Chuyên gia WHO tới Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19

Hiện thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này chưa được tiết lộ.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 29/6 thông báo, WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện nguồn gốc virus SARS-CoV-2 để có thể phòng chống loại virus này tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Ghebreyesus không cho biết thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này.

Người dân Bắc Kinh được lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm dã chiến ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Người dân Bắc Kinh được lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm dã chiến ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Từ đầu tháng 5 vừa qua WHO đã gây sức ép buộc Trung Quốc mời các chuyên gia của tổ chức y tế này tới giúp điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trước đó Mỹ - quốc gia chỉ trích WHO mạnh nhất cho biết sẽ rời khỏi cơ quan y tế của Liên hợp quốc này - đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng có thể virus này bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng minh chứng cho phát biểu này và Trung Quốc kịch liệt bác bỏ nhận định đó.

Liên quan đến diễn biến dịch bệnh Covid-19, Tổng Giám đốc WHO cho biết, 6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, dịch bệnh “thậm chí chưa gần đến hồi kết thúc".

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/6 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng lên 507.518 ca trong số 10.402.637 ca mắc. Trong khi đó, số ca được chữa khỏi bệnh là hơn 5,6 triệu người.

Hiện Mỹ vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 2.681.775 ca mắc, trong đó có 128.777 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 1.370.488 ca mắc và 58.385 ca tử vong, Nga với 641.156 ca mắc và 9.166 ca tử vong, Ấn Độ với 567.536 ca mắc và 16.904 ca tử vong.

Tại Trung Quốc, các quan chức y tế Trung Quốc ngày 28/6 cho biết, nhà chức trách phong tỏa và kiểm soát toàn bộ huyện An Tân, thuộc tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150km.

Đây là biện pháp từng được áp dụng khi dịch bệnh diễn biến đỉnh điểm tại tâm dịch thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc đầu năm nay. Theo đó, mỗi hộ gia đình chỉ có một người được phép ra khỏi nhà một lần trong ngày để mua nhu yếu phẩm như thức ăn và thuốc chữa bệnh.

Biện pháp trên được áp dụng trong bối cảnh sau khi kiểm soát cơ bản được dịch bệnh trên cả nước, gần đây, giới chức y tế Trung Quốc lại phát hiện ổ dịch mới liên quan chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, và số ca mới tại tỉnh Hà Bắc trong những tuần gần đây cũng có xu hướng gia tăng.

Giới chức y tế đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đối với hàng triệu người sau khi phát hiện ổ dịch mới tại chợ đầu mối Tân Phát Địa, nơi cung cấp phần lớn thực phẩm tươi sống của thủ đô.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương ở huyện An Tân của tỉnh Hà Bắc cung cấp mặt hàng cá tươi cho chợ này và đến nay huyện đã ghi nhận khoảng 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Phát biểu trước báo giới ngày 28/6, một quan chức thủ đô Bắc Kinh nhận định tình hình dịch bệnh tại thủ đô hiện "nghiêm trọng và phức tạp" đồng thời cảnh báo cần tiếp tục các biện pháp phát hiện chuỗi lây nhiễm.

Nhà chức trách kêu gọi người dân không nên rời thành phố, đóng cửa các trường học và phong tỏa hàng chục khu dân cư để ngăn chặn virus lây lan.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chuyen-gia-who-toi-trung-quoc-dieu-tra-nguon-goc-covid-19-3409667/