Chuyển giao 'rồng lửa' S-300 cho Syria, không khéo Nga sẽ tự bắn vào chân mình?

Với kỹ năng tác chiến còn 'non tay', khi có trong tay hệ thống phòng không S-300 Nga chuyển giao, liệu phòng không Syria có hết phạm sai lầm?

Việc Nga quyết định chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria là điều được dự báo trước, tuy nhiên việc chuyển giao hệ thống phòng không cực nguy hiểm này cho Syria cũng không khỏi khiến Nga lo lắng.

Với kỹ năng tác chiến còn "non tay", khi có trong tay hệ thống phòng không S-300 Nga chuyển giao, liệu phòng không Syria có tiếp tục phạm sai lầm?

Không phải đến khi bắn nhầm vào chiếc máy bay trinh sát khổng lồ IL-20 khiến 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng mới làm phòng không Syria tai tiếng, thực tế trước đó họ đã nhiều lần phạm lỗi.

Trong số đó đáng kể nhất là vào tháng 4 khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công vào Syria. Dù đợt tấn công đã kết thúc từ 2 tiếng trước đó nhưng phòng không Syria vẫn tiếp tục bắn vào không trung.

Giới quan sát nhận định, chính các máy bay tác chiến điện tử của Mỹ đã khiến phòng không Syria bắn loạn xạ dù chả có mục tiêu bay nào.

Lần thứ 2 chỉ vài tháng sau đó, phòng không Syria lại bắn hàng chục quả tên lửa đắt giá cũng vào hư không dù không có bất cứ cuộc tấn công nào từ bên ngoài.

Lần "phí đạn" này được giới quan sát nhận định hệ thống phòng thủ Syria lại bị Israel tác chiến điện tử.

Các hệ thống phòng không tầm thấp của Syria được coi là sát thủ như Pantsir-S1 cũng bị máy bay không người lái của Israel phá hủy dù loại máy bay này có tốc độ bay rất chậm.

Việc các máy bay F-16 của Israel quần vòng và đưa chiếc Il-20 vào tầm ngắm mục tiêu đi chăng nữa, nhưng nếu kỹ năng tác chiến phòng không Syria đủ mạnh cũng sẽ không gây ra cuộc bắn nhầm đáng tiếc này.

Vì vậy một số nhà quan sát cho rằng, nếu chuyển giao hệ thống S-300 cho Syria, Nga phải đào tạo thật kỹ nhân lực sử dụng nếu như họ không muốn tự bắn vào chân mình.

Biết đâu những sự cố đáng tiếc tương tự sẽ lại diễn ra, trong khi khả năng tác chiến của S-300 rõ ràng hơn hẳn S-200.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất. Đây cũng là hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 phổ biến nhất thế giới. Tầm đánh chặn mục tiêu của hệ thống này lên tới 150km.

Giới chuyên gia đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa được mệnh danh "Rồng lửa" S-300 có nhiều tính năng vượt trội so với các đối thủ cùng loại và là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chuyen-giao-rong-lua-s300-cho-syria-khong-kheo-nga-se-tu-ban-vao-chan-minh/784105.antd