Chuyện hơn 20 năm xây dựng 'Cầu thang văn hóa'

Nhà A3, tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân, Hà Nội là nơi khởi xướng mô hình 'Cầu thang văn hóa', hơn 20 năm qua nơi đây được ví như một thư viện thu nhỏ với đủ loại sách, báo được bày biện ngăn nắp, là nơi để người dân đọc tin tức và gắn kết cộng đồng.

Thư viện thu nhỏ tại một tổ dân phố

Một chiều đầu năm, "Cầu thang văn hóa" tại nhà A3, tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân, Hà Nội sạch sẽ, tinh tươm, những chiếc bàn kê tại đây thơm mùi báo mới. Bà Đào Thị Anh Tuấn đang cặm cụi sắp xếp từng tờ báo, từng quyển sách - đây là công việc đã trở nên quen thuộc với bà Tuấn trong rất nhiều năm qua nhằm duy trì thói quen đọc sách báo cho người dân tại "Cầu thang văn hóa" này.

Bà Tuấn - người phụ trách “Cầu thang văn hóa” với công việc sắp xếp sách, báo mỗi ngày của mình. Ảnh: Hoài Anh

Bà Tuấn - người phụ trách “Cầu thang văn hóa” với công việc sắp xếp sách, báo mỗi ngày của mình. Ảnh: Hoài Anh

Được thành lập từ năm 1999, xuất phát từ ý tưởng mở một thư viện nhỏ tại khu vực cầu thang, cư dân nhà A3 đã cùng nhau kêu gọi mọi người góp tiền để mua báo, mua sách. Dần dần thư viện nhỏ được hình thành và trở thành một địa điểm để mọi người đến đọc sách báo mỗi ngày.

Nếu như trước kia, khi chưa có “Cầu thang văn hóa”, khu vực cầu thang này được ví như cái kho, người ta để than tổ ong, đồ dùng, vật dụng. Nhưng theo bà Tuấn, khi làm "cầu thang văn hóa" này được hoàn thiện và đi vào hoạt động thì có nhiều cái "được".

"Thứ nhất là vệ sinh môi trường, không gian ở đây lúc nào cũng sạch sẽ vì ngày nào cũng có người quét. Chúng tôi chẳng cần ai phân công ai, mà tự mọi người nhìn thấy thì sẽ quét. Thứ hai, không gian này rất an ninh và an toàn. Thứ ba nó giúp chúng tôi tăng lên tình làng nghĩa xóm, không còn chuyện “đèn nhà ai nhà đấy rạng” mà mọi người gắn kết, chia sẻ với nhau nhiều hơn" - bà Tuấn - người phụ trách cầu thang văn hóa tại nhà A3 chia sẻ.

Khu vực “Cầu thang văn hóa” lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm, là nơi mọi người tìm đến để đọc sách, báo mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Hà

Cũng theo bà Tuấn, đây còn là là nơi giáo dục cộng đồng, mọi lứa tuổi già trẻ trai gái lớn bé đều qua đây đọc sách, báo. Đồng thời cũng giúp thay đổi được cách những đứa trẻ tiếp xúc với người lớn. Và người lớn cũng thay đổi cách nói chuyện với nhau sao cho gắn kết.

Có di động, Internet cũng không bỏ được báo ngày

Vừa xếp báo, vừa trò chuyện với phóng viên, bà Tuấn cho biết, mỗi ngày vào buổi sáng bà có nhiệm vụ đưa báo ra ngoài, khi có báo mới về bà lại là người đọc và chắt lọc những thông tin hay để chia sẻ với mọi người.

"Mỗi ngày ở đây đều có báo mới, để cập nhật những thông tin mới nhất đến bà con, cư dân. Bây giờ giới trẻ có điện thoại, internet, TV nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì báo đọc tại cầu thang này vì không phải ai cũng dùng được, nhất là người già, người lớn tuổi" - bà Tuấn nói.

Dù hiện nay Internet, điện thoại di động không còn xa lạ nhưng những cư dân tại tổ dân phố vẫn quyết tâm duy trì mô hình “Cầu thang văn hóa“. Ảnh: Hoài Anh

Sau khi “Cầu thang văn hóa” ra đời, cư dân tại đây lại nghĩ cách để “nuôi” nó. Mỗi quý huy động hơn 1 triệu đồng từ người dân để đặt báo. Ngoài báo thì còn có 2 tủ sách để cho mọi người mượn về đọc. Trong suốt những năm qua thì phường Nghĩa Tân cũng đã thường xuyên cho mượn những sách về chính sách, pháp luật… để người dân hiểu biết thêm.

Hơn 20 năm qua, mô hình "Cầu thang văn hóa" tại nhà A3 đã lan tỏa ra nhiều khu vực trên địa bàn phường Nghĩa Tân. Một không gian nhỏ xinh được treo kín bằng khen, giấy khen của chính quyền phường, quận là minh chứng cho những nỗ lực của cư dân nơi đây trong việc xây dựng nên một không gian văn hóa cho mọi người.

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/chuyen-hon-20-nam-xay-dung-cau-thang-van-hoa-74789.html