Chuyện ít người biết về cây rau má xứ Thanh

Câu chuyện 'cây rau má xứ Thanh' những tưởng chỉ có vào thời gian khổ, thời chiến tranh. Ấy vậy mà tới nay một lần nữa lại được nhiều người biết tới là món đặc sản trong ẩm thực Thanh Hóa, nhất là đối với khách du lịch.

Ông Trịnh Anh Đạt (đội mũ phớt) với bà con tham gia dự án trồng rau má tại thành đá Tây Đô.

1. Nhiều người biết đến Trịnh Anh Đạt bởi bài thơ “Rau má”. Bài thơ được người ta đọc, ngâm, phổ nhạc, lồng điệu thành hát xẩm, chầu văn, ca trù và thậm chí cả... cải lương! Trịnh Anh Đạt là một doanh nhân ngành du lịch. “Hò hẹn” mãi, cuối cùng chúng tôi mới được lang thang cùng nhà thơ suốt mấy ngày nắng hạ trên miền quê xứ Thanh.

Nắng nóng là thế, nhưng Trịnh Anh Đạt cứ như trai trẻ đang yêu, lao theo các lời hẹn không ngừng nghỉ, ông tranh thủ đi một vòng để “xem dấu vết kinh thành xa xưa”, với những thành Nhà Hồ, Phủ Trịnh, Gia Miêu Triệu Tường, Đền Bà Triệu, Lam Kinh... rồi Trịnh Anh Đạt đi tìm rau má, hái hoa sen, thả diều, chơi chọi gà... đủ cả!

Nhờ thế mà khui ra được nhiều chuyện hay. Ở cái phố Ga Đò Lèn thuộc thị trấn Hà Trung, ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca: “Trời mưa trời gió đùng đùng/ Cha con ông Sùng đi bán lạc rang”.

Cụ Chu Văn Phong ở thôn Tương Lạc, xã Hà Phong vừa đọc cho chúng tôi nghe vừa cười vang nhà và giải thích: Không phải là người ta khịa ra cho trẻ con hát như kiểu các bài vè, đồng dao, mà chuyện ông Sùng là có thật. Đó chính là người cha của nhà thơ Trịnh Anh Đạt.

Thuở ấy, gia đình ông Đạt cũng như nhiều người dân ở phố Ga Đò Lèn phải bám vào đường tàu để sống. Nhà đông con lại còn “nghèo nổi tiếng”, cha con ông Sùng hàng ngày kiếm sống bằng nghề bán lạc rang ở bến tàu. Trịnh Anh Đạt cũng thành thật “khai” tiếp câu chuyện: Hồi nhỏ chỉ vì câu trêu đùa ấy mà ông đánh nhau với bạn, bỏ học mất một năm, sau mới đi học lại.

Thời ấy đói kém, Trịnh Anh Đạt cùng bầy trẻ đi dọc đường tàu kiếm rau má về ăn thay cơm.

Cụ Phong kể, những năm tiêu thổ kháng chiến, đường sắt bị bỏ hoang, rau má mọc um tùm, cứ ra bươi đá, lật cả tà vẹt, thanh ray lên để hái về ăn chống đói. Đó chính là năm Trịnh Anh Đạt sinh ra. Sau này đường sắt được khôi phục, cậu bé Đạt lớn lên cùng bầy trẻ con ở phố Ga, ngoài những giờ học và phụ cha bán lạc rang, thì theo chúng bạn lên đường tàu tìm rau má. Trẻ con tinh nghịch, đâu có ý thức về an toàn đường sắt, nên cứ mải lật đá hái rau, khiến các chú tuần đường và công nhân duy tu đường sắt rất bực mình.

Câu nói “dân Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu” ban đầu mang ý nghĩa miêu tả công cuộc tiêu thổ kháng chiến, dù dân đói phải ăn rau má thay cơm nhưng vẫn đi kháng chiến, phá đường, phá cầu để ngăn bước quân thù.

2....Về Hà Trung, quê hương của Trịnh Anh Đạt, chúng tôi cùng ông lang thang ra cánh đồng làng đang vào vụ gặt. Những thửa ruộng vàng rực lên dưới nắng chiều. Nhìn những bờ xôi ruộng mật thế này, thật là khó khăn để tìm ra một vồng rau má tươi tốt. Cuối cùng, chúng tôi dừng chân bên một đầm sen bát ngát, hương thơm ngào ngạt. Không tìm được rau má thì đi hái sen vậy. Thế là câu chuyện lại quay sang “ước mơ của người Thanh Hóa: lá rau má to bằng lá sen”.

Trịnh Anh Đạt bảo: Uớc mơ ấy là có thật đấy, bởi thời đói kém cơ hàn, đến cả rau má cũng hiếm hoi, người ta chả dám mơ đến cơm gạo vì nó xa vời quá, chỉ mơ tìm được đủ rau má để ăn. Vì vậy, ước lá rau má to bằng lá sen, chỉ cần kiếm được một vài lá thôi là cũng đủ no rồi. Không ai đánh thuế ước mơ, vậy mà trong khốn khó, ước mơ cũng phải dè sẻn, tiết kiệm.

Ngược lên thăm thành Nhà Hồ, chúng tôi đề nghị các nghệ sỹ của CLB nghệ thuật quần chúng nơi đây hát bài “Rau má” theo làn điệu xẩm. Một cách ngẫu nhiên, họ cứ say sưa đàn hát mà không hề biết vị khách ngồi ngay trước mặt họ chính là tác giả của bài thơ “Rau má”. Khi được giới thiệu, ông Nguyễn Văn Hùng, người hát bài xẩm rất bất ngờ. Họ bắt tay nhau và trò chuyện hồi lâu.

Bước vào khu dịch vụ dành cho khách tham quan, khi thấy chúng tôi quan tâm đến quầy bán trà rau má mang thương hiệu Tây Đô, chị nhân viên vui vẻ giới thiệu về tác dụng của nó và còn đọc luôn cả bài thơ “Rau má” của Trịnh Anh Đạt, trong đó có hai câu thơ được in trên bao bì của những gói trà: “Vĩ nhân và các đời vua/ Cũng từ rau má ốc cua nên người”.

Rồi chúng tôi được một trận cười nổ bụng khi chị nhân viên đọc nhầm một câu thơ trong bài. Hóa ra, bài thơ “Rau má” khi lưu truyền ra dân gian có rất nhiều dị bản khác nhau. Trịnh Anh Đạt liền đem giấy bút ra chép lại nguyên bản bài thơ, giúp chị nhân viên đọc đúng, hiểu đúng để giới thiệu cho khách.

Nghe tin nhà thơ “Rau má” về thành Nhà Hồ, anh Vũ Đình Viên- Chủ tịch xã Vĩnh Long đã đón tiếp, dẫn nhà thơ đi thăm cánh đồng rau má nằm ngay trong lòng thành đá Tây Đô. Dù vùng trồng rau má chưa được nhiều, nhưng bà con đã có ý thức trồng rau sạch, vì vậy vừa qua có một đơn vị tìm đến mua rau má tươi đưa về Sầm Sơn phục vụ khách du lịch, với giá thu mua khá cao.

Bà con cũng hi vọng sẽ có nhiều khách hàng như thế, nhất là có những hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, số lượng lớn để có thể mở rộng diện tích. Và xứ Thanh cũng thật kỳ lạ, có những cây lá đơn thuần, mộc mạc như cây rau má, nhưng qua bàn tay con người, có khi thay cơm gạo cứu đói, lúc được dùng làm món bánh đặc sản, món trà mát gan, lợi tiểu thơm ngon hấp dẫn.

Xưa, cây rau má là thức ăn chống đói trong quãng thời gian giáp hạt “tháng ba ngày tám”, nay nó là món ăn đặc sản trên những bàn tiệc, trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch. Trịnh Anh Đạt nói vui: Mơ ước “lá rau má to bằng lá sen” của người Thanh Hóa đã thành sự thực khi cây rau má được nâng cao giá trị trong đời sống.

Theo anh, không ngẫu nhiên mà cha ông ví rau má tựa đồng tiền, là bởi người ta nhìn thấy giá trị to lớn nhiều mặt của nó chứ không hẳn chỉ thấy hình hài của chiếc lá tròn giống đồng tiền chinh mà ví như vậy. Rau má không còn là thứ cây cỏ dại trên cánh đồng làng, món ăn “qua ngày đoạn tháng” của người nghèo, mà đã mang lại giá trị kinh tế khi con người nhìn ra nó trong đời sống.

Mai Hương - Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/chuyen-it-nguoi-biet-ve-cay-rau-ma-xu-thanh-tintuc413853