Chuyện hai làng Vọng ở đôi bờ Như Nguyệt

Sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) đã từng là phòng tuyến lập nên chiến thắng lừng lẫy của quân dân Đại Việt, đánh thắng 10 vạn quân Tống, khẳng định chủ quyền 'Nam quốc sơn hà, Nam đế cư'(Sông núi nước Nam, vua Nam ở).

Gắn với dòng sông lịch sử là mối lương duyên của đôi trai tài gái sắc, khởi nguồn về câu chuyện hai làng Vọng ở đôi bờ Như Nguyệt.

Làng cổ Vọng Nguyệt và những cảnh đẹp mơ màng của làng quê Kinh Bắc.

Ở tuổi niên thiếu, tôi đã được nghe các cụ cao niên làng Vọng Nguyệt kể về câu chuyện dã sử lưu truyền trong dân gian. Gần đây, trong cuộc trò chuyện với ông Hồng Trạch - Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Phong, người được Đại tá Chu Văn Bút năm nay 94 tuổi, là một bậc túc nho làng Vọng Nguyệt kể lại làm sáng tỏ thêm nhiều chi tiết về một biểu tượng tâm linh của văn hóa truyền thống.

Chuyện kể rằng, thời vua Lý Huệ Tông, nước ta được chia làm 24 lộ. Để tiện bề quản lý, Nhà vua cắt cử người tin cậy đến cai quản từng vùng. Vùng đất làng Vọng Nguyệt xưa thuộc một trong 24 lộ, được gọi là Ngọt Nhì dưới quyền cai quản của công chúa Lý Nguyệt Sinh. Tuy là phận nữ nhi, xinh đẹp hơn người nhưng Nguyệt Sinh lại có tính tình mạnh mẽ, tinh thông võ thuật, sử dụng được cả kiếm cung. Đặc biệt, công chúa còn là người vị tha, thương dân, yêu nước, đã xin với vua cha giải thoát cho hàng trăm cung nữ thoát khỏi sự giam cầm của thân phận tỳ thiếp, về với cuộc sống yên ấm nơi đồng quê.

Trong làng có một chàng trai trẻ tên Chu Đình Dự xuất thân là một người nông dân áo vải, văn võ song toàn, tài hoa xuất chúng và là một thợ rèn nổi tiếng trong vùng. Công chúa thầm yêu, trộm nhớ nhưng do chênh lệch về gia thế, phép nước lại nghiêm nên chuyện tình duyên của họ không được thuận buồm, xuôi gió, phải chờ xin ý kiến vua cha. Công chúa Lý Nguyệt Sinh lấy cớ muốn có một thanh kiếm tốt mang về kinh dự hội thi võ nên nhờ Chu Đình Dự làm giúp mình. Khi triều đình mở cuộc thi, kỳ lạ thay, trong muôn vàn binh khí, thanh kiếm của chàng thợ rèn làng Vọng Nguyệt đều đánh gãy tất cả những binh khí khác. Vua lấy làm lạ bèn hỏi nguyên do và tên người thợ rèn ra thanh kiếm. Nguyệt Sinh công chúa liền thưa lại với vua cha về mối tình của nàng với người làm ra thanh kiếm này. Vua Huệ Tông nghe xong, cảm động liền phá lệ cho phép Công chúa kết hôn với chàng trai nghèo làng Vọng Nguyệt. Sau khi kết hôn, nàng giúp chồng thu xếp việc làm ăn ngày càng phát đạt. Chu Đình Dự và Công chúa Lý Nguyệt Sinh được dân gian tôn là ông bà Đại Xã Trưởng nghề rèn đúc sắt.

Tơ tằm Vọng Nguyệt nức tiếng nghề cổ xưa.

Sau khi Lý Chiêu Hoàng trao ngôi vị về tay nhà Trần, hai vợ chồng Công chúa Lý Nguyệt Sinh dấy binh chống lại. Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (tức đời vua Trần Thái Tông), Công chúa cất quân báo thù (*). Trong trận giao chiến tại khu vườn Cau xứ thuộc trấn Thái Nguyên, Công chúa thất cơ, tử trận. Sinh phần được quàn trong một khúc gỗ thả xuống dòng sông Như Nguyệt. Khúc gỗ trôi xuôi dòng về đến bãi ngoài đê thuộc địa phận thôn Mai Thượng (nay thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Dân trong vùng vớt Sinh phần Công chúa lên chôn, ít ngày sau, tại mộ phần mọc lên một cây chuối lạ, nhiều người đem dao kiếm đến chặt đi nhưng không ai chặt đứt cây chuối. Linh ứng báo mộng cho hương lão làng Vọng Nguyệt dùng thanh kiếm của chàng thợ rèn Chu Đình Dự ra chặt cây chuối mới đứt. Lạ thay, từ cây chuối phun ra một thứ nước đỏ như máu, nước phun đến đâu dân làng Vọng được hưởng phần đất đó. Để ghi nhớ công ơn của Công chúa Lý Nguyệt Sinh, dân làng Vọng Nguyệt lập miếu thờ tại phần mộ, người đầu tiên hưng công xây dựng là hương lão Chu Đình Nho. Dân làng Vọng Nguyệt cử người sang đó sinh sống, trông coi phần đất và chăm lo việc thờ cúng. Từ sự kiện này, dân làng Vọng Nguyệt và Vọng Giang đều lập đền thờ Nguyệt Sinh công chúa và tôn làm phúc thần đại vương. Đến năm 1915, vua Duy Tân (nhà Nguyễn) mới chính thức thành lập làng Vọng Giang.

Đền Vọng Nguyệt tọa lạc ngay ven đê bờ Nam sông Như Nguyệt. Tại đây hiện lưu giữ 36 đạo sắc phong do các đời vua Lê và Nguyễn ban tặng cho 2 vị được thờ là Nguyệt Sinh Trưởng công chúa và Phò mã thượng hầu Chu Đình Dự, đạo có niên đại sớm nhất vào năm 1693, đạo muộn nhất vào năm 1924; có 2 tấm bia đá dựng khắc từ năm 1642, có ngai thờ bài vị… là những di sản văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc. Tại đền còn lưu giữ hai chiếc kiệu và hai con ngựa gỗ đứng trên khung có bánh xe, thường được rước trong ngày hội làng, biểu tượng về Công chúa Lý Nguyệt Sinh và Phò mã Chu Đình Dự trong đời sống tâm linh của dân làng.

Nhiều năm sau, tại khu đất vườn Nương nơi đặt miếu thờ Nguyệt Sinh Công chúa được xây dựng thành lăng mộ, cuốn mái vòm bằng đá ong. Những năm qua, khu lăng mộ được nhân dân hai làng Vọng Nguyệt, Vọng Giang quan tâm tu sửa khang trang. Tại lăng mộ còn lưu giữ hai cặp câu đối khẳng định mộ phần của Công chúa được trời đất phù hộ đặt tại nơi đất thiêng thuộc làng Tiểu Mai, nghĩa liệt của người để lại tiếng thơm cho muôn đời mai sau. Làng Vọng Giang còn có ngôi chùa Bà Lai thờ công chúa Lý Nguyệt Sinh được khởi dựng từ năm 1668.

Hằng năm, vào ngày 8 tháng 6 âm lịch là ngày sự lệ chính, nhân dân hai làng Vọng Nguyệt, Vọng Giang đều tổ chức cúng tế tại khu lăng mộ, ôn lại lịch sử, sự tích, tôn vinh công đức của Công chúa Lý Nguyệt Sinh; giáo dục cháu con tiếp nối truyền thống, gìn giữ phong tục và nét đẹp văn hóa của vùng đất cổ bên dòng sông Cầu.

Vọng Nguyệt và Vọng Giang tuy là hai làng thuộc hai huyện, hai tỉnh khác nhau nhưng người hai làng đều có họ hàng thân thích với nhau. Vọng Nguyệt có 3 họ lớn là họ Ngô, họ Chu và họ Nguyễn thì Vọng Giang cũng có 3 họ đó. Ngày giỗ tổ họ hằng năm, người làng Vọng Giang vẫn về dự ngày giỗ tổ ở làng Vọng Nguyệt. Trong xã hội phong kiến, con trai, con gái thường ít người lấy vợ hoặc lấy chồng thiên hạ, nhưng người Vọng Nguyệt và người Vọng Giang quan niệm vẫn là người cùng làng nên qua nhiều thế hệ đều có mối lương duyên giữa trai gái hai làng. Khi tôi lên 10 - 11 tuổi, sau một bữa cơm tối thân mật trong gia đình, thầy tôi (ở quê tôi xưa kia gọi bố mẹ là thầy, u) nhìn tôi trìu mến hỏi: “Sau này lớn lên con thích lấy ai?”. Tôi buột miệng: “Con thích cô M. bên Vọng Giang”. Thầy tôi trừng mắt: “Không được, cô M. là người cùng họ Ngô nhà mình”. Từ đấy tôi hiểu con trai, con gái trong làng hoặc ở hai làng Vọng Nguyệt và Vọng Giang nếu cùng họ thì không được lấy nhau.

Năm 1963, tôi công tác ở huyện Yên Phong, được đọc bài thơ của ông Hồng Trạch lúc đó là giáo viên Trường cấp I+II xã Phong Khê, đăng trên báo Bắc Ninh số Tết Quý Mão viết về nghĩa tình giữa hai làng Vọng Nguyệt và làng Vọng Giang. Trong cuộc trò chuyện gần đây, tôi nhắc đến bài thơ này. Ông phấn chấn và rất vui mừng, biết tôi là độc giả vẫn nhớ đến đứa con sáng tác đầu tiên trong đời thơ của ông. Ông chậm rãi đọc từng câu chữ:

“Hai làng, hai tỉnh cách ngăn sông

Nhưng vẫn dùng chung nước một dòng

Tình cảm hai làng, đò một bến.

Cấy cầy hai vụ, một cánh đồng.

Hai làng, hai tỉnh giờ là một

Như nước sông xưa chảy chung dòng

Bên này Vọng Nguyệt “

Giành ba thắng” (**)

Bên ấy Vọng Giang cũng một lòng.

………..”

Tôi khâm phục trí nhớ kỳ lạ và sự minh mẫn của một cây bút ở khoảng giữa tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn đọc thuộc lòng đứa con tinh thần chào đời từ 54 năm trước!

-------------

(*) Có tư liệu cho rằng: Công chúa Lý Nguyệt Sinh và Phò mã Chu Đình Dự tham gia vào cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077 là không thuyết phục vì theo văn bia Bản thần bi ký, di văn của Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, khắc năm Dương Hòa 8 (1642), hiện lưu giữ tại đền làng Vọng Nguyệt thì Nguyệt Sinh công chúa tử trận năm 1226, còn kháng chiến chống Tống diễn ra vào năm 1077, cách nhau 149 năm.

(**) Bài thơ sáng tác sau khi Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Chiến dịch “Đông xuân giành 3 thắng” chào mừng sự kiện lịch sử này.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chuyen-hai-lang-vong-o-doi-bo-nhu-nguyet-n145345.html