Chuyện ít biết về quả thận được ghép tại Việt Nam của ông Rield

Năm 2007, HLV Alfred Riedl được một giáo viên ngoài 30 tuổi người Việt hiến thận, giúp ông tiếp tục sự nghiệp huấn luyện thêm 10 năm.

 HLV Riedl qua đời ở tuổi 70, cùng với một quả thận của người Việt.

HLV Riedl qua đời ở tuổi 70, cùng với một quả thận của người Việt.

Những đồn đoán về tình trạng sức khỏe không tốt của HLV Riedl nổ ta từ năm 2006, khi người ta thấy làn da của ông trắng bợt - biểu hiện của bệnh suy thận.

Lái xe của ông Rield, Nguyễn Văn Dậu sau này kể lại: "Ông ấy ra sân tập và thường ngồi lên quả bóng. Tôi nhận ra sự mệt mỏi của ông từ những dòng mồ hôi tuôn không ngớt. Đó là ngày bệnh suy thận mãn tính của ông không thể che giấu thêm, dù ông ấy luôn bảo tôi hãy bí mật".

Tháng 9/2006, HLV Riedl buộc phải công khai tình trạng sức khỏe với báo chí. Ông nói, đã biết bệnh suy thận từ 12 năm trước, và theo bác sĩ tư vấn, phải tới năm 65 tuổi (nghĩa là năm 2012), ông mới cần chạy hoặc ghép thận. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng và phải chạy thận, sức khỏe của ông sẽ khó phục hồi hơn so với việc ghép thận từ sớm.

Thông tin ông cần phải ghép thận phát đi, và theo xác nhận từ Viện 103, một bên thận của ông hỏng 80%, bên còn lại cũng hỏng 40%. Riedl cần một quả thận khỏe mạnh, của người ở tuổi chừng 30. Ca phẫu thuật cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Vài tháng sau khi đăng tải thông tin này, hàng chục người tình nguyện hiến thận đã gửi hồ sơ và đến Viện 103 xét nghiệm. Quá trình cân bằng máu của những người được chọn với máu của Riedl được làm khẩn trương trong 3 tháng. Cuối cùng, 6 hồ sơ phù hợp nhất được chọn. Sau khi làm việc với gia đình, 3 người được "chấm" để đi sang Áo làm các xét nghiệm cuối cùng. Nhưng vào phút cuối, một người xin rút và chỉ còn 2 người: một làm công nhân, còn một người nhiều tuổi hơn, đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm.

Phải sống chung với quả thận mới suốt phần đời còn lại, nên HLV Riedl chọn phương án thứ hai. Cuối năm 2006, ông về nước nghỉ phép và quyết định ghép thận vào lúc này. Sau Tết Đinh Hợi 2007, lái xe của HLV Riedl - ông Dậu - đón người tình nguyện hiến thân ra máy bay cùng bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền. Trên đường về khách sạn chờ ngày sang Áo, người này - một giáo viên ngoài 30 - nói với ông Dậu: "Tôi thấy ông Riedl rất tận tụy với bóng đá Việt Nam. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đi đến quyết định này, coi nó như một kỷ niệm khiến ông Riedl nhớ mãi về Việt Nam".

Ngày 6/3/2007, tại Vienna, Áo, người tình nguyện lên bàn mổ. Theo lời kể của bác sĩ Hiền đi cùng, giáo viên hiến thận tâm sự: "Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi muốn làm những việc nhân đạo. Đó là nguyên nhân chính và không còn động cơ nào khác ngoài giúp ông Riedl".

Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp sau đó, và người đàn ông này chỉ mất vài ngày là hồi phục. Một ngày sau, ông Riedl nhập viện và tiến hành cấy ghép. Ca mổ thành công và sau gần 2 tuần, HLV đội tuyển Việt Nam xuất viện. Từ lúc bắt đầu sang Áo đến khi ông Riedl xuất viện khoảng hơn 20 ngày.

Cuối tháng 3 năm ấy, ông trở lại Việt Nam với những chuyển biến rõ rệt về sức khỏe, dù vẫn phải dùng thuốc để quả thận mới hòa nhập với cơ thể.

Thời gian đầu sau khi ghép thận, HLV Riedl liên tục phải vào viện để theo dõi. Do đội tuyển di chuyển liên tục, ông luân phiên tới viện Việt Đức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TPHCM), và phải mất khoảng một năm, ông mới thôi cần thăm khám thường xuyên.

Lưu ý duy nhất mà các bác sĩ dặn ông là tránh ôm hôn và tiếp xúc nhiều nơi đông người, bởi việc dùng thuốc chống đào thải sau ghép thận dễ gây nhiễm trùng. Dù vậy, điều ấy không ngăn được ông đi đến thành công.

Chỉ 3 tháng sau ngày về từ Áo, HLV Riedl lập kỳ tích đưa Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2007, khi giải đấu được tổ chức tại 4 nước Đông Nam Á. Cùng với quả thận của người Việt, chiến lược gia người Áo thực sự coi mảnh đất hình chữ S là quê hương thứ hai. Trước đó, ông từng tính đến việc mua thận từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Pakistan.

HLV Riedl trên sóng truyền hình Indonesia.

Giai đoạn từ năm 2005 đến 2007 là lần thứ ba ông Riedl làm việc tại Việt Nam, cũng là lần cuối cùng ông đến nước ta. Sau đó, ông bén duyên với bóng đá Indonesia và giúp nước này vào chung kết AFF Cup 2010.

Đầu tháng 2/2011, trong lễ mừng công trên sóng truyền hình TVOne, ban tổ chức talkshow nói về HLV Reidl và giúp ông gặp lại ân nhân người Việt cùng bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền. Món quà bất ngờ khiến cho ông Riedl bật khóc ngay giữa Thủ đô Jakarta.

Theo lời ông kể, sau ca ghép thận năm 2007, ông vẫn giữ liên lạc với người hiến thận Việt Nam và định kỳ nhờ bạn bèn tại nước ta đưa vị giáo viên thăm khám. Sau đó, ông còn 2 lần nữa gặp lại ân nhân cùng bác sĩ Hiền khi dẫn Indonesia đấu Việt Nam tại AFF Cup 2014 và AFF Cup 2016.

Bác sĩ Hiền kể: Chúng tôi đi ăn và hàn huyên lại những chuyện 10 năm qua. Gia đình ân nhân của HLV Riedl báo cho ông tin mừng là con trai mới đỗ đại học. Nghe tin, ông Riedl cảm động và rưng rưng khóc".

Trong một lần phỏng vấn trên BBC, HLV Riedl bày tỏ: "Tôi ngạc nhiên và vui mừng khi có nhiều người Việt Nam muốn giúp tôi. Không ai nói về tiền bạc cả. Có người nói, tôi làm nhiều điều cho Việt Nam và họ muốn trả ơn. Dù không phải trả tiền, tôi phải có trách nhiệm với sức khỏe của ân nhân, bởi anh ta đã cho tôi một bộ phận quý giá trong cơ thể. Ngay cả khi bị chỉ trích hồi cuối năm 2006 và đầu 2007, tôi vẫn hạnh phúc ở Việt Nam. Tôi yêu đất nước này, vợ tôi cũng vậy".

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-it-biet-ve-qua-than-duoc-ghep-tai-viet-nam-cua-ong-rield-d272694.html