Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI: Sự thật không như kỳ vọng

Một trong những kỳ vọng lớn nhất từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là sự chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nội lực về công nghệ của đất nước. Song, sau 30 năm dòng vốn này chảy vào Việt Nam, mục tiêu đề ra vẫn chưa được như mong đợi.

Ảnh: Kinh Luân.

Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI ngày càng giảm

Tại một hội thảo gần đây về thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Thế Phương cho rằng khu vực FDI đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư, xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách của đất nước... Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu là lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam chưa cao. Doanh nghiệp FDI cũng chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý chưa được như kỳ vọng...

Nhận định của Thứ trưởng Phương là có cơ sở. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (2016), hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam ở mức rất thấp và có xu hướng ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí này; nhưng đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc sau năm năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước trong khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Campuchia thứ 44.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quy trình chuyển giao công nghệ của thế giới gồm bốn bước: đại lý phân phối; lắp ráp gia công; sản xuất theo giấy phép của công ty mẹ; mua công nghệ và tự sản xuất, tự nghiên cứu công nghệ. Sau 30 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam mới đang loay hoay ở giai đoạn 2 (lắp ráp gia công). Một số ít công ty đã leo lên được bước ba là sản xuất theo giấy phép của công ty mẹ.

“Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội vài chục năm qua khi cả tin vào sự chủ động chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI”, ông Phong nói, đồng thời cảnh báo về một giai đoạn khó khăn sắp tới khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi đó, việc buộc các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ thông qua ưu đãi sẽ không còn nữa.

Không có chuyện doanh nghiệp FDI “tự nguyện”

Ông Nguyễn Thanh Cường, từ Công ty Goldsun Packaging, nhà cung cấp cấp 1 của Samsung Electronics, khẳng định không có chuyện các doanh nghiệp FDI “tự nguyện” chuyển giao công nghệ mà doanh nghiệp nội địa - doanh nghiệp trong nước phải chủ động tìm kiếm hoặc mua từ bên thứ ba.

Chia sẻ kinh nghiệm sau tám năm hợp tác, cung cấp sản phẩm in ấn, bao bì cho Samsung, ông Cường cho hay, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng hệ thống quy trình thật đảm bảo như quy trình về nhân sự, quản lý sản xuất, chất lượng và đặc biệt phải có dự trù ngân sách cho vấn đề đào tạo trong tương lai.

Doanh nghiệp trong nước cần chủ động thông tin chính xác về năng lực của mình cho doanh nghiệp FDI. “Anh làm được gì, công nghệ gì, quy mô ra sao, sản phẩm dịch vụ thế nào? Hồ sơ này sẽ giúp doanh nghiệp FDI khi họ muốn hợp tác với doanh nghiệp trong nước”, ông Cường nói.

Doanh nghiệp trong nước cũng phải nỗ lực nâng cao năng lực bản thân. Để làm được điều này, đòi hỏi họ phải làm đồng bộ tất cả các khâu: máy móc, công nghệ, năng lực của đội ngũ lao động. Khi đó, các doanh nghiệp FDI sẽ tìm đến doanh nghiệp trong nước để đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn của họ.

Những gì ông Cường chia sẻ cũng trùng hợp với những nghiên cứu mà bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thực hiện trong nhiều năm qua.

Theo bà Tuệ Anh, khu vực doanh nghiệp FDI có tác động lan tỏa tới nền kinh tế Việt Nam nhưng chủ yếu trong liên kết xuôi (tức các doanh nghiệp FDI bán thiết bị đầu vào cho doanh nghiệp trong nước). Còn đối với liên kết ngược (tức doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp FDI) thì chỉ có tác dụng trong các công ty liên doanh.

Liên kết ngược chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp còn lại (không phải doanh nghiệp liên doanh) khi doanh nghiệp có đủ năng lực về công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhưng hiện nay, năng lực về đổi mới, cải tiến của khu vực doanh nghiệp trong nước rất thấp. Trên 70% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ không thực hiện bất cứ cải tiến hay R&D nào cả. Những doanh nghiệp còn lại có cải tiến nhưng tỷ lệ rất thấp.

“Điều này nói lên điểm rất hạn chế là năng lực doanh nghiệp trong nước còn yếu để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất khu vực FDI”, bà Tuệ Anh nói.

Một trong những hạn chế khác của doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề ký kết hợp đồng. Với hợp đồng dài hạn thì khả năng liên kết sản xuất và chuyển giao công nghệ cao hơn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp trong nước, phần lớn họ chỉ có năng lực ký hợp đồng ngắn hạn.

Làm sao để chuyển giao công nghệ hiệu quả?

Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết hiện nay có 14 dự án FDI, trong đó có hai dự án liên doanh liên kết đang hoạt động tại khu công nghệ cao này. Theo quan sát của ông, dự án liên doanh thường có hiệu quả về chuyển giao công nghệ cao hơn so với các dự án FDI 100% vốn nước ngoài. Hai dự án liên doanh nói trên đều do người Việt Nam làm chủ công nghệ và điều hành.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc quy định khuyến khích đối tác FDI liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước cũng là biện pháp cần cân nhắc.

Thực tế, hình thức bắt buộc đối tác FDI liên doanh với doanh nghiệp trong nước đã được Trung Quốc áp dụng rất hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên làm chủ công nghệ trong các ngành kinh tế hiện đại như ô tô, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo... cũng nhờ chính sách này. Hay tại Malaysia, ở một vài lĩnh vực, họ không cho phép có hình thức 100% vốn nước ngoài mà khuyến khích hình thức liên doanh.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274713/chuyen-giao-cong-nghe-tu-doanh-nghiep-fdi-su-that-khong-nhu-ky-vong-.html