Chuyển giao công nghệ của FDI cho doanh nghiệp nội chưa tương xứng

Đánh giá về tác động lan tỏa của FDI đến doanh nghiệp trong nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mức độ tác động tích cực còn thấp, chủ yếu là nhờ khả năng cạnh tranh, học hỏi, mua máy móc kèm chuyển giao công nghệ, trong khi lan tỏa thông qua liên kết sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng của DN trong nước còn yếu.

Khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế còn hạn chế do hầu hết công nghệ trong dự án FDI đã sử dụng phổ biến ở chính quốc. Ảnh: Internet.

Theo báo cáo của CIEM, tác động lan tỏa của FDI thường được xem xét theo 4 kênh căn bản, gồm: tác động do tương tác đầu ra -đầu vào giữa DN FDI và DN trong nước, xuất hiện nhờ liên kết xuôi hoặc/và liên kết ngược; tác động nhờ phổ biến và chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước; tác động nhờ học hỏi, vận dụng các phương pháp quản lý hiệu quả dẫn đến tăng năng lực cạnh tranh; và tác động nhờ nâng cao trình độ lao động trong quá trình được đào tạo và học hỏi kiến thức, kỹ năng từ DN FDI.

Theo CIEM, theo một số nghiên cứu định lượng, FDI được thu hút vào Việt Nam đã có tác động lan tỏa tích cực đến thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, qua đó giúp cải thiện năng suất của DN trong nước.

“Tuy vậy, mức độ tác động tích cực còn thấp, chủ yếu là nhờ khả năng cạnh tranh, học hỏi, mua máy móc kèm chuyển giao công nghệ, trong khi lan tỏa thông qua liên kết sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng của DN trong nước còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế trong việc nhận được tác động lan tỏa từ khu vực FDI”, báo cáo của CIEM nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể về thực trạng đổi mới, chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất qua kênh FDI, CIEM cho biết, thứ hạng về công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn ở vị trí thấp.

Cụ thể, theo Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Tuy nhiên, nhóm yếu tố được coi là điểm yếu lâu dài của Việt Nam, với điểm số, thứ hạng thấp và không cải thiện nhiều trong những năm qua bao gồm năng lực đổi mới sáng tạo của DN (xếp hạng 79), chất lượng nghiên cứu khoa học (xếp hạng 90), mức độ sẵn có của chuyên gia và kỹ sư (xếp hạng 78), số lượng và chất lượng nhà cung ứng địa phương (xếp hạng 105 và 116), độ rộng của chuỗi giá trị (xếp hạng 106).

Cũng theo CIEM, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cũng cho thấy so với các nước trong khu vực, DN Việt Nam nỗ lực cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất nhưng hiếm khi giới thiệu sản phẩm mới có chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Bên cạnh đó, số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam còn hạn chế. Theo Hiệp hội DN FDI trong 2015, phần lớn hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện dưới hình thức chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, chưa có hợp đồng nào thực hiện chuyển giao từ DN FDI sang DN trong nước.

Theo CIEM, trên thực tế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế còn hạn chế do hầu hết công nghệ trong dự án FDI đã sử dụng phổ biến ở chính quốc. Mức độ tiên tiến và hiện đại của công nghệ chuyển giao vào Việt Nam rất thấp.

“Kết quả từ nhiều khảo sát với DN FDI cho thấy nhiều máy móc, công nghệ nhập vào Việt Nam không phải công nghệ mới, thậm chí hết khấu hao, và lao động Việt Nam chỉ phụ trách công đoạn đơn giản. Đến nay, chỉ có 5% DN FDI chuyển giao công nghệ cao, 15% công nghệ kém, lạc hậu và đòi hỏi lao động giản đơn. Nhìn chung, mức độ chuyển giao công nghệ của khu vực FDI cho khu vực DN trong nước chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng”, báo cáo của CIEM nhận định.

H.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chuyen-giao-cong-nghe-cua-fdi-cho-doanh-nghiep-noi-chua-tuong-xung.aspx