Chuyện ít biết về 'Schindler của Nhật Bản'

Câu chuyện ít được biết đến của Chiune Sugihara, khi ông liều mạng sống và sự nghiệp riêng của mình để cứu sống hàng nghìn người vô tội chạy trốn khỏi Đức quốc xã thời kỳ đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai, được ví như nhân vật Oskar Schindler, người nổi tiếng vì đã cứu mạng nhiều người Do Thái trong lịch sử.

Ông Chiune Sugihara (trái) đã cứu sống gia đình bà Hanni Vogelweid (phải-hiện là công dân Mỹ) bằng việc cấp thị thực cho người Do Thái trong Thế chiến II

Giữa lúc làn sóng bảo vệ người nhập cư trở nên yếu thế trước những quy định ngày càng khắt khe ở nhiều nước, người ta bỗng nhớ lại hành động anh hùng và đầy vị tha 77 năm về trước của một nhà ngoại giao Nhật Bản. Sống trong môi trường lẽ ra “phải tuyệt đối tuân lệnh”, vậy mà ông Chiune Sugihara đã âm thầm phá quy tắc và đã cứu hàng nghìn người tị nạn Do Thái, chỉ vì “họ là con người và cần được giúp đỡ”.

Mệnh lệnh đạo đức rõ ràng

Ông Sugihara sinh ra trong một gia đình trung lưu Nhật Bản vào những ngày đầu tiên của thế kỷ 20. Trong cuốn hồi ký của mình, Sugihara kể rằng ông đã cố tình thi trượt trường y, khiến cho cha mình thất vọng, để có thể theo đuổi ngành ngôn ngữ châu Âu mà ông yêu thích.

Ông đã học để trở thành một nhà Xô Viết học, là một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao. Tháng 11-1939, ông Sugihara đảm nhiệm chức Phó lãnh sự tại Lãnh sự quán Nhật Bản ở Kaunas, Lithuania, chỉ 2 tháng sau khi quân Đức xâm lược Ba Lan, mở màn Thế chiến II.

Nhật Bản khi đó vẫn chưa gia nhập phe Trục và một trong những nhiệm vụ chính của ông Sugihara là thu thập thông tin tình báo về hoạt động của quân đội Nga và Đức ở các nước Baltic. Với đặc thù công việc như vậy, ông tiếp xúc với những người hoạt động ngầm ở Ba Lan và cấp thị thực quá cảnh cho những người chạy trốn khỏi nước Đức hồi tháng 6-1940.

Cùng thời điểm đó, nhiều người Do Thái trốn khỏi Đức quốc xã đã tìm đến lãnh sự quán của Chính phủ lưu vong Hà Lan ở Latvia để nhờ giúp đỡ. Cơ quan lãnh sự ở đây đã phát hành hơn 2.000 thị thực cho phép đến đảo Curaçao ở Caribê. Nhưng ngay cả khi có giấy tờ của Hà Lan, những người tị nạn không thể rời Liên Xô mà không có thị thực quá cảnh riêng biệt. Biết ông Sugihara đã giúp đỡ người Do Thái Ba Lan, những người tị nạn tuyệt vọng bắt đầu tìm đến lãnh sự quán Nhật Bản.

Đối với Sugihara, mệnh lệnh đạo đức rõ ràng. “Họ là con người và cần được giúp đỡ”, ông tuyên bố. Sau 3 lần đề nghị được chỉ thị từ Tokyo và được hồi đáp lại là chỉ cho người tị nạn ít tiền cùng giấy thông hành, ông Sugihara quyết định hành động.

Tận tâm đến phút cuối cùng

Trong hơn 6 tuần, ông Sugihara đã phát hành 2.139 visa quá cảnh mà không đòi hỏi ai phải trả ơn. Ông tiếp tục sắp xếp để các quan chức Liên Xô cho phép nhiều người tị nạn quá cảnh trên tuyến đường sắt xuyên Siberi đến Vladivostok. Ở đầu bên kia, Tatsuo Osako, nhân viên ngành du lịch đưa họ từ Nga sang Nhật rồi tiếp tục hành trình.

Ông Sugihara đã trực tiếp điền thông tin lên tất cả các cuốn thị thực, đôi khi ông làm việc từ 18 đến 20 tiếng mỗi ngày và với sự giúp đỡ của vợ ông, cho đến đầu tháng 9-1940, khi cơ quan lãnh sự đóng cửa. Các nhân chứng nhớ lại, ông vẫn tiếp tục viết thị thực trên đường đến nhà ga xe lửa, thậm chí còn ký vào phôi và ném con dấu vào đám đông. Cúi đầu chào mọi người trước khi tàu khởi hành, ông nói: “Xin hãy tha lỗi cho tôi, tôi không thể viết thêm nữa. Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất”.

Ông Sugihara sau đó chuyển đến Berlin, Prague, rồi Bucharest trong suốt thời kỳ chiến tranh. Quân phát xít chiến bại, ông đã bị giam 18 tháng. Khi trở về Nhật Bản, ông đã được yêu cầu từ chức, chủ yếu là do cứu giúp những người tị nạn trái phép. Trở về với đời thường, ông cật lực làm việc để nuôi sống gia đình, trong đó có việc rao bán bóng đèn đến từng nhà.

Ước tính, ông Sugihara đã cứu sống được hơn 10.000 người Do Thái, trong đó có nhiều trẻ em. Hiện nay, con cháu của những người này nhân lên tới con số hơn 40.000 người. Năm 1984, ông đã được vinh danh ở khu tưởng niệm Yad Vashem tại Jerusalem, Israel, chỉ 2 năm trước khi ông lìa xa cõi đời.

Yến Chi ((Theo Dailybeast))

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/chuyen-it-biet-ve-schindler-cua-nhat-ban/741138.antd