Chuyện ít biết về Lực lượng SFF của Ấn Độ

Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cùng người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa không đạt được thỏa thuận về dừng tranh chấp tại khu vực biên giới như mong muốn của các bên; đặc biệt, kể từ khi báo chí phương Tây và Ấn Độ đăng tải thông tin về cái chết và đám tang của Tenzin Nyima, 53 tuổi, Đại đội trưởng thuộc Lực lượng biên giới đặc biệt (SFF) của Ấn Độ, vì một quả mìn trong một chiến dịch quân sự ở bờ Nam của Hồ Pangong ở Ladakh thì những thông tin về SFF được săn tìm. Vậy lực lượng này có gì đặc biệt?

Đám tang đặc biệt

Ngày 7-9, đám tang của Tenzin Nyima, 53 tuổi, Đại đội trưởng thuộc SFF của Ấn Độ trở thành sự kiện rất đặc biệt ở vùng biên giới của Ấn Độ, nơi có đông người Tây Tạng sinh sống. Trước khi xe chở quan tài của Tenzin Nyima đến nơi hỏa táng thì người dân đã tập trung hai bên đường vẫy cờ 3 màu của Ấn Độ và cờ Tây Tạng.

Quan tài của Tenzing Nyima được phủ quốc kỳ Ấn Độ 3 màu và cả cờ của Tây Tạng.

Quan tài của Tenzing Nyima được phủ quốc kỳ Ấn Độ 3 màu và cả cờ của Tây Tạng.

Họ đồng thanh hô “Bharat Mata ki Jai” và “Jai Tibet” thành từng đợt khiến cho đám tang chẳng có chút gì u ám, sầu thương mà lại rực khí thế. Khi chiếc xe tải của quân đội chở thi hài Nyima Tenzin rời khỏi nhà tại Khu định cư Tây Tạng Sonamling ở Leh, nhiều người đã đi ôtô, xe máy và thậm chí là đạp xe chạy theo phía sau đám tang để hộ tống xe đưa thi hài Tenzin Nyima đi hỏa táng và về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong khi đó, một tấm áp phích bên đường có hàng trăm người xung quanh đã ghi rõ các dòng chữ bằng tiếng Tây Tạng và Ấn Độ: “Ông ấy đã sống vì tình yêu Tây Tạng và chết vì tình yêu của Ấn Độ”.

Quan tài được bọc bằng cả cờ ba màu của Ấn Độ và cờ Tây Tạng. Theo nghi thức dành cho những quân nhân hy sinh vì nhiệm vụ. Người của quân đội đã gấp gọn gàng hai lá cờ và trao chúng cho vợ của Tenzin.

Theo truyền thông phương Tây và Ấn Độ, đây là đám tang đặc biệt của một người lính trong lực lượng SFF mà bây giờ mới được thấy một lần duy nhất. Nó đặc biệt vì cái tên SFF là một cụm từ mà không phải ai ở Ấn Độ cũng biết hoặc được biết nhiều về lực lượng này. Bởi SFF là một đơn vị đặc biệt, được tổ chức để làm các nhiệm vụ đặc biệt mà phần đông những người trong lực lượng này đều là người Tây Tạng.

Đội quân tinh nhuệ

Cái chết của Tenzing Nyima đã hé mở cho thế giới bên ngoài về Lực lượng biên giới đặc biệt (SFF) với rất ít thông tin công khai. Lực lượng bí mật này được thành lập ngay sau khi nổ ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1962. Reuters đưa tin, các quan chức Ấn Độ dự kiến lực lượng này hiện có hơn 3.500 quân.

Một bức ảnh những người lính Tây Tạng thuộc SFF của Ấn Độ trên tiền đồ Siachen Glacier, nơi có độ cao 20.000 feet so với mặt nước biển.

Khu vực cao nguyên ở phía Bắc Ấn Độ giáp với Tây Tạng của Trung Quốc có độ cao phổ biến trên 3.000m-4.000m so với mực nước biển, dân cư thưa thớt và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Amitabh Mathur, cựu cố vấn các vấn đề Tây Tạng của Chính phủ Ấn Độ đã nói rằng, SFF là một “lực lượng tinh nhuệ, đặc biệt là trong môi trường rừng núi”. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu SFF được triển khai. Việc triển khai họ ở những khu vực có độ cao là hợp lý. Họ là những người giỏi leo núi và có sức đột kích rất mạnh”, ông Mathur nói với Reuters.

Là một tổ chức bí mật, các binh sĩ của SFF chủ yếu là những người Tây Tạng lưu vong và con cháu của họ, về sau còn bao gồm cả những người Gurkha nói tiếng Nepal (Gurkha). Căn cứ chính của SFF nằm ở Chakrata, bang Uttar Pradesh, cách Ladakh gần 700km.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, đơn vị này được tướng Sujan Singh Uban, cựu sĩ quan của quân đội Ấn Độ thuộc Anh và là chỉ huy pháo binh của Trung đoàn sơn pháo 22, đề xuất thành lập. Đơn vị này ban đầu có tên là “Establishment 22”, sau này có tên là Lực lượng biên giới đặc biệt (SFF) như hiện tại.

Trên thực tế, lực lượng đặc biệt này không thuộc Lục quân Ấn Độ, mà trực thuộc Cục Nghiên cứu và Phân tích (Research and Analysis Wing), cơ quan thu thập thông tin tình báo đối ngoại chính của Ấn Độ.

Theo một bài báo trên tờ Hindustan Times, cơ quan truyền thông của Ấn Độ, phương thức hoạt động của đơn vị này luôn được giữ bí mật, đến mức quân đội thậm chí không biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng nhìn chung, các nhiệm vụ chính của lực lượng SFF bao gồm trinh sát đặc biệt, đột kích bất ngờ và hành động bí mật. Họ được phép báo cáo trực tiếp cho Ban Thư ký Nội các (Cabinet Secretariat) của Chính phủ và Thủ tướng Ấn Độ thông qua Tổng thanh tra. Vì vậy, rất nhiều thành tích và “câu chuyện dũng cảm” của họ không được mọi người biết đến.

Tin cho biết, chỉ huy đơn vị này là một Thiếu tướng. Cựu Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, tướng Dalbir Singh, từng giữ chức vụ này trong thời gian còn phục vụ tại ngũ.

Tờ Indian Express đưa tin, đơn vị này có cơ cấu cấp bậc tương đương với cấp bậc quân đội. Nhưng họ là những nhân viên lực lượng đặc biệt được đào tạo bài bản có thể thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt hơn và bí mật.

Huấn luyện của các đơn vị thuộc SFF.

Trong những năm 1970, lực lượng này đã tham gia chiến đấu chống Pakistan và cuộc Chiến tranh giành độc lập của Bangladesh. Trong chiến dịch mang mật danh “Đại bàng”, đơn vị được không vận đến khu vực chiến đấu, xâm nhập vào phía sau phòng tuyến của đối phương, phá hủy đường dây liên lạc của quân đội Pakistan và ngăn chặn binh lính Pakistan chạy trốn từ Bangladesh sang Myanmar.

Theo trang new.qq.com, khi bắt đầu thành lập SFF, người chỉ huy đầu tiên là một Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu có tư duy chiến lược phi truyền thống phong phú. Dưới sự dẫn dắt của ông, SFF dần dần nổi bật trong quân đội Ấn Độ và trở thành lực lượng có sức chiến đấu mạnh nhất và được coi trọng nhất trong số nhiều lực lượng bảo vệ biên giới (như: Lực lượng An ninh Biên giới BSF, Lực lượng Cảnh sát Biên phòng ITBP, Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm Uttar Pradesh, Đội Súng trường bắn tỉa Assam, Lực lượng tuần tra Biên giới vũ trang SSB v.v...).

SFF có tính bí mật cao và nổi tiếng là “xuất quỷ nhập thần”, họ thường mặc quần áo đen, đội mũ đen và trùm mũ đen khi hành quân, vì vậy họ còn có biệt danh là “Biệt kích Mèo đen”. Binh sĩ SFF thường được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các đơn vị chiến đấu tuyến trước hoặc các quân tinh nhuệ khác, tỷ lệ bị loại cũng cực kỳ cao. Các thành viên cốt cán cũng được huấn luyện trong cơ quan tình báo nổi tiếng Mossad của Israel để tăng cường trình độ chiến đấu chống khủng bố và nâng cao khả năng điệp báo của họ.

Là một đơn vị tinh nhuệ, trang bị vũ khí của SFF gồm súng không giật Gustav, súng phóng lựu AGS-30 và súng cối 51 và 81mm. Ngay từ năm 2007, đơn vị đã mua 350-400 khẩu súng trường tấn công TAR-21 cải tiến (trị giá 1,5 triệu USD) của Tập đoàn Công nghiệp Quân sự Israel (IMI). Ngoài ra, trong các hoạt động, SFF cũng nhận được sự phối hợp của không quân.

Theo một bài báo trên tờ Hindustan Times năm 2009, một trong những người Tây Tạng đầu tiên gia nhập SFF kể lại rằng, vào đầu năm 1963, nhóm đầu tiên khoảng 12.000 người Tây Tạng đã được đưa đến Chakrata. Họ đã được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện và giúp đỡ. Theo bài báo, có những lý do để tin rằng Chính phủ Ấn Độ muốn nâng cao khả năng chiến đấu bằng cách tuyển mộ những người Tây Tạng thích nghi với khí hậu địa phương và thông thạo địa hình và nhất là về sức khỏe.

Tuy nhiên, ban đầu thì những người đầu quân cho SFF chưa được các chế độ lương, phụ cấp tương xứng với công sức bảo vệ chủ quyền quốc gia như các lực lượng vũ trang khác của Ấn Độ. Theo một số nguồn tin, năm 2016, hơn 5.000 binh lính Tây Tạng đã được nhận trợ cấp hưu trí của Chính phủ Ấn Độ. Cụ thể là, 5.727 cựu chiến binh của SFF đã nghỉ hưu trước tháng 1-2009 đã nhận được thông báo cho Tòa án Cấp cao Delhi rằng, họ sẵn sàng khôi phục lương hưu cho họ cùng với các quyền lợi dành cho quân nhân Ấn Độ đã nghỉ hưu. Điều này đã cho thấy, Ấn Độ rất coi trọng và công nhận SFF có những đóng góp vô cùng lớn để duy trì toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ấn Độ.

Dư luận Ấn Độ cũng đồng ý rằng, các cựu chiến binh SFF đã có "đóng góp xuất sắc" cho quốc phòng và an ninh của quốc gia. Câu chuyện về đám tang của Tenzing Nyima vào ngày 7-9 vừa qua chính là minh chứng cho thấy rõ điều đó.

Mạnh Thắng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/chuyen-it-biet-ve-luc-luong-sff-cua-an-do-611173/