Chuyện học nơi thầy cô vượt hàng chục km đường rừng tới trường

Những con đường đến với các điểm trường vùng sâu, vùng xa thường ngày vẫn là khó khăn với các thầy cô giáo cắm bản. Sau những trận mưa lũ, khó khăn lại chồng chất khó khăn, đường sá bị cô lập. Để đến trường, các thầy cô giáo phải đi bộ hàng chục km đường rừng. Thế nhưng những gian nan, khó khăn ấy không làm cằn cỗi mầm chữ vùng cao mà ở đó sự học vẫn đang nảy nở từng ngày.

Trong lớp học mới của điểm trường Trung Thắng

Trong lớp học mới của điểm trường Trung Thắng

Mang con chữ về cho dân bản

Cách thành phố Thanh Hóa 247 km về phía Tây, Mường Lát là huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sự học trên vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) vốn đã vất vả nay lại bộn bề gian khó. Sau những trận mưa lũ vừa qua, con đường vào trường bị sạt lở, để đến trường dạy học, thầy cô giáo nơi đây phải đi bộ khoảng 10 km mới vào đến trường.

Thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến cho biết, Trường Tiểu học Tây Tiến cách trung tâm xã gần 20 km đường rừng, gồm 7 điểm trường (khu Chà Lan, Chiềng Nưa, Xì Lô, Trung Tiến 1, Suối Ủn, Trung Thắng, Sài Khao). Trong những điểm trường ấy, có Trường Sài Khao, Trung Thắng là khó đến hơn cả.

Mặc dù trận mưa lũ lịch sử vừa qua, không ảnh hưởng đến cơ sở vật chất nhà trường, nhưng đường sá đi lại bị chia cắt. Để đến trường dạy học, các thầy giáo phải đi bộ 10km.

Thầy Viên cho biết, năm học 2018 - 2019, trường có tổng số 396 học sinh, trong đó có 88 em học sinh lớp 1. Mỗi điểm trường có 3 - 4 thầy cô giáo; giáo viên dạy cả lớp 1 - 5. Vì các điểm trường rải rác học sinh, năm học này, nhà trường ghép học sinh lớp 5 khu Chiềng Nưa về học ở điểm Xi Lô, ghép học sinh lớp 1 Trung Tiến về học ở điểm Suối Ủn.

Địa danh đỉnh Sài Khao, điểm cuối của miền Tây Bắc, vốn đã không được thiên nhiên ưu đãi nên khốn khó đủ bề. Cùng với Sài Khao là điểm trường Trung Thắng, hoang sơ, lạc hậu tới mức gần như bị ”lãng quên”. Từ chân bản Xi Lô đến các điểm trường khoảng 13 km, không có đường đi đúng nghĩa. Các thầy cô phải sống trong cảnh: Không đường, không nước sạch và đặc biệt là không có sóng điện thoại. Thầy cô phát sách vở, bút thước, phát dép, quần áo ấm và còn đến từng nhà vận động HS đi học là chuyện thường ngày.

24 năm gắn bó với vùng cao, thầy Viên may mắn hơn các thầy cô giáo nơi đây là hai vợ chồng dạy cùng trường, cuộc sống cũng ổn định hơn. Còn lại các thầy cô giáo đều ở dưới xuôi lên đây dạy học, xa nhà, một tháng được về nhà một lần. Nhiều thầy cô giáo gắn bó với vùng cao này 10 - 12 năm. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tình yêu nghề giáo khiến họ vẫn bám trụ nơi đây để mang con chữ về cho dân bản.

Học sinh Trường Tiểu học Tây Tiến

“Giữ” thầy cô yên tâm bám bản

Không quên những ngày tháng khó khăn khi mới đến trường công tác, cô giáo Lê Thị Thương chia sẻ: “Với mong muốn được vào biên chế để ổn định cuộc sống, ra trường, em xin về đây công tác. Những ngày đầu mới lên đây, nhớ nhà, buồn tủi nên đêm nào em cũng khóc. Nơi vùng khó còn nhiều gian nan nhiều lúc nản, nhưng thấy thương các em học sinh. Phụ huynh rất quý và tôn trọng thầy cô giáo, nên em lại cảm thấy thấy hạnh phúc vì được đứng trên bục giảng, được dạy chữ cho em học sinh vùng biên”.

Việc liên lạc với các thầy cô giáo ở các điểm trường là điều khó khăn. Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu tất cả các điện thoại của thầy cô đều báo cuộc gọi nhỡ. Một tuần hai lần, có thầy cô mang hết điện thoại ra khu vực có sóng để xem cuộc gọi nhỡ, đồng thời gọi lại xem có gì quan trọng không. Nếu quan trọng sẽ về báo để thầy cô đó được biết.

Cũng theo lời thầy Viên, cuộc sống của thầy cô giáo ở đây thiếu thốn rất nhiều. Phần lớn ở các điểm trường, giáo viên không có nhà công vụ Giáo viên, chỉ có thể ở tạm trong lán bằng tranh, tre do địa phương giúp đỡ (như điểm trường Sài Khao và Trung Thắng). Còn các thầy giáo ở điểm trường Trung Tiến thì ở tạm phòng học trống của trường.

“Năm học mới này, được sự giúp đỡ của CLB Tri thức xanh, điểm trường Trung Thắng từ căn phòng vách gỗ tạm bợ, gió lùa hun hút, nay đã có 3 phòng học đầu tiên được hoàn thành với đầy đủ trang thiết bị cơ bản để thầy trò có thể bắt đầu sử dụng. Có lớp học mới khang trang, thầy và trò sẽ thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thực sự, để con đường đến với cái chữ nơi đây sẽ trở nên ngắn và hiệu quả hơn”, thầy Viên trải lòng.

Điểm trường Trung Thắng của Trường Tiểu học Tây Tiến

Niềm vui lớn nhất là các em nhỏ vẫn đến trường

Nằm trên khu vực núi đồi hiểm trở, ở độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển nên mùa đông ở Sài Khao, Trung Thắng thường rất lạnh và kéo dài. Để bám trường lớp, các thầy cô phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Theo thầy Viên, năm học này, tại khu chính của Trường Tây Tiến, mỗi phòng thầy cô đều có thêm học sinh trọ lại. Năm học này, có 4 em học sinh nhà ở tận bản Chiềng Nưa xa xôi phải ở lại bán trú tại trường. Thầy trò lại cùng nhau vượt qua khó khăn trên hành trình gieo chữ. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của thầy cô, phụ huynh là các em nhỏ vẫn cố gắng đến trường, không để xảy ra tình trạng bỏ học.

Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi thông thường, sau khi mùa lũ qua đi, tình trạng bỏ học diễn ra khá nhiều do nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà cửa bị cuốn trôi, không thể tiếp tục đi học. “Đợt này, nhà trường đã có sự phối hợp cùng chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh, tích cực tổ chức vận động, hỗ trợ các em nên tình hình tiến triển theo chiều hướng tích cực”.

Dường như đã quen sống trong tình trạng bị lũ quét đe dọa nên ban giám hiệu, các thầy cô lẫn học trò nơi đây luôn có một ý chí và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Bởi thế, mà trong khó khăn, tiếng giảng bài vẫn đều đặn vang lên giữa núi rừng - như một lời khẳng định về tình yêu nghề giáo, về sự học không ngừng nơi biên viễn...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-hoc-noi-thay-co-vuot-hang-chuc-km-duong-rung-toi-truong-3953501-b.html