'Chuyển giao quyền lực' ở Mỹ sẽ diễn ra theo quy trình nào?

Quá trình chuyển giao quyền lực Tổng thống năm nay ở Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc công bố kết quả bầu cử chính thức và Tổng thống Donald Trump không sẵn sàng thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử mà ông cho là có 'gian lận'.

Bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: CNN.

Bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, ngày 23/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tán thành động thái của Cơ quan Dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) trong việc chính thức bắt đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực Tổng thống để ông Joe Biden có khả năng tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Tổng thống Trump có dòng tweet, vì lợi ích trên hết của quốc gia, ông đã "khuyến nghị" Chủ tịch GSA Emily Murphy và nhóm của cô ấy nên “làm những gì cần làm liên quan đến các giao thức ban đầu” và đã yêu cầu nhóm của ông cũng làm như vậy.

Chuyển giao quyền lực Tổng thống là gì?

Thuật ngữ "chuyển đổi" liên quan đến thời gian giữa Ngày bầu cử và Lễ nhậm chức của ứng cử viên Tổng thống thắng cử, một quá trình được thực hiện bởi nhóm chuyển đổi phi lợi nhuận của Tổng thống đắc cử, có nhân sự và ngân sách riêng.

Quá trình chuyển đổi diễn ra khi nào?

Quá trình này được quy định theo Luật Chuyển giao Tổng thống năm 1963 và các Luật sửa đổi, quá trình chuyển đổi sẽ bắt đầu khi kết quả của cuộc bầu cử được chính thức xác nhận.

Phần 1 của tài liệu chỉ ra rằng, Luật nhằm "thúc đẩy sự chuyển giao có trật tự của quyền hành pháp liên quan đến việc kết thúc nhiệm kỳ của một Tổng thống và lễ nhậm chức của một Tổng thống mới".

Quá trình chuyển đổi bắt đầu sau khi người chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống được "xác nhận" bởi GSA, một cơ quan Chính phủ có trụ sở tại Washington chịu trách nhiệm quản lý tài sản liên bang và hỗ trợ hoạt động cơ bản của các cơ quan liên bang.

Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden ôm vợ Jill Biden khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng bên cạnh Đệ nhất phu nhân Melania Trump trong cuộc tranh luận Tổng thống cuối cùng tại Trung tâm Sự kiện Curb thuộc Đại học Belmont ở Nashville, Tennessee, Mỹ, ngày 22/10/2020. Ảnh: Reuters.

Tổng thống được bầu có trách nhiệm gì trong quá trình chuyển đổi?

Trong quá trình chuyển đổi, một Tổng thống đắc cử thường có nhiệm vụ lựa chọn nhân sự Nhà Trắng của mình, cũng như những người sẽ tiếp quản các chức vụ quan trọng trong Chính phủ.

Nhìn chung, một Tổng thống đắc cử phải bổ nhiệm khoảng 4.000 nhân sự, trong đó có 1.200 chức danh cần Thượng viện Mỹ phê chuẩn, sau đó là Quốc hội Mỹ.

Khi nào thì quá trình chuyển đổi kết thúc?

Quá trình chuyển đổi thường kéo dài từ Ngày bầu cử vào đầu tháng 11 đến Lễ nhậm chức, được lên lịch theo hiến pháp vào ngày 20/1. Tuy nhiên, quá trình kéo dài 11 tuần có thể được kéo dài nếu kết quả bầu cử không được biết ngay lập tức, như tình huống đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay (2020).

Quá trình chuyển đổi năm 2020 trở nên phức tạp do đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn cưỡng nhượng bộ thất bại trước ông Joe Biden, người được các hãng truyền thông lớn của Mỹ dự đoán là người chiến thắng chỉ vài ngày sau Ngày bầu cử (3/11), mặc dù công tác kiểm phiếu vẫn đang được tiến hành.

Trước việc ông Biden đã công bố một số lựa chọn vị trí quan trọng trong Nội các, ngày 23/11, Tổng thống Trump cho biết, nhóm pháp lý của ông vẫn đang theo đuổi nhiều vụ kiện để chứng minh rằng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay là "cuộc bầu cử thiếu minh bạch nhất trong lịch sử chính trị Mỹ" và rằng ông sẽ "không bao giờ nhượng bộ cho việc làm giả phiếu bầu”.

Điều này diễn ra trước khi nhóm chuyển tiếp của ông Biden hoan nghênh quyết định của GSA, công nhận ứng cử viên Đảng Dân chủ là "người chiến thắng rõ ràng" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và coi động thái này là một bước đi cần tiết để bắt đầu giải quyết những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt.

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-giao-quyen-luc-o-my-se-dien-ra-theo-quy-trinh-nao-524753.html