Chuyện ít biết về cận thần số 1 của vua Gia Long

Nguyễn Văn Thành được vua Gia Long đánh giá rất cao: 'Trẫm từ lúc đất một thành, binh một lữ, gian nan trăm trận để có ngày nay không phải là dễ dàng, Nguyễn Văn Thành ngôi cao trong bầy tôi...'.

Có thể nói công việc quan trọng nhất mà

vua Gia Long giao cho Nguyễn Văn Thành là soạn định luật lệ.

Ngôi cao trong bầy tôi

Có thể nói, trong thời gian làm Tổng trấn Bắc thành, bằng tài năng, nghị lực và tấm lòng trung quân, thương dân, Nguyễn Văn Thành đã giành được lòng tin tuyệt đối của vua Gia Long. Ông thường xuyên được nhà vua mời vào bàn luận những công việc trọng yếu của quốc gia.

Tháng 10 năm Canh Ngọ (1810), vua Gia Long nói với Nguyễn Văn Thành khi ông đã trở về

Kinh đô Phú Xuân rằng: "Triều đình đặt quan, cốt là được người, đường làm quan trong sạch thì triều chính được nghiêm. Bọn khanh nên xem xét quan lại, nêu rõ điểm truất bổ cất lên, người có công thì thưởng, người có tội thì phạt, nhưng có công mà còn ngờ thì nên xem là trọng, có tội mà ngờ thì nên xem là nhẹ, để tỏ ý trẫm ưa người lành nhiều, mà ghét kẻ dữ ít".

Nhưng có thể nói công việc quan trọng nhất mà vua Gia Long giao cho Nguyễn Văn Thành trong thời kỳ này là soạn định luật lệ. Trước đó, sau khi sáng lập vương triều Nguyễn (1802) và lên ngôi Hoàng đế (1806), tuy phải giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia, nhưng một vấn đề được vua Gia Long đặc biệt quan tâm đó là luật pháp. Vua sai đình thần soạn định luật lệ, lấy Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài.

Dụ rằng: Các bậc đế vương trị nước, hình pháp đặt ra đã lâu. Hình pháp không đúng thì dân không chỗ mà nắm. Nay luật lệ chưa định, phép ty không theo vào đâu được, thực không phải ý "khâm tuất minh doãn" (kính cẩn, thương xót, sáng suốt, tin dùng). Bọn khanh nên hết lòng khảo xét những pháp lệnh điển lệ của triều, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách, Trẫm sẽ tự sửa chữa cho đúng để ban hành.

Án thờ vua Gia Long trong Thế miếu (Huế, Việt Nam).

Án thờ vua Gia Long trong Thế miếu (Huế, Việt Nam).

Đặt ra tội hình để về sau không phải dùng đến tội hình

Sau khi được bổ làm Tổng tài biên soạn Hoàng Việt luật lệ, Nguyễn Văn Thành mời thêm hai quan chức khác cùng tham gia là Vũ Trinh (1769 - 1828) và Trần Hựu là Đông các Đại học sĩ, trực tiếp tổ chức biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ do Tổng tài Nguyễn Văn Thành tổ chức biên soạn từ năm 1805, đến năm 1811 thì hoàn tất và năm 1812 cho khắc in lần đầu, đến 1815 thì ban hành và áp dụng trong cả nước với lời tựa do vua Gia Long đề. Có thể xem việc nghiên cứu, biên soạn, in ấn, ban hành bộ luật này là một quá trình làm việc nghiêm túc, chặt chẽ và hoàn mỹ.

Trước khi khắc in đưa ban hành, Nguyễn Văn Thành có dâng sớ tâu lên vua Gia Long, trong sớ Nguyễn Văn Thành trình bày về việc: "Đặt lại quy tắc khoan hồng và thưởng phạt. Khi xem đến luật triều Thanh, Đức Thánh thượng nhận thấy đó là bộ luật gồm đủ các sắc luật của các triều đại trước, nên ban sắc chỉ dạy các quan đem ra bàn bạc xem xét, cùng hạ thần ngõ hầu chọn lấy những gì khả dĩ soạn thành bộ luật riêng để dùng trong nước...". Sách đã dạy: "Trừng phạt để về sau không còn phải trừng phạt nữa, đặt ra tội hình để về sau không phải dùng đến tội hình nữa. Điều đó há chẳng phải là điều mà Đức Thánh thượng hằng mong muốn hay sao".

(còn nữa)

Theo Trịnh Dương/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chuyen-it-biet-ve-can-than-so-1-cua-vua-gia-long/20200212035620185