Chuyện ít biết về những ngày cuối đời của Khánh trắng

Chuyện Khánh 'trắng' ra trường bắn Cầu Ngà cũng có không ít giai thoại.

Ngay từ tờ mờ sáng, khi áp giải Khánh từ trại giam T16 (của Bộ Công an ở Thanh Oai) ra trường bắn Cầu Ngà (Từ Liêm, Hà Nội) lực lượng cảnh sát bảo vệ đã gặp phải một tình huống rất khó xử.

Do thông tin vụ xử tử bị lộ nên từ cổng trại giam những đoàn xe máy của người nhà, đàn em của Khánh "trắng" đã ém quân chờ sẵn. Khi xe chở tử tù Khánh "trắng" xuất hiện ngay lập tức cả đoàn xe máy bám theo.

Những luống hoa cải ở Trường bắn Cầu Ngà - Nơi Khánh “trắng” kết thúc cuộc đời.

Những luống hoa cải ở Trường bắn Cầu Ngà - Nơi Khánh “trắng” kết thúc cuộc đời.

Dù chiếc xe quân dụng do một chiến sỹ công an lão luyện điều khiển, song cũng không thể cắt đuôi nổi bọn đàn em của Khánh trắng.

Không thể để sự lộn xộn diễn ra trong thời điểm Thi hành án tử hình một ông trùm băng nhóm tội phạm nguy hiểm, lực lượng công an đã "hốt" trọn đám người này lên xe tải đưa về tạm giữ tại công an huyện Từ Liêm, với lý do gây rối trật tự nơi công cộng.

Đến khi đó Khánh "trắng" được đưa đến trường bắn an toàn. Giờ “G” đã điểm, một tiểu đội áp giải Khánh "trắng" và đồng bọn đến dựa cột.

Hắn liếc nhìn chiếc quan tài màu đỏ đã chuẩn bị sẵn cho mình một cách khá bình thản. Phải chăng, sự bình tĩnh ấy có được bởi hắn là tên trùm giang hồ "nặng số”?

Làm xong mọi thủ tục, Khánh dựa đầu ngay ngắn vào thanh tre chờ đợi. Một loạt AK vang lên một cách đanh gọn. Tất cả tử tù đều đổ gục xuống. Tháo băng đen che mắt, người ta có thể thấy được đôi mắt trắng mở căng hết cỡ như muốn xé toang tấm khăn bịt mắt.

Đôi mắt ấy là minh chứng cho một chân lý rằng: Dù có "yêng hùng" đến cỡ nào, dù có coi cái chết như không nhưng khi đối mặt với cái chết con người ta đều run sợ. Và Khánh "trắng", trong lúc dựa cột cũng đã rúng động với cái nhìn thất thần, hãi hùng tột độ.

Đêm đêm lầm rầm khấn vái

Một cán bộ thuộc trại giam T16 kể lại với chúng tôi. Sau khi bị Tòa án Nhân dân tối cao tuyên án tử hình, Khánh "trắng" được đưa vào buồng biệt giam.

Lúc đó, bằng thế lực từng có của mình, Khánh cứ nghĩ vào trại giam cũng chỉ là "tạm nghỉ ngơi, dưỡng sức" rồi chẳng bao lâu lại được ra vẫy vùng trong lãnh địa hắn đã gây dựng bằng những trận thanh toán đẫm máu.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài thấy không thấy đồng bọn bên ngoài có “động tĩnh” gì, những hy vọng của Khánh trắng tắt dần. Thực ra đồng đảng của Khánh cũng điên cuồng chạy chọt, song tất cả đều vấp phải bức tường thép của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Mọi việc từ đút lót, xin xỏ đến dọa dẫm… đều vô hiệu. Rồi cho đến khi đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước cũng bị bác thì Khánh biết cái chết đã đến rất gần mà không có một phép mầu nào có thể cứu vãn nổi. Khuôn mặt của Khánh lúc bấy giờ không còn che giấu nổi sự thất vọng.

Hắn ngoan ngoãn một cách bắt buộc, lầm lì đối diện với bốn bức tường bê tông như cái bóng. Hàng ngày Khánh chỉ ngồi lặng lẽ, đối diện với chính mình. Không còn bóng dáng của một tên giang hồ cộm cán, Khánh "trắng" bỗng trở nên “hiền khô”, “nền nã”.

Nếu gã giang hồ nào mà gặp Khánh thời điểm ấy thì chắc chắn sẽ không thể tưởng tượng được rằng hắn từng là nỗi ám ảnh của nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Đồng Xuân, cả với giới kinh doanh nhà nghỉ, quán bar, các nhóm tội phạm có tổ chức tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành từ Hải Phòng đến TP.Hồ Chí Minh nghe đến tên Khánh trắng cũng thấy tim đập chân run.

Có lẽ khi phải đối mặt với bản án tử hình, ngồi thúc thủ trong buồng biệt giam, hàng ngày nhìn qua lỗ khóa đếm thời gian trôi, mỗi sáng bình minh lại biết mình sống thêm một ngày thì Khánh mới có biến chuyển trong suy nghĩ?

Cũng có thể trong sâu thẳm tâm hồn của hắn, một lúc nào đó sẽ cảm thấy dằn vặt, hối hận về những tội ác mình đã gây ra khiến nhiều người vợ sớm phải vĩnh biệt chồng, con cái mất cha mẹ. Cũng theo vị cán bộ quản giáo này, thời gian cuối tháng 9 đầu tháng 10.1998, người ta có thể nhận thấy những hỉ nộ ái ố, những cảm xúc đan xen lẫn lộn luôn hiển hiện trong con người Khánh.

Ban ngày hắn lầm lỳ là vậy, nhưng đêm đến vẫn lầm rầm khấn vái cả người sống, người chết tha thứ. Sự thanh thản chờ ngày ra pháp trường của Khánh chỉ là vỏ bọc bên ngoài, chứ sâu thẳm hắn cũng rúng động khi biết mình sắp phải từ giã cuộc sống.

Nghĩa tử là nghĩa tận …

Một ngày cuối đông năm 2001, sau khi ăn cơm tối xong, gia đình ông Nguyễn Phú Cát (một người chuyên bốc mộ) đang chuẩn bị đi ngủ thì bên ngoài có tiếng gõ cửa dồn dập. Mở cửa nhà, ông thấy “lạnh sống lưng” khi đứng trước mặt mình là hai người đàn ông to lớn, với khuôn mặt dữ tợn.

Họ hỏi ông một lần bốc mộ “trọn gói” giá bao nhiêu tiền. Khi đưa ra con số 3 triệu đồng thì một người đưa cho ông số tiền gấp 10 lần và dặn tối mai khoảng 9h tối sẽ có người đánh xe đón. Nói xong, họ lên xe đi thẳng.

Chiếc xe ô tô màu đen rú ga rồi phi thẳng vào màn đêm tĩnh lặng và lạnh lẽo. Cầm số tiền lớn trong tay, ông Cát vừa mừng lại vừa lo lắng. Đúng 9h tối ngày hôm sau, hai chiếc ô tô màu đen sang trọng đỗ xịch trước cửa nhà ông Cát.

Sau gần 1h đồng hồ, chiếc xe rẽ vào trường bắn Cầu Ngà. Lúc này, ông Cát mới biết mình được thuê đi “tắm” cho một tử tù. Giữa những cơn gió lạnh gai người nơi nghĩa trang trường bắn, tai “Vua phu mộ” như ù đi khi biết “đối tượng” ông sẽ phải xuống huyệt là Khánh “trắng”.

Theo ông Cát, mộ của trùm giang hồ Khánh “trắng” được chôn sơ sài cùng hàng ngàn ngôi mộ khác. Lúc đó, cỏ mọc um tùm che kín cả phiến đá có khắc tên, ngày tháng năm sinh, ngày tháng Khánh về với đất.

Đúng 23h, một đệ tử của Dương Văn Khánh ra hiệu cho đám người của ông Cát thực hiện công việc của mình. Lúc đó, vợ của Khánh “trắng” cũng có mặt. Cả trăm chiếc xe ô tô được dựng nối đuôi nhau từ trường bắn ra tận đường lớn. Mọi người có mặt ở đó đều mặc áo đen.

Khi chiếc nắp quan tài dần hé lộ, mấy tên đệ tử của Khánh “ đột nhiên quỳ xuống, cúi đầu, rơm rớm nước mắt. Theo lời kể, sau khi đã tắm nước thơm cho di cốt, mấy người phu mộ định xếp vào tiểu thì một đàn em của Khánh “trắng” bỗng yêu cầu dừng lại.

Sau đó, người này kéo một số người khác ra phía xa bàn bạc một hồi rồi quay lại nói với ông Cát rằng muốn đưa di cốt của “đại ca” ra sông “tắm”. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không thể lí giải nổi chuyện vì sao đàn em Khánh “trắng” lại bắt đưa di cốt đại ca ra sông tắm.

Có thể, nó liên quan đến một ước nguyện, sở thích nào đó của “ông trùm” lúc còn sống hay đơn giản chỉ vì đám đàn em nghĩ rằng đại ca lúc sống một thời “vẫy vùng” nên muốn gợi lại chút gì “hào quang”…

Vậy là kết thúc cuộc đời của một ông trùm giang hồ thuộc loại “độc nhất vô nhị” tại Hà Nội. Quả đúng là, lưới trời tuy thưa mà khó lọt, cái ác dù thâm độc đến đâu cuối cùng cũng phải trả giá. Chỉ có tình người, đạo nghĩa là còn lại mãi.

Theo Hoàng Giang /Phapluatplus

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chuyen-it-biet-ve-nhung-ngay-cuoi-doi-cua-khanh-trang-966003.html