Chuyện học ngoại ngữ

Chuyện học ngoại ngữ nếu chỉ để có tấm chứng chỉ thì dễ, nhưng để áp dụng những kiến thức mình đã được học vào thực tế thì rất khó. Có nhiều người dù đã học ngoại ngữ nhiều năm nhưng vẫn lúng túng khi tiếp xúc với người nước ngoài vì nói mãi mà họ không hiểu hoặc có khi họ lại hiểu sai ý mình.

Cần kỹ năng hay cần chứng chỉ?

Mới đây, Thông tư số 20/2019-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ ngày 6/6/2008 Bộ GD&ĐT. Theo đó, kể từ ngày 15/1/2020 các quy định về kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ như: Đối tượng và điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ…theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ không còn được áp dụng, đồng nghĩa với việc các trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ phải dừng tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (trình độ A, B, C).

Như vậy, các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khi mà một thời không có nó trong hồ sơ xin việc thì không được các đơn vị tuyển dụng lao động tiếp nhận. Các nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi nó nhưng sau khi tiếp nhận, lại đem nó cất kho chẳng bao giờ dùng đến. Còn chủ nhân của chứng chỉ sau một thời gian là quên hết những gì mà mình đã học để có được nó...

Anh Hamza Zeghouan là người Algeria, đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh của Trường Đại học Algeria hiện anh đang giảng dạy cho Trung tâm Ngoại ngữ VietSun, có trụ sở chính ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, cho biết: “Để học thành thạo một ngoại ngữ, bạn phải mất công như học chính tiếng mẹ đẻ của mình vậy”. Như vậy, để thành thạo tiếng Việt, chúng ta cũng mất nhiều năm đến trường, hàng ngày tiếp xúc với nhiều người và làm nhiều công việc… Thế nhưng trước đây nhiều người chỉ mất vài tháng học là có được ngay tấm chứng chỉ và họ cũng chỉ cần có thế để xin việc, hoặc để đáp ứng yêu cầu của cơ quan rồi sau đó chẳng bao giờ để ý đến chuyện luyện tập kiến thức mình đã học...

Các em ở CLB Quyền trẻ em (phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) giao lưu với người nước ngoài để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

Các em ở CLB Quyền trẻ em (phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) giao lưu với người nước ngoài để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

Để ngoại ngữ không chỉ là hình thức

Trước đây, tôi có thời gian sống ở Đức, tôi cũng đến trường để học tiếng Đức, một thứ ngôn ngữ có nhiều điểm giống tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ thầy giáo dạy tiếng Đức cho tôi tên là Hans, khi được giao dạy tiếng Đức cho người Việt, ông Hans đã nghiên cứu khá kỹ về phong tục tập quán, lối sống, lịch sử địa lý của người Việt, những điểm yếu của người Việt khi học ngoại ngữ. Người Việt phát âm những âm gió rất kém, nên trong các giờ học thầy Hans rất chú trọng luyện cho chúng tôi cách đọc các âm gió cho chuẩn giúp chúng tôi tự tin hơn. Theo ông Hans, chỉ cần đọc sai âm gió sẽ khiến người khác hiểu sai. Thí dụ như trong tiếng Đức, chữ “sport” nghĩa là thể thao, nhưng nếu đọc là “spott”, thì chữ này lại có nghĩa là nhạo báng. Như vậy vô tình khi ta nói rằng “Tôi là người thích thể thao” rất dễ khiến người khác hiểu là “Tôi là người thích nhạo báng” khi ta phát âm sai.

Trong giờ học, thầy giáo người Đức cũng luôn nhắc nhở chúng tôi phải nắm được phong tục tập quán, lối sống của nước sở tại thì mới nói tốt được. Tôi cũng đã có lần vì kém về mặt xã hội của Đức mà đến bây giờ vẫn thấy mình “quê”. Đó là một lần khi tôi đến chơi một gia đình người Đức, rồi nói chuyện với đứa trẻ đang tuổi học sinh tiểu học của gia đình đó. Tôi hỏi cháu học hành thế nào, đứa trẻ bảo: “Cháu được nhiều điểm 1”. Vậy là tôi buột miệng: “Sao cháu học kém vậy, phải cố gắng lên chứ. Ngày xưa chú đi học chẳng bao giờ bị điểm 1”. Đứa trẻ ngơ ngác mà không hiểu tôi nói gì. Mãi sau tôi mới biết, ở các trường học Đức cách cho điểm các bài kiểm tra của học sinh ngược lại với bên ta. Bên đó học sinh học giỏi được nhận điểm 1, học sinh lười học, học dốt nhận điểm 5 là điểm kém nhất. Người Đức quan điểm, số 1 là số đứng đầu trong dãy số tự nhiên, như vậy nó là con số ưu tú và quyền lực nhất...

Với người Việt thì việc phát âm chuẩn, sử dụng thành thạo ngữ pháp, học thuộc nhiều từ mới cũng đã khó nhưng vẫn chưa đủ, mà ta còn phải có kiến thức nhất định về văn hóa, xã hội, kinh tế... về đất nước mà mình học tiếng của họ nữa. Trong những năm gần đây để hiệu quả hơn trong việc dạy và học ngoại ngữ, hầu hết các trường ở các thành phố lớn đều đưa xen kẽ các giờ học ngoại ngữ có các giáo viên bản ngữ giảng dạy. Thế mạnh của họ phát âm chuẩn, họ nắm chắc phong tục tập quán của nước sở tại để truyền đạt cho học sinh.

Giáo viên người nước ngoài dạy học tại Trung tâm Ngoại ngữ Vietsun.

Chị Trương Thị Quỳnh Mơ, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Vietsun, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên có 800 học viên theo học tại cơ sở chính tại phường Quang Hanh và 3 cơ sở khác tại phường Cẩm Trung, Cẩm Phú (TP Cẩm Phả) và 1 cơ sở tại huyện Kinh Môn (TP Hải Dương). Chúng tôi cung cấp chương trình học tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế bao gồm tiếng Anh cho trẻ em (3 – 16 tuổi), tiếng Anh cho người lớn, tiếng Anh giao tiếp kinh doanh, luyện thi tiếng Anh cho khung bậc 6 Châu Âu, luyện thi IELTS, TOEFL, TOEIC…”. Các lớp học ở Trung tâm có từ 10 – 15 học sinh nhưng có 2 giáo viên là người nước ngoài và người Việt. Như vậy học sinh có nhiều điều kiện để giao tiếp, thực hành, giúp cho các học viên tự tin hơn. Học sinh được đào tạo các kiến thức cơ bản, tạo đà cho họ thi tiếp vào các trường đại học, có khả năng tiếng Anh trước khi đi du học nước ngoài. Do vậy, sau 7 năm hoạt động Vietsun có 639 học viên đạt chứng chỉ quốc tế, 495 học viên đạt khung tham chiếu Châu Âu dùng cho Việt Nam, 110 học sinh giỏi cấp tỉnh…

Học ngoại ngữ do người nước ngoài dạy là hướng đi hiệu quả nhưng có mức chi phí cao nên nhiều gia đình vẫn phải cân nhắc khi cho con theo học tại các Trung tâm có giáo viên là người nước ngoài.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201912/chuyen-hoc-ngoai-ngu-2463521/