Chuyện ít biết về những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Lam Phương

Kiếp nghèo, Thao thức vì em, Ngày buồn,... là những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Lam Phương. Lời các bài hát sâu đậm, trữ tình về tình yêu, quê hương và hoàn cảnh sống, gắn với tuổi thơ của chính tác giả.

Nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020)

Nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020)

Thông tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời để lại bao tiếc thương trong lòng người hâm mộ hải ngoại và Việt Nam. Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937, hưởng thọ 83 tuổi. Ông sinh ra ở làng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Hồi còn nhỏ, trước cửa nhà ông là một con sông, đối diện bên kia sông là chùa Thập Phương. Cũng chính vì thế mà những hình ảnh về quê hương như con đò, tiếng chuông chùa, cánh đồng lúa,… đã như gắn với tuổi thơ ông.

Ông thường xuyên đưa những hình ảnh về quê hương, con người, tình yêu giản dị nhưng sâu sắc vào các tác phẩm của mình. Nhạc sĩ Lam Phương được đánh giá là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm.

Nói đến Lam Phương không thể không nhắc đến các ca khúc như Kiếp nghèo, Thao thức vì em, Ngày buồn, Tình bơ vơ, Khúc ca ngày Mùa, Bài Tango cho em, Mùa thu yêu đương, Tình vẫn chưa yên...

Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết năm 15 tuổi. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền bạn bè để tự phát hành tác phẩm.

Sĩ Phú hát "Chiều thu ấy" - sáng tác: Lam Phương. Nguồn video: Youtube.

Năm 1954, ông đã sáng tác và cho ra mắt ca khúc Kiếp nghèo. Kiếp nghèo là tác phẩm được viết vào thời gian đầu trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương. Ca khúc Kiếp nghèo đã giúp ông “dễ thở” hơn trong hoàn cảnh nghèo túng trước đó.

Năm 1955, Lam Phương tung loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa. Năm 1959 ông kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng. Năm 1975, ông theo gia đình sang Mỹ định cư.

Ở Mỹ, để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà cho đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện. Sau khi cuộc sống nơi đất khách dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu để ông và Túy Hồng có cơ hội sống lại với nhạc kịch.

Sau khi ly dị với Túy Hồng, ông sang Pháp sinh sống cùng em gái. Đổ vỡ hôn nhân, chuyện buồn tình cảm, thăng trầm trong cuộc sống khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương...

Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và lưu diễn ở nhiều nước châu Âu.

Đến tháng 8/2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương in Singapore và gây được tiếng vang lớn.

Tháng 9/2017, tại Việt Nam, lần đầu tiên phát hành tập sách Nhạc sĩ Lam Phương - 110 ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhạc sĩ Lam Phương. Đây là lần đầu tiên có một tuyển tập nhạc tập hợp số lượng lớn tác phẩm của Lam Phương được xuất bản, với nhiều ca khúc nổi tiếng: Biển tình, Kiếp nghèo, Lầm, Đèn khuya, Duyên kiếp, Lạy trời con được bình yên, Em đi rồi, Thành phố buồn, Thao thức vì em, Thiên đàng ái ân, Thu sầu, Thuyền không bến đỗ, Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhac-si-lam-phuong-cha-de-cua-nhung-ca-khuc-bat-huy-da-qua-doi-eWhiiOxMg.html