Chuyện hằng ngày ở Công an xã nơi biên giới

Để huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được bình yên, có công sức không nhỏ của những cán bộ Công an xã đang ngày đêm bám trụ địa bàn.

Tôi đến huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, vào một ngày cuối tháng 8-2020. Dù đang là cao điểm phối hợp với các đơn vị chức năng đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhưng Công an hai xã biên giới Lộc Thịnh và Lộc Thiện vẫn đảm bảo cắt cử cán bộ trực 24/24 giờ để giải quyết các loại thủ tục khi người dân yêu cầu.

1. 16 giờ chiều, trụ sở Công an xã Lộc Thịnh vắng ngắt, chỉ có một anh dân phòng ngồi trực. "Chiều nay có lịch họp với dân để kiểm điểm về hoạt động của mô hình Tổ phòng chống tội phạm tự quản nên Trung tá Nguyễn Thế Trang - Trưởng Công an xã cùng tất cả những anh em khác đã xuống ấp từ sớm. Anh Trang dặn nếu các nhà báo đến thì đưa xuống ấp cùng dự họp luôn", anh dân phòng nói rồi dẫn chúng tôi đi.

Trước khi nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Lộc Thịnh, Trung tá Trang từng có thời gian dài làm Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào của Công an huyện Lộc Ninh. Dù đã có thời gian gắn bó với cơ sở, nhưng khi trực tiếp nhận việc mới thấy công tác phong trào ít va chạm hơn, còn ở xã cứ như con mọn bởi ngoài giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tuần tra phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép… còn phải hòa giải tất cả những mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ giữa người dân với nhau.

Vì thế, sau khi nhận công việc mới, anh em quyết định khoác ba lô xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tham dự tất cả những buổi họp tổ dân, họp ấp, những lễ hội, thậm chí cả những đám giỗ, hiếu, hỷ để tìm hiểu phong tục, tập quán, tâm tư tình cảm của người dân ở từng dân tộc một.

 Ra mắt "Tổ phòng chống tội phạm tự quản".

Ra mắt "Tổ phòng chống tội phạm tự quản".

Đang dở câu chuyện thì một nam thanh niên xách một túi khệ nệ bước vào: "Anh Trang! Vợ chồng em mới thu hoạch sầu riêng nên mang ít trái lên gửi anh em ăn lấy thảo… Ăn liền chứ để mau hư lắm vì em không phun thuốc bảo quản…".

Trong câu chuyện với tôi, người thanh niên kể: "Em ở ấp Lộc Thịnh 4. Đầu năm vừa rồi, trong lúc chờ tòa xử ly hôn, vợ chồng em không thống nhất được chuyện phân chia tài sản. Ngày nào em và vợ cũng kiếm chuyện chửi, đánh nhau, thậm chí có lúc còn đòi giết nhau. Ấp, xã cũng nhiều lần cử đoàn xuống hòa giải nhưng chỉ được lúc họ có mặt, còn khi họ về thì hai đứa lại đâu vào đấy.

Anh Trang biết chuyện đã xuống tận nơi tìm hiểu mâu thuẫn giữa hai vợ chồng rồi phân tích cái đúng, cái sai của mỗi người. Anh Trang đã 6 lần kiên trì thuyết phục phân tích, nhờ vậy mà vợ chồng em đã hiểu ra, lên tòa án huyện Lộc Ninh rút lại đơn ly hôn để trở về sống bên nhau. Đến nay vợ em đang mang thai đứa con trai đầu lòng ở tháng thứ 7 rồi…

Cũng may có anh Trang chứ không em đâu có may mắn sắp được làm cha… Mà đâu phải mình vợ chồng em đâu, anh Trang còn giúp được mấy cặp vợ chồng khác hàn gắn hạnh phúc với nhau đó…".

2.Tại xã Lộc Thiện, đã qua giờ làm việc hành chính khá lâu, nhưng trụ sở Công an xã vẫn râm ran tiếng cười nói. Trung tá Phạm Thanh Thời - Trưởng Công an xã đang vừa dùng lời nói, vừa dùng cử động của đôi tay để hướng dẫn cho một người dân (sau đó tôi mới biết ông Khá, người dân tộc Tày) khai hồ sơ cho đứa con trai đầu lòng vào đại học năm thứ nhất.

Thấy tôi đến, Trung tá Thời bảo chờ 5-10 phút, nhưng vừa giải quyết xong phần việc cho ông Khá thì một người phụ nữ tay cầm cuốn sổ hộ khẩu hớt hải chạy vào xin xác nhận để cho con đi làm công nhân nhà máy. Đó là chị Thị Xiêng, người dân tộc S'tiêng.

Công an xã Lộc Thịnh lên đường tuần tra bảo đảm ANTT trên tuyến biên giới.

Trong câu chuyện với tôi, chị Thị Xiêng kể giữa năm 2019, đứa con gái đầu lòng xin được một chân làm công nhân trong khu công nghiệp dưới huyện Chơn Thành, nhưng hai vợ chồng đều không biết chữ, con thì nhút nhát và cũng vừa học xong phổ thông trung học nên chưa từng bao giờ biết đến cái giấy khai cha mẹ, họ hàng là gì (sơ yếu lý lịch).

"Đang bối rối thì gặp được anh Thời, lúc đó đang chạy xuống ấp họp nên mình đánh liều gọi giật ngang lại hỏi. Biết mình không biết chữ, cũng không biết khai giấy, anh chở tôi lên xã, lấy hai tấm giấy vừa hỏi tên cha mẹ chồng tôi, cha mẹ tôi, còn tên vợ chồng và các con tôi thì anh lật sổ hộ khẩu xem rồi ghi vào.

Viết xong, anh ký tên, đóng dấu, giao lại cho tôi rồi chạy ngay xuống ấp họp khi tôi chưa kịp nói lời cảm ơn. Tôi mang chuyện anh Thời nhiệt tình giúp đỡ về kể cho những người trong ấp nghe, nhiều người còn không tin.

Đến khi họ có việc phải khai giấy, được giúp làm nhanh, họ mới thấy tôi nói đúng. Bây giờ không phải chỉ ấp tôi đâu, mà cả cái xã này, ai cũng biết điều đó. Ban ngày chỉ cần chờ một tí là có giấy ngay, ban đêm thì nhờ mấy chú Công an trực ở xã viết giúp và sáng hôm sau chạy ra nhận giấy là có liền…", chị Thị Xiêng vui vẻ nói.

3.Trung tá Phạm Thanh Thời cho biết, khi còn làm Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Lộc Ninh, anh nắm được địa bàn xã biên giới này khá phức tạp về an ninh trật tự nên khi về nhận công tác, ngoài tinh gọn thủ tục hành chính, anh cùng anh em trong đơn vị lập tức đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm.

Việc đầu tiên là xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân để khơi lại hoạt động của những mô hình phòng chống tội phạm như "Tuyên truyền lưu động", "Tiếng kẻng an ninh", "Cổng barie", "Tổ xung kích", "Ổ khóa chống trộm", "Xóm đạo bình yên", "Giáo xứ bình yên"…

Ngoài ra còn nghiên cứu xây dựng thêm mô hình "Phòng chống tội phạm tự quản" (người dân tự phòng, tự quản lý, tự bảo vệ an ninh trật tự). Anh em Công an xã hướng dẫn cách thức phát hiện, xử lý ban đầu khi phát hiện tội phạm hoặc đối tượng nghi vấn và khi thuần thục thì giao lại cho chính bà con tự vận hành.

Một buổi tuyên truyền pháp luật của Công an xã Lộc Thiện.

Những ngày ở xã, Trung tá Phạm Thanh Thời được tin báo người dân thường bị mất mô tơ bơm nước, máy cắt cỏ, lưỡi cày xới, dao cạo mủ cao su, máy phun thuốc trừ sâu… Tuy nhiên họ thường đi cao mủ cao su từ 1-8 giờ sáng, sau đó về ngủ bù đến tối rồi tiếp tục đi làm nên khi phát hiện bị mất thì tặc lưỡi cho qua chứ rất ít khi trình báo với Công an xã.

Mặc dù không phải loại tài sản có giá trị lớn, nhưng không thể để nạn trộm cắp vặt gây mất an ninh địa bàn, Trung tá Thời quyết định âm thầm thâm nhập để tìm phương án ngăn chặn. Sau hơn một tuần dọc, ngang khắp khu vực cùng trên 8km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, anh phát hiện có một số người ở bên kia biên giới thường tìm mua các loại mô tơ điện, máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ… đã qua sử dụng.

Nhận định khả năng các đối tượng này đã móc nối với nhau để hình thành đường dây trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Trung tá Thời đã huy động các "tổ phòng chống tội phạm" cùng Công an xã bịt chặt các đường mòn, lối mở là nơi người dân hai bên thường qua lại trao đổi hàng hóa.

Trong thời gian này, các anh cũng bí mật tuần tra mở rộng sang địa bàn các xã khác và đến ngày 7-5-2020 thì phát hiện Nguyễn Văn Quí, SN 1999, ngụ ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn đang cất giấu hai mô tơ điện nhưng không chứng minh được nguồn gốc, xuất sứ.

Khi được đưa về trụ sở Công an làm việc, Quí khai nhận thường xuyên mua các loại máy móc, thiết bị của một đối tượng trộm cắp tên Phạm Chí Đệ, SN 1999, ngụ cùng ấp để mang sang bên kia biên giới bán kiếm lời. Ngoài ra Quí còn khai đã cùng với Nguyễn Duy Nhân, SN 2001 tại tỉnh Bình Dương (tạm trú huyện Lộc Ninh) thực hiện 7 vụ trộm cắp các loại mô tơ, máy móc, thiết bị khác trên địa bàn.

Công an xã Lộc Thiện giúp dân khai hồ sơ xin việc làm.

Tại xã Lộc Thịnh, các mô hình phòng chống tội phạm cũng phát huy hiệu quả. Theo Trung tá Nguyễn Thế Trang, tháng 6-2020, nhận tin báo của bảo vệ trại heo ở ấp Lộc Thịnh 2 về việc công nhân của đơn vị này liên tục bị mất điện thoại di động trong thời gian nghỉ tại phòng tập thể dẫn đến tình trạng nghi kỵ lẫn nhau làm mất đoàn kết nội bộ.

Một tổ công tác do Trung tá Trang trực tiếp chỉ huy lập tức vào cuộc và nhanh chóng phát hiện một nam thanh niên đang tìm cách thoát ra cửa sau một nhà nghỉ ở gần hiện trường nên tổ công tác lập tức chặn lại để kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, phát hiện bên trong va ly đựng tư trang của đối tượng này cất giấu 3 điện thoại, đặc biệt trên trần phòng nghỉ còn cất giấu 11 điện thoại di động đắt tiền khác.

Tại cơ quan Công an, đối tượng khai tên Trần Văn Khởi, SN 1982, trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Theo lời khai của Khởi, trước khi thực hiện hàng loạt vụ trộm trong trại heo ở ấp Lộc Thịnh 2, Khởi còn thực hiện nhiều vụ trộm điện thoại khác của công nhân trong một số trại heo ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Tôi rời xã biên giới khi màn đêm đã buông xuống. Chia tay tôi, anh em lại lên đường tuần tra. Đi trên con đường nằm giữa bạt ngàn rừng cao su, tôi mới hiểu để mảnh đất biên giới này được bình yên, có công sức không nhỏ của những cán bộ Công an xã đang ngày đêm bám trụ địa bàn.

Đức Cương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/chuyen-hang-ngay-o-cong-an-xa-noi-bien-gioi-611784/