Chuyện hậu xuất khẩu lao động

Đi lao động nước ngoài được xem là cơ hội để 'đổi đời', nhưng không phải ai cũng suôn sẻ như mong muốn, nhất là sau khi về nước. Có người tiếp tục kinh doanh làm giàu, người 'gặm vốn, ăn dần', cũng có không ít người trắng tay hoặc lâm vào cảnh nợ nần.

Chị Nguyễn Thị Loan (ngoài cùng bên phải) ngày ra nước ngoài lao động. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Mỗi người mỗi cảnh

Trước khi rời Hàn Quốc về nước, chị Nguyễn Thị Loan (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) gọi điện bảo người nhà không cần đi đón ở sân bay Nội Bài vì chị sẽ thuê taxi cho nhanh. Phần lớn tiền bạc chị kiếm được đã nằm trong tài khoản mở ở một ngân hàng trong nước. Với một nơi còn nghèo như làng Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) quê chị, khoản tiền đó là tài sản mà nhiều gia đình cả đời không kiếm được.

Hơn chục người nhà ra đón chị từ đầu ngõ, cười nói, thăm hỏi tíu tít khiến nước mắt chị chảy dài. Nhưng khi bước chân vào cổng, chị chợt lặng đi. Trước mắt chị không phải là ngôi nhà cấp 4 cũ, cũng không phải là ngôi nhà cao tầng mà chồng chị nói rằng sẽ hoàn thiện trước khi chị về nước, mà là một nền móng nhà gồm ba ô, hai ô giữa và bên trái còn trống, còn ô bên phải có tường gạch xây thô, lợp mái tôn. Chị Loan nén tiếng thở dài.

Sau khi người thân, họ hàng đã về hết, câu chuyện của chồng đã cho chị Loan thấy một thực tế phũ phàng. Chị không thể nghĩ đến, lại càng không thể tin ngay được rằng, chồng mình, một nông dân được cho là “hiền nhất làng” lại nghiện nặng món... số đề. Mọi chuyện bắt đầu từ khi anh gọi cánh thợ đến làm móng “ngôi nhà mơ ước”, trong những lúc nghỉ giải lao, cánh thợ cứ bàn tán số này số nọ, ông này “suýt thắng”, bà kia “ăn dày”... rồi rủ rê anh vào cuộc. Họ bảo mỗi tháng vợ anh kiếm “đôi chục”, anh mà không dám chơi là kém. Ngay như anh em thợ, ngày chỉ làm được “đôi trăm” mà còn dám “tất tay”... Mới đầu, anh nghĩ, một ngày bỏ ra vài chục nghìn, coi như tiêu thêm chai rượu, bao thuốc cho thợ làm nhà thì có thấm gì. Thi thoảng, anh trúng được vài “chấm”, nhưng rồi từ ngày theo “sát nút” mấy “con bạch thủ” đâm ra mê tợn. Dần dà, anh đánh “dây”, “nuôi số”... Hằng ngày, anh cùng mấy chú thợ chụm đầu lúi húi tính toán “số đẹp”. Chỉ cần trúng đậm một “con” là sẽ có cái nhà mà không cần phải dùng đến tiền của vợ gửi về. Nhiều lần “sát nút” khiến anh mê mẩn, tăng số tiền chơi với hy vọng ngày càng lớn. Thấm thoắt, vài triệu, rồi vài chục triệu, rồi cả trăm triệu đồng nối tiếp nhau rơi vào “xoáy đề”.

Chị Loan đã về nước cả tháng mà hai vợ chồng vẫn mặt nặng mày nhẹ với nhau. Chị nhẫn nhịn vì các con còn nhỏ dại. Có lần, chị truy hỏi chồng tại sao lại dính vào cờ bạc thì anh nổi khùng, truy hỏi lại, rằng: “Ai ở nhà cho mà đi ăn sung mặc sướng”, hoặc lý sự: “Người có của, kẻ có công”... Chị đành nuốt nước mắt. Còn ít tiền gửi đợt cuối, chồng chưa rút, may ra đủ dựng một tầng nhà. Từ Hàn Quốc về nước, gặp đợt rét, cộng với “cái rét trong lòng” làm chị tê tái. Thêm vào đó là nỗi hoang mang vì chưa biết rồi đây sẽ sắp xếp việc làm ăn và chuyện gia đình thế nào.

Chuyện của chị Loan cũng là gia cảnh của không ít người. Như chị Nguyễn Thị Lai (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) là một trường hợp “hao tiền nhưng vẫn còn may”. Trong 3 năm lao động, chị kiếm được ngót 1 tỷ đồng. Chồng chị dùng tiền vợ kiếm được để mua xe máy, mua xe công nông chạy chở hàng nhưng rồi phải bán xe vì “không thạo mánh làm ăn”, nhưng thực chất là vì ham mê “đề đóm”, chểnh mảng làm ăn. Chị còn chút an ủi là chồng mình đã mua được một miếng đất, coi như vẫn còn ít vốn.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Lệ ở Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) thì nặng nề hơn. Lúc ở Hàn Quốc, kiếm được bao nhiêu tiền chị gửi hết về cho chồng, hối thúc anh làm nhà, mua sắm tiện nghi. Nhưng chồng chị thì nghĩ khác. Anh hùn vốn cùng mấy anh bạn thuê cửa hàng buôn bán xe máy, sau lại thuê thêm 3 địa điểm ở các huyện khác. Tuy nhiên, do thời điểm làm ăn tốt nhất đã qua nên các cửa hàng đều lâm vào cảnh ế ẩm. “Cụt” vốn, gia đình anh chị trở về “mo”.

Trong số bạn bè của chị Loan còn khá nhiều người lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười” sau khi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc trở về. Có những người “gặm vốn ăn dần”, bằng lòng với những gì đã có. Có những người quyết tâm làm lại. Có những gia đình tan vỡ vì người chồng ở nhà đã “tiêu hộ” những đồng tiền mà vợ mình rất vất vả mới kiếm được. Theo chị Loan, tất cả đều có nguyên nhân từ hạn chế, sai lầm trong cách quản lý và chi tiêu số tiền rất lớn do bản thân hoặc vợ/chồng kiếm được trong thời gian ngắn.

Còn một khoảng trống

Ông Nguyễn Tiến San, Chánh Văn phòng Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhiệm kỳ V (2020 - 2025) cho biết: Chỉ trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã đưa hơn 1.124.000 người đi lao động ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, có một vấn đề đã tồn tại rất lâu, đó là các cơ quan quản lý chỉ nắm được số lượng lao động đã đi làm việc ở nước ngoài, còn thông tin về số người kết thúc thời gian xuất khẩu lao động thì vẫn bỏ trống. Về vấn đề này, các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đánh giá: Đa số doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến khâu tuyển dụng và quản lý lao động trong thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động. Công tác hậu xuất khẩu lao động chưa được quan tâm. Cho đến nay, cơ quan quản lý các cấp vẫn chưa có thống kê cụ thể về số lượng lao động về nước đã làm gì, ở khu vực nào, hiệu quả ra sao. Cả số lao động về nước trước thời hạn, nguyên nhân về nước... cũng chưa được nắm bắt. Theo ông San, trong vai trò của mình, Hiệp hội chỉ có thể khuyến khích các doanh nghiệp chú ý đến công tác này; còn các cơ quan chức năng phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, không thể để trống một nội dung quan trọng như vậy. Nguồn lao động về nước là một nguồn lực cần được tận dụng, động viên, hỗ trợ... để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hào, nguyên Giám đốc Trường Trung cấp Nghề Sơn Tây nhận định: Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng, việc lao động ở nước ngoài như thế nào, trở về ra làm sao là chuyện riêng của cá nhân hoặc gói gọn trong phạm vi gia đình, được thì riêng họ ăn, rủi thì riêng họ chịu. Đó là quan niệm chưa đúng. Người lao động phải được chăm lo cả trước, trong và sau khi xuất ngoại.

Theo ông Nguyễn Văn Hào, trong những nguyên nhân dẫn đến câu chuyện “hậu xuất ngoại” đáng buồn nói trên, nguyên nhân chủ yếu là người lao động thiếu tu dưỡng, cộng thêm tác động tiêu cực từ bạn bè, làng xóm lôi kéo họ lao vào cờ bạc hoặc sinh hoạt thiếu lành mạnh, thì còn một nguyên nhân rất quan trọng là sự hạn chế về trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở. Đơn cử như nạn chơi số đề tồn tại dai dẳng từ rất lâu, cuốn đi bao tiền của, mái ấm hạnh phúc gia đình, đẩy bao người vào vòng lao lý... nhưng chính quyền ở nhiều nơi chưa xử lý dứt điểm. Thậm chí, khá phổ biến ở nhiều nơi, chơi số đề là “chuyện thường ngày”, nhiều người vẫn coi đó cũng là một cách kiếm ăn - một quan niệm luôn tiềm ẩn sự bất ổn đối với tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Điều đó phải được chính quyền cơ sở quan tâm giải quyết. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, các cấp chính quyền cần kiên quyết và thường xuyên tổ chức các hoạt động truy quét tội phạm; ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tệ nạn cờ bạc; phát huy vai trò tổ dân phố, mô hình xóm ngõ tự quản, tố giác tội phạm. Tất nhiên, biện pháp bao trùm vẫn là giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm ở nông thôn, tổ chức hoạt động văn hóa, tinh thần lành mạnh để góp phần đẩy lùi tiêu cực.

Lam Ðiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/986166/chuyen-hau-xuat-khau-lao-dong