Chuyển giao dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nội từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội

Về việc chuyển giao dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nội từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2865/BXD-KHTC gửi Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Để triển khai Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2003 tại Quyết định số 181/CP-KG ngày 21/02/2003 với quy mô gồm 13 dự án thành phần, tổng mức đầu tư là 7.230,8 tỷ đồng, phục vụ đào tạo khoảng 41.000 sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập 5 Ban quản lý dự án để triển khai thực hiện đầu tư các dự án thành phần.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, phía Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành một số công tác như: Dò tìm xử lý bom mìn vật nổ; đo đạc bản đồ địa chính và địa hình khu vực quy hoạch dự án 1000 ha, khu tái định cư; triển khai điều chỉnh quy hoạch chung; lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 04 dự án hoàn thành; hoàn thành công tác lập nhiệm vụ QHCT 1/500 của 03 dự án thành phần; lập phê duyệt đồ án QHCT 1/2000 và 1/500 của 07 dự án thành phần.

Thực hiện, triển khai thi công 3 công trình nhà ở Ký túc xá D2, D3, D5 và công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật nội khu Ký túc xá số 4 thuộc dự án QG-HN05, thi công xây lắp công trình Nhà công vụ số 1. Khi chuyển chủ đầu tư sang Bộ Xây dựng, các công trình, hạng mục công trình trên được bàn giao trong tình trạng chưa hoàn thành.

Giai đoạn Bộ Xây dựng làm Chủ đầu tư (từ 9/2008 đến nay), thực hiện Quyết định số 1404/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Biên bản chuyển Chủ đầu tư trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng dự án; đồng thời khẩn trương rà soát tổng thể dự án, tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Theo yêu cầu của Đại học Quốc gia Hà Nội về định hướng phát triển mới đến năm 2020, tầm nhìn 2050; theo đó quy mô đào tạo tăng lên; số trường thành viên thay đổi nhiều so với thời điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (năm 2003); Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chung 1/2000 cho phù hợp và lập Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (Sau đây gọi tắt là Đề án). Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 18/10/2013), làm cơ sở để triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư cũng như các dự án thành phần. Theo đó, các chỉ tiêu đầu tư tăng lên so với quyết định phê duyệt năm 2003, cụ thể: quy mô đào tạo nâng từ 41.000 sinh viên lên 60.000 sinh viên, số lượng dự án thành phần tăng lên từ 13 dự án lên 21 dự án, bổ sung thêm trường Đại học Việt Nhật.

Song song với việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý nói trên; các công việc của dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc giai đoạn trước, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc trên cơ sở tổ chức lại 5 Ban quản lý dự án của Đại học Quốc gia và giao nhiệm vụ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện.

Mặc dù nỗ lực triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án theo đúng quy định của pháp luật và thúc đẩy các công việc;tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án triển khai còn chậm so với Đề án được duyệt là chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng vàDự án tái định cư; Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật chung giai đoạn I, Dự án ĐTXD Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (QG-HN04), Dự án ĐTXD trường Đại học Khoa học Tự nhiên (QG-HN07)...

Một số nguyên nhân triển khai thực hiện chậm là do quy mô, mục tiêu dự án thay đổi rất nhiều so với ban đầu (từ 41.000 sinh viên lên 60.000 sinh viên), vì vậy Bộ Xây dựng phải điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các dự án thành phần trên cơ sở kế thừa các dự án thành phần đã được phê duyệt trước đây (Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt 4 dự án thành phần).

Hai là, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp do lịch sử để lại, hồ sơ giấy tờ không đầy đủ, rất nhiều trường hợp không giải quyết được.Do tỉnh Hà Tây sáp nhập với thành phố Hà Nội nên các cơ chế chính sách áp dụng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thay đổi, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 3288/KL-TTCP ngày 31/12/2009, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà nội tại Hòa Lạc và Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất phải tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, kiện toàn hoàn thiện thủ tục pháp lý để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.

Ba là, thiếu vốn để triển khai thực hiện dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai các dự án trong giai đoạn I theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 18/10/2013. Tuy nhiên, hiện nay do ngân sách nhà nước rất khó khăn nên không thể cân đối bố trí đủ vốn để thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân chủ quan đó là công tác tổ chức nhân sự của Ban quản lý dự án sau khi chuyển chủ đầu tư về Bộ Xây dựng có nhiều bất cập và phức tạp mất niều thời gian do việc thành lập Ban quản lý dự án trên cơ sở sắp xếp lại từ 5 Ban Quản lý dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển sang Bộ Xây dựng; Đại học Quốc gia Hà Nội thường xuyên góp ý vềcông năng sử dụng của một số dự án thành phần (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Việt Nhật...).

Về việc chuyển giao dự án ĐTXD Đại học Quốc gia Hà Nôi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 464/TB-VPCP ngày 05/10/2017, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn thiện các thủ tục bàn giao nguyên trạng, trình cấp có thẩm quyền quyết định việcchuyển giao Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao đổi và xây dựng kế hoạch chuyển giao theo các nội dung sau:

Về nguyên tắc chung: Việc chuyển giao Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo việc chuyển giao nguyên trạng Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (bao gồm cả Tổ chức và nhân sự của Ban quản lý dự án); Việc chuyển giao không làm ảnh hưởng đến các công việc đang được triển khai theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện dự án đầu tư.

Việc bàn giao phải thực hiện toàn diện, đầy đủ, rõ ràng và cụ thể, nhanh chóng. Kế hoạch và tiến độ thực hiện: Để có cơ sở bàn giao dự án ngay sau khi có quyết định chuyển giao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch chuyển giao Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuyết Hạnh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/chuyen-giao-du-an-dtxd-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-tu-bo-xay-dung-sang-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi.html