi nhà lớn đều có nội dung: “Có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc”.

Những người lính kiên trì gọi học sinh trở lại trường

Thượng úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đưa tôi đến bản nhỏ Xa Ry của xã Hướng Phùng. Tám đưa tôi lên cầu thang nhà ông Hồ Văn Rai và tôi được biết câu chuyện này: Tháng 11-2017, cả 3 người con của ông Rai đang theo học tại Trường Tiểu học Hướng Phùng nghe theo lời kẻ xấu rủ nhau cùng bỏ học, trốn qua Lào chơi.

Biết tin, ông sang tận nơi bảo chúng về nhưng không có kết quả. Thấy học trò của mình nghỉ học không có lý do gần một tuần, cô giáo Nguyễn Thị Nga đã báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường và phối hợp với Thượng úy Nguyễn Văn Tám đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân để vận động các em quay trở lại học tập. Mấy lần đến vận động vẫn chưa có kết quả, Tám quyết định xin phép chỉ huy đồn cho ở lại 3 ngày để thuyết phục gia đình ông Rai và anh đã vận động thành công các cháu trở về nhà để tiếp tục đến trường học tập.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng cùng lãnh đạo địa phương và giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng đến nhà bà Pỉ Rai, ở bản Xa Ry để tặng quà và vận động cháu Hồ Văn Trực đến trường học tập. Ảnh: Thành Phú

Thượng úy Tám chia sẻ: “Trong 2 năm 2017 và 2018, tập thể cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Phùng mà nòng cốt là Đội Vận động quần chúng và các tổ, đội công tác địa bàn đã phối hợp chặt chẽ cùng các thầy, cô giáo vận động được 85 em học sinh đi học trở lại. Mỗi em một hoàn cảnh, một lý do nghỉ học khác nhau, thêm vào đó, việc quản lý, theo dõi con em đến trường của phụ huynh cũng còn nhiều hạn chế. Thậm chí, có gia đình chưa thật sự “quý” việc học của các con, vì vậy, chuyện học sinh vùng cao biên giới bỏ học không phải hiếm gặp, nhất là vào mùa làm rẫy hoặc thu hoạch cà phê...”.

Anh kể tiếp cho tôi nghe về trường hợp của cháu Hồ Thị Hóa cũng ở bản Xa Ry. Cháu Hóa có bố là người Lào, tháng 4-2018, cháu theo bố, mẹ sang đón Tết té nước, thấy vui quá, cháu ở lại chứ không chịu về. Bố, mẹ cháu cũng chẳng động viên hay bắt ép gì nên cháu Hóa bỏ học luôn. Biết tin, anh và cô Nga đến tận nhà hỏi rõ lý do rồi cùng bố cháu Hóa đưa cháu về tiếp tục đi học...

Khẳng định về công tác phối hợp vận động, kêu gọi học sinh bỏ học trở lại trường, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng nói: “Hơn 20 năm công tác ở vùng cao biên giới, tôi luôn đánh giá cao kết quả công tác phối hợp của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường”.

Dòng suối Cheng đêm ngày vẫn âm thầm chảy, lặng lẽ ghi vào mạch nguồn của mình và với thời gian. Ở đó có những người lính Biên phòng tận tụy, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân; ở đó có những người dân Vân Kiều trọn nghĩa, vẹn tình, chung sức cùng BĐBP bảo vệ biên giới. Và... ở đó có những thầy, cô giáo gắn bó với vùng cao để gieo mầm tri thức cho bản làng.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-ke-ben-dong-suoi-cheng/