Chuyện 'hậu cung' ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (2): Yêu cô thôn nữ vì miếng đường thỏi giữa bom đạn

Ngày ấy, ông Tư Bốn (trung tướng Nguyễn Việt Thành) không về Long Tiên, không ghé nhà cụ Hai (cha mẹ của bà Chín), không bị trọng thương thì có lẽ giữa hai người đã chẳng nên chuyện.

Tình đầu chưa thắm đã vội phai

Gặp chúng tôi, ông Tư Bốn (trung tướng Nguyễn Việt Thành) kể nhiều về những kỷ niệm thời kháng chiến khi ông cùng đồng đội được nhân dân đùm bọc, che chở. Ông bảo rằng, đặc thù của miền sông nước, kênh rạch chằng chịt và lòng dân chính là lá chắn thép.

Chuyện tình của trung tướng Tư Bốn với người con gái đất Long Tiên (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cũng bắt đầu từ những ngày nằm gai nếm mật. Trải qua nhnữg bể dâu, thăng trầm của cuộc đời, cả hai ông bà nghiệm ra một điều, vợ chồng là duyên số, sắp đặt của số phận.

Đã mấy chục năm trôi qua, tướng Tư Bốn vẫn vẹn nguyên ký ức một thời hoa lửa, yêu đương tuổi trẻ. Ngày đó, ông được cha và các anh trong gia đình dẫn vào con đường cách mạng từ rất sớm. Vốn gan lì, chiến đấu dũng cảm, nên tướng Tư Bốn được công làm Trưởng Công an xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) khi mới 17 - 18 tuổi.

Trong vườn nhà, trung tướng Nguyễn Việt Thành thích nhất là nuôi cá. Bà Chín kể, chồng mình không tiếc cái gì, nhưng cá bé mà đã bắt thịt là ông giận.

Trong vườn nhà, trung tướng Nguyễn Việt Thành thích nhất là nuôi cá. Bà Chín kể, chồng mình không tiếc cái gì, nhưng cá bé mà đã bắt thịt là ông giận.

Nhắc lại chuyện cũ, ông tâm sự, trước khi gặp và cưới bà Phan Thị Chín, ông cũng cũng thương một người con gái khác. Bà tên Hoa, cũng là cùng xã Thanh Bình, bằng tuổi tướng Tư Bốn. Cha của bà Hoa là du kích, bản thân bà cũng là y sĩ. Chuyện tình cảm của tướng Tư Bốn với bà Hoa khi ấy đều đã tiến đến giai đoạn chín muồi. Cha tướng Tư Bốn, bận chuyện công tác, nên việc nhà đều giao cho vợ quán xuyến. Biết tâm tư của con trai, nên bà cũng qua gặp gia đình bên kia thưa chuyện, đặt trầu cau. Nếu không có biến cố, thì cuối năm 1967, họ sẽ tổ chức đám cưới.

Thế nhưng, tình duyên của tướng Tư Bốn với bà Hoa lỡ dở, chỉ trước ngày hôn lễ đúng 1 tháng. Một chuyện ngang trái đã xảy ra, đó là cha của bà Hoa lại bị chết vì đạn lạc trong một trận đánh do tướng Tư Bốn chỉ huy. "Lần ấy, có lệnh của cấp trên, du kích xã đi đánh bốt địch. Trong danh sách những người thực hiện nhiệm vụ có 18 người và không có tên cha của bà Hoa. Tuy nhiên, trong đêm chúng tôi đánh đồn, thì cha của cô ấy xuất hiện bất ngờ. Lúc thấy cha của Hoa tiến lại đồn, anh em hỏi ám hiệu, thì cha của bà Hoa trả lời sai và súng đã nổ sau đó", ông nhớ lại.

Cũng vì chuyện cha vợ tương lai là kẻ "hai mang" mà tướng Tư Bốn và bà Hoa không thể đến với nhau. Bản thân ông và người con gái ấy cũng rất đau khổ và hối tiếc. Sau đó, người lính trẻ mang theo vết thương lòng về đầu quân cho Tiểu đoàn 514 của Tỉnh đội Mỹ Tho. Cũng từ đây, cơ quyên đưa đưa ông gặp bà Chín ở đất Long Tiên.

Tấm hình được vợ chồng ông chụp cùng cách đây nhiều năm, cả hai cười tươi như hoa khi có người đòi kể lại chuyện ngày xưa yêu nhau ra làm sao

Về phía bà Chín, đường tình cũng lận đận không kém. Chị Năm, chị Bẩy, của bà Chín đều là cán bộ của Tỉnh đội Mỹ Tho. Theo lời kể của bà Chín, có lần chị Năm về chơi nhà có dẫn theo một người lính trẻ. Người này tên Khoa, quê ở Bắc Ninh, người hiền lành, dáng thư sinh, lại hát rất hay. Những lần ông Khoa lui lại nhà, giữa bà Chín và người đàn ông này đã có tình cảm với nhau. Nhưng rồi chiến trận, nhiệm vụ đã khiến cho cả hai xa cách. Họ cũng đã dự định làm đám cưới với nhau.

Tuy nhiên, gần ngày cưới thì giặc đi càn, nên kế hoạch phải hoãn lại. Mấy năm trời như thế cho đến một đêm, ông Khoa vượt sông về nhà thăm người thương. Lúc ấy, bà Chín mới biết, người yêu mình được lệnh đi thực hiện nhiệm vụ tại Campuchia. Sau câu nói: "Đất nước giải phóng, chúng mình sẽ cưới nhau. Anh sẽ đưa em về quê thăm mẹ", ông Khoa vội lên đường. Bà Chín nhìn theo bóng dáng người quân hành dần khuất xa.

Bà Chín ở lại, giữ lời thề hẹn ước. Nhưng chiến trường ác liệt, nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Ngày hẹn trở về ấy đã không đến, khi một chiều thu mưa tầm tã, bà Chín nhận được tin người lính trẻ hy sinh. Cái chết bất ngờ của ông Khoa khiến cho cô thôn nữ đau khổ suy sụp. Năm tháng trôi qua, bà Chín vẫn chưa vẫn chưa nguôi ngoai về mối tình dang dở. Trong lòng người con gái ấy vẫn giữ những kỷ niệm ngọt ngào về người lính trận. Đó cũng là lý do nhiều năm sau ngày ông Khoa hy sinh, bà Chín vẫn chưa mở lòng với người đàn ông khác. Chỉ cho đến khi bà gặp được tướng Tư Bốn, cảm xúc yêu thương tưởng như hóa lạnh lại ùa về.

Chuyện tình người lính

Xã Long Tiên, quê hương bà Chín có địa thế hiểm trở nên được chọn làm căn cứ kháng chiến trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Từ sau tết Mậu Thân 1968, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) dần bị "bình định trắng", dù vậy Tỉnh đội Mỹ Tho - cơ quan đầu não chỉ đạo cuộc kháng chiến của tỉnh đã không "tản cư" lên biên giới như nhiều nơi khác mà trụ lại tại địa phương.

Khi ấy, tướng Tư Bốn làm đại đội trưởng Đại đội vệ binh Tỉnh đội Mỹ Tho. Ông cũng chính là người đã lựa chọn Long Tiên làm cứ địa cách mạng. Tướng Tư Bốn và bà Chín gặp nhau lần đầu khi ông về cơ sở trên tìm hiểu địa hình, trước khi chuyển tỉnh đội vể đóng quân. Ông còn nhớ, đó là rằm tháng 10/1969, tướng Tư Bốn cũng với hai chiến sĩ khác về Long Tiên, Khi ấy gia đình cụ Hai chính là đầu mối thông tin liên lạc của cơ sở. Ông và bà Chín gặp, nhưng cũng chỉ cười, gật đầu chào nhau. Ban ngày ông lui vào rừng, bà Chín thì đi may đồ ở phố huyện. Như lời kể của tướng Tư Bốn, thì ông và đồng đội đã lưu lại nhà cụ Hai 8 đêm. Đêm nào cũng được cụ Hai mời ăn chè do con gái út (tức bà Chín) của cụ nấu. Ông Tư Bốn vốn thích ăn đồ ngọt nên đó cũng là ấn tượng sâu đậm nhất của ông về bà Chín lúc ấy.

Bà Chín kể, tướng Tư Bốn thích ăn đồ ngọt mà hồi yêu nhau ít khi thấy "dịu dàng"

Tháng 1/1970, Tỉnh đội Mỹ Tho chính thức được chuyển về Long Tiên. Từ đó, nơi đây liên tục bao vây càn quét và diễn ra những cuộc so găng quyết liệt giữa các đơn vị bảo vệ Tỉnh đội Mỹ Tho và quân đội Mỹ và Sài Gòn. Gia đình cụ Hai sống ở ngay "cái rốn" của bom đạn. Nhưng cụ Hai lại không đưa gia đình không đi tản cư ra Cai Lậy như nhiều gia đình khác.

Cụ dựng hai căn nhà, một ở vùng địch đóng quân, một ở trong vùng giải phóng. Khi tiếng súng yên, gia đình cụ sống trong vùng giải phóng. Khi giặc đi càn, họ lại chuyển ra vùng địch. Mục đích chính là của cụ bám địa bàn để phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Từ đó, việc qua lại giữa ông Tư Bốn với gia đình cụ Hai thường xuyên hơn. Đặc biệt, cụ Hai lại rất quý mến tướng Tư Bốn vì sự gan dạ ngoan cường và đánh trận giỏi. Ông Tư Bốn còn nhớ, mỗi lần cụ Hai có miếng ngon, đều kêu bà Chín qua gọi ông sang ăn cùng.

Như lời tâm sự của tướng Tư Bốn, khi ấy giữa ông với bà Chín khi ấy vấn chưa có tình ý với nhau ngoài việc ông cảm phục sự dũng cảm, kiên cường của người con gái này. Ông Tư Bốn cho biết, công việc khó khăn và nguy hiểm nhất mà bà Chín phải đảm nhận là đi chợ Cai Lậy để mua thuốc tây, thuốc sát trùng, dịch truyền, bông băng… để về chữa trị cho thương binh.

Đối phương ở chi khu Cai Lậy thừa biết chuyện người dân trong căn cứ Long Tiên ra chợ Cai Lậy mua thuốc tây về cứu chữa thương binh. Họ tổ chức đón lõng, kiểm tra, lùng bắt. Quanh các nhà thuốc ở Cai Lậy lúc đó luôn có mật vụ theo dõi người dân từ Long Tiên ra, nhiều người không may sa vào tay giặc, bị đánh đập, tra tấn, tù đày. Nhờ khéo léo, mưu trí, bà Chín đã không ít lần thoát hiểm.

Tướng Tư Bốn lúc về hưu

Có một điều mà ông Tứ Bốn không thể nào lý giải được, đó là ông bị "nghiện" món chè do bà Chín nấu. Từ khi đó, ông ăn chè của ai cũng thấy nhạt nhạt mồm nhạt miệng, không ngon bằng của con gái cụ Hai. "Có lẽ, tôi thương nhau cũng từ món chè đường có hương vị rất ngọt của bà ấy", ông tếu táo.

Những trận đánh liệt ở Long Tiên, tướng Tư Bốn đã 7 lần bị thương nặng. Chỉ có sự may mắn đã giúp ông sống sót. Và trong 1 lần giữa sự sống vào cái chết, người lính trẻ đã tìm được hạnh phúc của đời mình.

Tướng Tư Bốn còn nhớ, lần đó vào giữa năm 1971, Đại đội vệ binh bảo vệ Tỉnh đội Mỹ Tho của ông có trận chống càn khốc liệt, kéo dài, các chiến sĩ giải phóng chịu nhiều thương vong. Vào cuối cuộc chống càn, ông Tư bốn bị đạn bắn xuyên bắp chân. Ông được đưa về trạm cứu thương dã chiến. Thế nhưng, ngay sau khi ông được phẫu thuật xong thì trạm bị pháo bắn phá. Lúc này, ông cùng hai người lính bị thương khác, bò ra khỏi tuyến lửa. Ông tỉnh lại thì thấy đã nằm trong nhà cụ Hai.

Lúc đó, tướng Tư Bốn mới được nghe kể lại, khi thấy ngớt tiếng pháo, bà Chín cùng với mọi người đã vào căn cứ để cứu thương binh. Bà Chín, phát hiện ra ông nằm bên con mương nhỏ, rồi cõng đưa về nhà. Ông Tư Bốn nằm dưỡng thương tại nhà cụ Hai hơn 1 tháng. "Thời gian đó tôi được bà ấy trực tiếp chăm sóc. Chính những cử chỉ ân cần chăm sóc của bà ấy đã khiến cho tôi cảm động. Đó là chưa kể những lần vì tôi mà Chín gặp nguy hiểm, khi cất giấu thương binh trong nhà", ông Tư nhớ lại lần bà Chín đào một hầm nhỏ ở chuồng bò cho ông ẩn nấp.

Không chỉ có ông Tứ Bốn, mà bà Chín cũng thấy xốn xang lạ thường. Như lời tâm sự của bà thì, ngày đó, hoàn cảnh rất khó khắn thiếu thốn. "Lính bị thương thiếu thuốc kháng sinh, thuốc gây tê, nên chỉ dùng cồn để rửa vế thương, sau đó bôi mật ong rừng lên bên trên. Trong trường hợp tương tự nhiều thương binh đã từng kêu la rất dữ vì đau đớn, nhưng ông ấy chỉ cắn răn chịu đựng, không một tiếng rên la", bà Chín nhớ lại rung động lần đầu.

Từ đó, hai người hay trò chuyện tâm sự, tình cảm cứ thể nảy nở. Ông Tư Bốn còn nhớ, lần đó bị thương không hiểu sao ông lại thèm đường thỏi. Loại đường này chỉ có ở phố huyện, cách căn cứ cả 30km. Nhưng biết ông Tư Bốn thích ăn món này, thỉnh thoảng bà Chín lại vượt qua phòng tuyến của địch để đi mua về cho ông bằng được. Ông kể: "Khi vết thương lành, tôi vẫn nghiền món này. Thế nên đi đánh trận cũng dắt theo hai túi đường bên hông".

Ông Tư Bốn và bà Chín khi đó "trong lòng như đã mặt ngoài còn e". Bà Chín luôn đợi câu nói ngỏ lời trước của người lính trận, nhưng bà càng chờ đợi ông lại càng lặng thinh. Như lời tâm sự của tướng Tư Bốn, bản thân ông cũng hiểu hết nhưng tâm tư suy nghĩ của bà Chín. Ông cũng khổ sở lắm, khi không thể bày tỏ nỗi lòng của mình ra được. Bởi ông Tư Bốn lo sợ một điều, đó là nếu một ngày ông hy sinh, giống như ông Khoa ngày đó, thì cuộc sống của bà Chín sẽ ra sao. Để cho người mình yêu đau khổ, điều ấy với ông nó còn ghê gớm hơn cả cái chết...

(còn nữa)

Lê Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-hau-cung-it-biet-cua-tuong-nguyen-viet-thanh-2-yeu-co-thon-nu-vi-mieng-duong-thoi-giua-bom-dan-20200109175219757.htm