Chuyên gia Việt Nam: Mỹ - Nga khó đối đầu trực tiếp tại Syria

Trả lời riêng VietTimes, nhà báo Phạm Phú Phúc, một chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, đã từng có nhiều năm công tác tại vùng Trung Đông cho rằng Mỹ và Nga sẽ không đối đầu trực tiếp tại Syria. Vì nếu điều đó xảy ra thì sẽ châm ngòi Thế Chiến III.

Theo ông, vụ cáo buộc Syria sử dụng chất độc hóa học liệu có phải là cái cớ để Mỹ và phương Tây có thể tấn công Syria?

Chúng ta phải thấy đây là bài quá quen thuộc của những nước phương Tây. Liên quan tới Việt Nam chúng ta hãy nhớ lại sự kiện Vịnh Bắc Bộ, liên quan tới Cu Ba hãy nhớ lại sự kiện Vịnh Con Lợn hay vũ khí hóa học tại Iraq và là Libya. Và bây giờ là Syria không nằm ngoài "bài" của phương Tây.

Nói đến điều mới xảy ra về việc quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học thì chúng ta nên biết là đây ko phải là lần đầu tiên. Nếu như không có Nga cứu Syria vào tháng 9.2015 thì Mỹ đã tấn công Syria. Việc tố cáo Syria sử dụng vũ khí hóa học hoàn toàn là một cái cớ.

Syria rất nhiều bè phái khác nhau. Ngay bản thân chính phủ Syria từ thời Hafez al-Assad và phó tổng thống là em cùng cha khác mẹ Rifaat al-Assad cũng đã có mâu thuẫn làm cho tình hình Syria có rất nhiều bè phái rất phức tạp.

Chính báo chí Syria và báo chí đối lập như tờ Al-Ahram (Kim Tự tháp, Ai Cập), Al-Saut Al-Arabia (Đài Tiếng nói Arab), Al-Sharki Al-Ausat (Trung Đông) thậm chí có thể coi là kẻ thù của chính phủ Syria như Al-Sharki al-Ausat cũng phải nói đây là một vụ dàn dựng. Vậy tại sao người ta lại dàn dựng nên vụ này?

Video phương Tây đưa ra và coi là bằng chứng của vụ tấn công hóa học.

Vì quân chính phủ Syria đang thắng lớn, Nga đang thắng lớn và không có lý do gì để hai nước phải sử dụng biện pháp "hèn mọn" như vậy. Và nước Nga sau cuộc bầu cử ngày 18.3, ông Putin cũng đã thắng áp đảo. Chỉ cần đề cập đến 2 điều này thôi thì sẽ biết lý do phương Tây muốn thay đổi điều này: Thứ nhất là để chặn đứng thắng lợi của quân chính phủ Syria, thứ hai là nhằm hạ thấp uy tín của tổng thống Putin.

Và thứ ba là liên minh tay ba ở Syria đang trên đà thượng phong và Mỹ cũng không ngờ lại có liên minh như vậy. Ngoài Nga và Iran lại có thêm Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến. Mỹ đang muốn đánh sập liên minh ấy tại Syria.

Vì thế, Mỹ cần có con bài ở Douma, Mỹ dễ dàng làm điều này vì họ hậu thuẫn cho những bên đối lập với chính phủ Syria. Ai sẽ vào đó mà biết được có vũ khí hóa học hay không? Có nạn nhân hay không? Bao nhiêu người sẽ ở đó để kiểm chứng điều này? Ngay kể cả có sử dụng vũ khí hóa học thì ai là người sẽ sử dụng vũ khí hóa học cũng không thể kiểm chứng được.

Ngay cả băng video mà Mỹ đưa ra cũng bị chính những lực lượng thân phương Tây nói đó hoàn toàn là dàn dựng. Chúng ta cũng thấy trên video hoàn toàn không có trường hợp tử vong, đó chỉ là những cảnh phun nước bình thường, không có trang phục bảo hộ và không có bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng chất độc hóa học?

Liệu có phải tổ chức "Mũ trắng" đã dàn dựng vụ tấn công bằng chất độc hóa học này theo chỉ đạo của ai đó?

Chúng ta thấy trên video có cảnh tiêm, nhưng có thuốc hay không chúng ta cũng không thể kiểm chứng. Việc này hoàn toàn có thể dựng lên được. Nên tôi khẳng định lại rằng không chỉ phe đối lập với phương Tây là Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria mà kể cả dư luận trên thế giới đều hiểu đây là một vụ dàn dựng.

Chính một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga đã cảnh báo trước khi Mỹ tung ra tin này. Tổ chức Mũ Trắng có tiếng là viện trợ nhân đạo nhưng thực ra có thể hàng viện trợ là những chế phẩm để làm ra những vũ khí như vậy. Vì vậy, nếu thực sự có việc sử dụng vũ khí hóa học, chúng ta có thể đưa ra giả thiết là phe đối lập đã sử dụng vũ khí đó do Mỹ và phương Tây chỉ đạo. Vì như trên tôi đã nói Nga và Syria đang ở thế thượng phong.

Tổ chức Mũ Trắng được coi là một trong những con bài của phương Tây.

Và chúng ta phải thấy, chính Tổ chức chống sử dụng vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc đã khẳng định Syria không còn vũ khí hóa học. Đây là điều phương Tây cố dựng lên.

Tôi xin khẳng định lại Tổ chức Mũ trắng là tay sai của Mỹ và phương Tây. Người ta đã có rất nhiều bằng chứng rằng những lô hàng mang danh viện trợ nhân đạo nhưng thực ra đó là vũ khí cho lực lượng đối lập cụ thể là al-Nursa hay các mặt trận mà Mỹ ủng hộ.

Trở lại vấn đề vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal mà Anh cáo buộc Nga thực hiện, ông có nghĩ rằng liệu đây là cái cớ để Anh, Mỹ và các nước phương Tây tăng cường cô lập Nga, đồng thời là một lý do để khai chiến trên chiến trường Trung Đông?

Hai việc mà Mỹ và phương Tây rất khó chịu là nước Nga và chiến thắng của lực lượng Syria đang gần tới đích. Nước Nga lại có rất nhiều điều liên quan tới cá nhân tổng thống Putin mà vụ Skripal thì ta đã quá rõ ai làm điều đó. Chính ông Putin cũng nói gần như là: "Tôi chẳng cần tới các ông".

Vấn đề là Nước Nga quay trở lại vai trò của Liên Xô ngày trước là tham sự sâu và rộng vào các vấn đề Trung Đông. Nga đang đẩy phương Tây và Mỹ ra khỏi Trung Đông. Mỹ và phương Tây không thể mất trắng như vậy được. Và vì thế người ta dựng vụ Skripal ở Anh là để bắc cầu cho vụ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở thành phố Douma. Sẽ không ai ngây thơ tới mức nghĩ rằng hai vụ đó không liên quan đến nhau. Đây là hành động có chủ ý để bôi nhọ Nga và đánh gục Nga.

Anh cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok đầu độc một cựu điệp viên hai mang.

Tình tiết vụ thứ 2 cũng đang rõ ràng. Tại sao Mỹ đe dọa nhưng không dám làm vì đó là điều minh chứng cho sự thật về vũ khí hóa học. Việc tòa tháp Trump bị đốt hôm mùng 7 cũng là lý do để Trump tuyên bố mạnh tay về Syria nhưng đây chỉ là vì bị sức ép của các nhà quân sự.

Nhưng hãy nhớ rằng ngày 1.4 ông Trump đã tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria. Ngay cả đồng minh đánh Syria của Mỹ là Ả rập Xê-út cũng ủng hộ việc rút quân. Có lẽ, Ông Trump đang nhận áp lực rất lớn cả từ lưỡng viện Mỹ. Và ngay cả chính các nhà Cộng hòa cũng buộc tội ông Trump thắng cử là có sự giúp đỡ của Nga. Thực ra Donald Trump không muốn căng với Nga nhưng vì bị sức ép nên buộc phải "diễn", gây căng thẳng hay trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Có thông tin Israel đã phóng 8 quả tên lửa vào căn cứ không quân T-4 của Syria? Theo ông, vai trò của Israel trên chiến trường Syria thế nào?

T-4 là căn cứ không quân rất quan trọng. Nó giống như Tartus và Latakia. Căn cứ này có từ thời Liên Xô, nó có ảnh hưởng rất lớn trong khu vực. Đây là căn cứ Liên Xô sử dụng nhiều và rất hiệu quả trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Việc căn cứ T-4 bị đánh là một điều gần như đương nhiên là của phe chống chính phủ Syria. Nhưng việc căn cứ này bị ai đánh sẽ là một câu hỏi quan trọng?

Thứ nhất, phe đối lập Syria không có khả năng nã những quả tên lửa như vậy.

Thứ hai, chắc chắn Mỹ không đánh T-4 và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định không thực hiện vụ tấn công. Những bằng chứng thực địa cũng chứng minh như vậy.

Cuối cùng, nhân vật còn lại là Israel. Israel không phủ nhận, cũng không công nhận mình đã tấn công vào T-4. Nhưng hãy nhớ chi tiết rằng tới ngày 14.5 này, Mỹ sẽ chuyển sứ quán từ Tel Aviv sang Jerusalem. Nếu như lời ông Trump là đúng thì đó là món quà người Do Thái chưa bao giờ có được trong hàng thập kỷ nay. Món quà trong mơ của Mỹ gửi tặng Israel.

Căn cứ không quân T-4 có một vị trí chiến lược tại Syria.

Khi Jerusalem có một sứ quán nước ngoài thì điều này sẽ thay đổi bản đồ chính trị, bản đồ tôn giáo vùng Trung Đông. Vị thế của Israel sẽ thay đổi trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine. Rộng ra nữa là giữa Israel và thế giới Ả rập, rộng hơn nữa là giữa thế giới Hồi giáo và Israel. Và đây có thể là cách Israel trả ơn đồng minh của mình.

Nhưng còn 1 điểm quan trọng nữa là chính phủ Syria không thể tự mình đảm đương được căn cứ T-4. Nga cũng không ở căn cứ T-4. Và T-4 hiện nay do Iran thực hiện công việc cố vấn. Lực lượng vệ binh Hồi giáo cộng hòa Iran đang chỉ huy căn cứ. Đây là mục tiêu Iran gần nhất mà Israel có thể tấn công. Rõ ràng, chuyện tấn công trực tiếp vào Tehran là điều Israel không thể thực hiện.

Câu hỏi đặt ra có phải là Israel đang chia lửa với Mỹ không thì đã quá rõ! Tôi trả ơn ông vì việc 14.5 ông sẽ chuyển sứ quán, tôi trả ơn ông bằng cách đánh vào chính phủ Syria. Sẽ không ai có thể khẳng định đây không phải là cuộc chia lửa giữa Israel và phương Tây.

Ông Trump đã tuyên bố sẽ đáp trả trong 24 - 48 giờ nhưng tới thời điểm hiện tại Mỹ và phương Tây vẫn chưa có động thái gì với tình hình Syria. Theo ông liệu sẽ có sự đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây trên chiến trường Syria?

Lý do để khai chiến một trận lớn của Mỹ và phương Tây ở Syria thì theo tôi là một câu chuyện rất lớn. Trung Đông vốn đã rối bời. Syria còn là "đàn anh" của những rối bời ấy. Bản thân các sự kiện, vấn đề ở Syria còn nan giải hơn nhiều. Cuộc chiến ở Syria hiện tại có thể gọi là cuộc chiến ủy nhiệm. Nga tham chiến, Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến, Iran, Mỹ, Israel, Anh, Pháp...

Mọi cuộc chiến trong đất Syria đều là bên ngoài can thiệp. Mọi nước đều có kẻ thù chung là IS. Nhưng kẻ thù riêng thì lại có rất nhiều như các mặt trận đối lập với chính phủ Syria hay vấn đề người Kurd. Đây là vấn đề không bao giờ giải quyết được vì các nước cùng có một kẻ thù chung nhưng bạn anh lại là kẻ thù tôi và bạn tôi lại là kẻ thù của một bên khác nữa. Kẻ thù chung chỉ có một nhưng kẻ thù riêng lại quá nhiều.

Nếu để trả lời trực tiếp câu hỏi liệu sẽ có đối đầu trực tiếp hay không thì tôi thiên theo phương án là điều này rất khó xảy ra! Tờ Al-Ahram (Kim Tự Tháp) đã có một bài bình luận rất kỹ về khả năng xảy ra chiến tranh hai phe Mỹ - Nga, cùng các nguồn khác cho thấy việc xảy ra chiến tranh sẽ rất khó.

Vì chỉ cần Mỹ bắn 59 quả tên lửa như hồi tháng 4.2017 thì chiến tranh sẽ leo thang ngay lập tức chứ không dừng lại. Năm ngoái Mỹ và Nga đang có khả năng cải thiện quan hệ nên vẫn còn cố kiềm chế. Nhưng hiện tại, hơn 100 nhà ngoại giao của Nga đã bị trục xuất và những lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đang tăng cường. Nên khả năng chiến tranh là không có. Nếu có một cuộc tấn công thì nó sẽ là bó đuốc bùng lên.

Nếu có xảy ra một cuộc chiến thì quy mô của nó sẽ ở mức nào?

Nếu có một cuộc tấn công thì sẽ không phải là cuộc chiến giữa Mỹ và chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad nữa. Đây sẽ là cuộc chiến giữa Mỹ và Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Israel... Nói một cách khiêm tốn thì nó là cuộc chiến tranh khu vực Trung Đông nhưng thực ra nó sẽ có thể biến thành Thế chiến III. Và nguy cơ ấy thì cả Nga, Mỹ, Israel, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đều đang lo sợ. Nghĩa là tất cả các bên có khả năng tham chiến và đã đang can dự đều đang lo sợ.

Nhưng tại sao ông Trump vẫn cứ "lên gân" như vậy? Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy nhớ là trong chiến tranh, đòn "nắn gân" đôi khi tạo nên ý nghĩa nào đó. Đây là một tiêu chuẩn kép hay là một lời nói nước đôi mà ông Trump vẫn nổi tiếng về nó.

Tổng thống Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng sau đó lại đe sẽ đáp trả tại Syria trong vòng từ 24-48 giờ.

Tuy nhiên, Trung Đông vẫn là vùng xảy ra những bất ngờ. Những điều có thể không xảy ra ở nơi khác nhưng vẫn có thể xảy ra ở Trung Đông. Những điều không lý giải được ở nơi khác nhưng lại có thể lý giải được tại Trung Đông. Nên khả năng xảy ra một cuộc chiến là có thể bỏ ngỏ? Giống như cuộc chiến 6.10 giữa Ai Cập với Israel. Đây là nơi đầy ắp những điều bất ngờ.

Năm ngoái khi Mỹ bắn 59 quả tên lửa vào căn cứ không quân Syria, dường như Nga và Syria đã được cảnh báo trước nên hầu như không có tổn thất lớn, nhưng năm nay sự kiện đó có được lặp lại hay không?

Theo tôi, ở thời điểm này, quan hệ giữa Mỹ - Nga, giữa Mỹ - Iran đã khác. Mỹ đã ký kết hiệp ước hạt nhân với Iran nhưng giờ đang dọa rút khỏi hiệp ước, đồng thời với những căng thẳng với Nga nên sự trao đổi và thông tin giữa các nước sẽ khó hơn. Nếu có sẽ có thông tin sai lệch như thông tin 1 nhưng sẽ đánh 3 đánh 4... nhất là theo "tiêu chuẩn kép" của ông Trump. Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm là khả năng xung đột trực tiếp là khó và nó sẽ vẫn chỉ là chiến tranh ủy nhiệm. Việc NATO đánh Kosovo sẽ không lặp lại tại Trung Đông. Bất ngờ có thể xảy ra nhưng phải trong bối cảnh thế giới hiện tại như thế nào.

Nếu thực sự sẽ xảy ra đối đầu Nga - Mỹ thì ông nhận định kết quả sẽ nghiêng về phe nào? Và tại sao lại như vậy?

Trên thực tế, khả năng Nga bẻ gãy được một cuộc chiến của Mỹ và phương Tây tại Syria là rất khó khăn. Hãy nhìn tương quan lực lượng:

Mỹ có hậu cần, đồng minh trong khu vực: Israel ở ngay sát nách, Thổ Nhĩ Kỳ dù đang đánh người Kurd nhưng vẫn thuộc NATO, căn cứ không quân của NATO vẫn nằm trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước trong NATO vẫn có minh ước với nhau. Hậu cần của phương Tây vẫn áp đảo hơn và có lực lượng hỗ trợ lớn hơn. Nhưng tuy nhiên, nói một cách công bằng thì tại Syria nước Nga vẫn là nước có chính nghĩa hơn - như tôi đã dẫn lời một số tờ báo thân phương Tây. Chính những tờ báo không thân Nga cũng khẳng định cáo buộc tấn công hóa học là sự sắp đặt. Và dư luận cũng không ủng hộ ai sẽ châm ngòi cuộc chiến. Nên Nga có sự ủng hộ lớn hơn.

Quân Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh lực lượng người Kurd tại Bắc Syria nhưng có thể quay đầu nếu xảy ra cuộc chiến Nga - Mỹ tại Trung Đông.

Nếu có chiến tranh xảy ra thì các bên cũng sẽ không tung bộ binh vào, cuộc chiến sẽ nằm ở quy mô chiến tranh bằng khí tài, như không kích, pháo kích... Lần gần đây nhất, Nga đã đánh chặn thành công 5 quả tên lửa vào sân bay T-4 nhưng chưa biết nếu bên phương Tây "nã" liên tục thì liệu Nga có đủ sức để bẻ gãy đòn tấn công ồ ạt hay không? Đây là một bài toán khó!

Theo ông, có khả năng Trung Quốc tham gia cuộc chiến Syria không khi họ đã đổ lực lượng đặc nhiệm vào với mục tiêu chống khủng bố?

Chúng ta hãy nhớ lại lời của người Tàu là "Tọa sơn quan hổ đấu"! Trung Quốc kiếm lợi rất lớn trong bất đồng của Nga với phương Tây. Sau vụ Crimea, Trung Quốc đã bắt đầu gặt hái thành quả. Khi quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng thì Trung Quốc là bên có lợi. Về quân sự và chiến lược thì Nga có vẻ như đang lấy lại ảnh hưởng ở Trung Đông nhưng về kinh tế thì còn lâu Nga mới có lại vị thế thời Liên Xô.

Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Và họ là chuyên gia gây ảnh hưởng tại những vùng nghèo khó trên thế giới. Trung Đông cũng là một thị trường rất lớn cho những sản phẩm của Trung Quốc. Cụ thể nhất là Ai Cập hiện tại. Trung Quốc là công xưởng thế giới và Trung Đông là thị trường của họ. Theo tôi, Trung Quốc sẽ không tham gia cuộc chiến.

Xin cảm ơn ông,

Tiệp Nguyễn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/chuyen-gia-viet-nam-my-nga-kho-doi-dau-truc-tiep-tai-syria-169987.html