Chuyện hy hữu trong sử Việt: Vị hổ tướng cãi lệnh vua để tránh gặp bạn

Cãi lệnh vua, chấp nhận bị giáng chức để tránh đối đầu với bạn trên chiến trường. Câu chuyện này chỉ diễn ra duy nhất một lần trong sử Việt.

Thoại Ngọc hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829). Ông sinh ra tại làng Hải An, huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam (quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngày nay), là một trong những danh tướng lẫy lừng bậc nhất của nhà Nguyễn.

Vị tướng khai khẩn ra đất Nam Bộ

Công lao lớn nhất của Thoại Ngọc Hầu với lịch sử dân tộc ta chính là việc ông đã khai khẩn ra vùng đất Nam Bộ ngày nay. Sự nghiệp này được bắt đầu từ năm 1817, khi ông được cử làm trấn thủ Vĩnh Thanh.

Nhận rõ tầm quan trọng của vùng đất Nam Bộ về kinh tế và quốc phòng, trong khi việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, ông đã tâu trình xin đào vét sông Ba Lạch.

Cuối năm 1817, Gia Long lại sai Thoại Ngọc Hầu đào kênh Thoại Hà dài gần 30 km. Nhờ kênh, nguồn nước ngọt dồi dào, việc đi lại, giao thương thuận lợi. Kênh Thoại Hà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tháo một phần nước lụt của sông Hậu ra biển. Đây là công trình thoát lũ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng lúc với việc đào kênh, Thoại Ngọc Hầu chú trọng lập làng, làm đường, nối liền Long Xuyên với Kiên Giang. Năm 1820, ông cho đào con kênh lớn nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại do ông thiết kế, huy động đến 80.000 người và phải làm gần 5 năm (1820-1824) mới hoàn thành.

Chân dung Trần Quang Diệu tại điện thờ ở Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Tư liệu.

Chân dung Trần Quang Diệu tại điện thờ ở Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1822, theo chỉ dụ của vua Minh Mạng ông lại chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế. Năm 1824, kênh hoàn thành với chiều dài lên tới 87 km, rộng 25m, sâu 3m. Kênh đào xong đã tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng miền Hậu Giang và việc đi lại bằng đường thủy rất thuận lợi.

Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng: "Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước đến phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng".

Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.

Vua Minh Mạng rất hài lòng trước sự thành công của công trình thủy lợi này nên sắc ban cho ngọn núi nhìn xuống dòng kênh cái tên Thoại Sơn (tên dân gian là núi Sập) và cho con kênh mang tên là kênh Vĩnh Tế (tên vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế). Triều Nguyễn còn nghĩ đến công lao của Nguyễn Văn Thoại nên lấy tên ông đặt cho tên làng, tên núi, tên sông: Thoại Sơn, Thoại Hà, Thoại Giang.

Cãi lệnh vua để tránh đối đầu với bạn trên chiến trường

Trước khi trở thành người có công khai khẩn nên vùng đất Nam Bộ ngày nay, Thoại Ngọc Hầu là một trong những danh tướng nổi bật, từng theo hầu chúa Nguyễn khi mới chỉ 16 tuổi.

Trong số những câu chuyện về Thoại Ngọc Hầu, việc ông chủ động cãi lại lệnh vua để tránh đối đầu với người bạn thân Trần Quang Diệu trên chiến trường khiến cho người ta cảm động.

Giống như Thoại Ngọc Hầu, Trần Quang Diệu cũng là người Quảng Nam, giữa hai bậc danh tướng này vốn đã tồn tại tình bạn thắm thiết ngay từ khi còn nhỏ. Sau này, không may số phận đưa đẩy, họ không chỉ là bề tôi của hai thế lực phong kiến đối địch (Tây Sơn và nhà Nguyễn), mà còn phải đối đấu “sống mái” với nhau trên chiến trường.

Thoại Ngọc Hầu - danh nhân khai khẩn ra đất Nam Bộ. Ảnh: Báo An Giang

Theo Kỷ yếu của nhà sử học Lê Duy Anh, năm 1801, lúc Nguyễn Văn Thoại mang quân từ Vạn Tượng (Lào) tiến đánh Phú Xuân, nghe tin Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn cầm binh ra tiếp cứu. Không muốn đối đầu với bạn, tướng Nguyễn Văn Thoại đã giao binh quyền cho phó tướng của mình là Lưu Phước Tường rồi bỏ vào Gia Định. Vì quyết định này, ông bị chúa Nguyễn bắt tội là không có lệnh vua mà tự tiện về, giáng xuống làm Cai đội quản đạo Thanh Châu.

Quyết định khiến ông bị ảnh hưởng nặng đến cơ đồ, công danh, sự nghiệp, nhưng không đánh mất tình quê hương, bè bạn. Hành động dám làm trái ý vua để khỏi phải chạm mặt bạn trên chiến trường của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì cho rằng ông đã dám "vì nghĩa diệt thân".

Không dừng lại ở đó, đến năm 1802, Trần Quang Diệu và vợ con bị Gia Long xử tử. Thân tộc bị hệ lụy, phải đổi sang họ Nguyễn, chính Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê, giao cho vợ thứ trích ruộng đất của mình để lo hương hỏa, thờ tự bạn mình.

Thoại Ngọc Hầu - danh nhân mở cõi Dưới thời của nhà Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu đã có công lớn trong việc chiêu mộ nhân dân, khai khẩn vùng đất Nam Bộ ngày nay.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-hy-huu-trong-su-viet-vi-ho-tuong-cai-lenh-vua-de-tranh-gap-ban-post836304.html