Chuyên gia Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên: 'Đàn hương là vấn đề nóng hổi cần Nhà nước quan tâm'

Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, ở Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là 'lá phổi của Việt Nam', là thủ phủ của các loài cây, thời gian gần đây, đàn hương được nhiều nông dân ưa trồng. Tuy nhiên, những chuyên gia về đàn hương cũng cảnh báo một vấn nạn hết sức đáng lo ngại, đó là có nhiều cây được ươm từ những hạt giống non, xuất xứ không rõ ràng, có thể khiến người trồng không thu được nhiều thành quả kinh tế sau này.

Nông dân Tây Nguyên thu hạt giống đàn hương ép tinh dầu.

Nông dân Tây Nguyên thu hạt giống đàn hương ép tinh dầu.

PLVN đã có cuộc trò chuyện với Thạc sỹ Huỳnh Thị Phương Thủy, Nghiên cứu viên chính Bộ môn Lâm nghiệp và Cây ăn quả, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), một trong những người đam mê kỳ công nghiên cứu về đàn hương.

Tây Nguyên có điều kiện lý tưởng phát triển đàn hương

Thưa bà, qua thực tế nhiều năm, một bác nông dân ở Đắk Lắk là ông Nguyễn Quang Tòa cho rằng đàn hương rất hữu ích và rất phù hợp với Tây Nguyên. Những đánh giá này có chính xác?

- Đàn hương đã được thế giới biết đến từ lâu là một loại cây trồng quý và cho giá trị kinh tế cao. Đây là cây đa tác dụng, vừa là cây gỗ, vừa là cây dược liệu, vừa là cây phục vụ ngành mỹ phẩm cao cấp, vừa là cây gỗ tâm linh do gỗ có mùi thơm đặc trưng. Giá trị sản phẩm chính của đàn hương là tinh dầu và lõi gỗ. 1kg gỗ đàn hương trên thị trường thế giới có giá 300-500 USD và 1kg tinh dầu đàn hương đắt gấp 5 lần 1kg bạc.

Ở Việt Nam, tôi biết đàn hương đã được đưa vào trồng ở Tây Nguyên vài năm gần đây. Với đất đai và khí hậu ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, chắc chắn rất phù hợp với đàn hương, là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển đàn hương.

Về mặt bảo vệ môi trường, đàn hương cũng có giá trị rất tốt vì là cây xanh quanh năm, cho lượng oxy gấp sáu lần các cây khác.

Bước đầu đánh giá đàn hương có khả năng thích ứng với Tây Nguyên. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả kinh tế tại Việt Nam, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, thị trường đầu ra…

Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu cây đàn hương từ khi nào?

- Hiện nay, đàn hương được trồng là xuất phát từ nhu cầu người dân chứ các tỉnh chưa đề xuất gì. Đúng ra các đơn vị nhà nước như Sở NN&PTNT, Sở KH&CN các tỉnh phải quan tâm vấn đề này. Nông dân tự nghiên cứu, mày mò, tự trồng mà mình thì lại đi sau, không giúp được gì.

Nhận thấy những lợi ích môi trường và kinh tế mang lại, ông Tòa đã thành lập Công ty CP phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên.

Không chỉ có mặt ở Tây Nguyên, đàn hương hiện cũng đã xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông Phạm Ngọc Dũng (Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế) là một trong những người có vườn thử nghiệm đàn hương.

Theo ông Dũng, nếu chuyển hóa được diện tích trồng keo để trồng đàn hương, hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên; hoặc cũng có thể trồng cây này xen với vườn cây ăn quả như thanh trà, cam.

Ông Dũng cho hay: “Sau khi nghiên cứu, khảo sát địa điểm để phát triển một khu nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên –Huế, mới đây một đơn vị đã có văn bản xin được thuê 15ha đất thuộc khu đất tại Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy để chuyên trồng đàn hương”.

Chính vì vậy, khi nghe chuyện nhiều nông dân có nhu cầu trồng đàn hương ở Tây Nguyên, như một số người quảng bá bán giống lung tung thì Viện mới tự đề xuất nghiên cứu để có sơ sở khoa học, để đánh giá, khuyến cáo cho dân.

Việc nghiên cứu rất cấp thiết. WASI chuyên trách khoa học mà không vào cuộc thì nông dân biết trông chờ vào ai… Cần phải nhớ bài học trước đây một số người cũng quảng bá, bán giống cây gáo vàng (thiên ngân), nông dân bỏ tiền ra mua trồng hàng loạt nhưng không có hiệu quả.

Thế nhưng nghiên cứu về đàn hương ở WASI cũng chỉ là nghiên cứu chưa chính thức. Chúng tôi trăn trở về vấn đề này thì chúng tôi theo dõi, chứ kinh phí để nghiên cứu thì chưa có.

Bản thân tôi rất quan tâm về cây đàn hương và tìm hiểu để làm cơ sở, khi cơ quan chức năng hay người dân có hỏi thì biết mà trả lời. Theo tôi, đây là một vấn đề nóng hổi nhưng các nhà quản lý chưa quan tâm nhiều, cần được Nhà nước quan tâm.

Về vấn đề pháp lý, hiện đàn hương đã được Việt Nam công nhận hay chưa?

- Đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1305/QĐ-BNN-TCLN ngày 22/4/2019 về việc công nhận giống đàn hương có xuất xứ từ Karnataka, Ấn Độ để làm cơ sở cho công tác quản lý giống và phát triển cây đàn hương ở Việt Nam. Giống đàn hương hiện nay được đưa vào sản xuất chủ yếu là hạt nhập từ Ấn Độ.

Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần nhanh chóng vào cuộc

Thưa bà, với những nông dân đam mê, đã có thực tế nhiều năm, thậm chí khởi nghiệp bằng cách lập DN nghiên cứu ươm cây đàn hương như ông Nguyễn Quang Tòa, thì bà có lời khuyên gì?

- Đọc bài viết trên PLVN về ông Tòa, tôi nhận thấy nếu thực sự người nông dân này có công lao như vậy trong việc mang một giống cây trồng mới có giá trị cho Tây Nguyên thì rất đáng tuyên dương.

Vườn giống đàn hương ươm hạt giống nhập từ Ấn Độ.

Về công nhận giống cây thì rất phức tạp, nhiều thủ tục. Nhưng với ông Tòa, nếu trước đây, ông mua giống từ Viện Nghiên cứu cây đàn hương và Thực vật quý hiếm, được cấp chứng nhận. Sau đó ông Tòa không cần công nhận cây giống mà chỉ cần công nhận vườn sản xuất giống.

Ví dụ, ông Tòa trồng 1ha, sau này cây đủ tuổi, cho hạt. Hạt đó được sử dụng làm giống, đảm bảo các chỉ tiêu sinh trưởng thì được công nhận. Vườn cây ông Tòa có nguồn gốc giống trước đây rõ ràng, được công nhận mua ở nơi được công nhận giống như Viện Nghiên cứu cây đàn hương thì Sở NN&PTNT sẽ công nhận vườn cây đầu dòng, vườn sản xuất giống.

Nói đến đây, tôi cũng xin nhấn mạnh nông dân nên chú trọng vào nguồn gốc giống của các cơ sở, không nên mua giống cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Như trước đây ở Tây Nguyên cây mắc ca cũng vậy, nhiều người mua cây giống không có nguồn gốc, trồng lên không ra quả.

Theo tôi được biết hiện cây giống đàn hương “chuẩn” bây giờ có giá 80.000 đồng/cây, một số nơi khác bán cây “mập mờ” nguồn gốc xuất xứ với giá 40-50.000 đồng/cây.

Các cơ quan nhà nước cần có những động thái gì để giúp người dân đang trồng đàn hương?

- Các cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần nhanh chóng vào cuộc, có những nghiên cứu, nếu thấy hữu ích thì khuyến khích, sau đó quản lý, điều tiết, quy hoạch.

Một vấn đề khác mà chỉ cơ quan nhà nước mới có thể làm tốt nhất được, đó là mặt thị trường đầu ra sản phẩm. Cần có sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước, kết hợp sự liên kết của các nhà quản lý, nhà chính sách, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học… để tìm hướng đầu ra tốt nhất cho các sản phẩm làm từ đàn hương. Ví dụ sẽ xuất khẩu hay chế biến trong nước thì cũng cần phải tính trước. Rồi cần có doanh nghiệp tham gia chế biến, thu mua cho dân.

Về phía Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên và cá nhân bà, sẽ có những gì giúp đỡ nông dân?

- Với ông Tòa, chúng tôi sẵn sàng có hướng hợp tác nghiên cứu với người nông dân này nếu ông Tòa có nhu cầu. Sắp tới, tôi sẽ viết một bài báo về đàn hương. Tôi rất quan tâm đến loài cây này. Cây đàn hương có triển vọng phát triển tốt ở Tây Nguyên.

Thực tế đã chứng minh Tây Nguyên có điều kiện lý tưởng phát triển đàn hương.

Viện sẽ theo dõi và đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn hương trong thời gian tới để có những thông tin chính xác làm cơ sở thông tin cho nông dân thực hiện có hiệu quả hơn.

Thưa bà, với những nông dân đang có ý định trồng đàn hương, bà có lời khuyên gì?

- Trước tiên, tôi khuyên nên trồng xen vào các vườn cây ăn trái, rừng sản xuất, bờ bao… Việc trồng xen này không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng các loại cây khác, nên không gây ra thiệt hại gì về kinh tế.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị!

Trước đó, PLVN có bài viết thuật lại câu chuyện khởi nghiệp của ông Nguyễn Quang Tòa (SN 1971, người đầu tiên đưa đàn hương về Tây Nguyên, Giám đốc Công ty CP phát triển cây đàn hương và Thực vật quý hiếm Tây Nguyên, trụ sở tại số 143, đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Sau khi đưa đàn hương về thử nghiệm trồng tại Tây Nguyên, ông Tòa đã thành công vượt bậc khi loài cây quý này chứng tỏ sức sống bền bỉ, tính hữu ích với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi PLVN đăng tải bài viết “Kỳ lạ loài cây quý được kỳ vọng cứu Tây Nguyên”, đường dây nóng của Báo đã nhận được hàng chục cuộc gọi của những người làm vườn, đặc biệt tại Tây Nguyên, hỏi cặn kẽ hơn về giống cây đàn hương. Điều đó chứng tỏ mức độ quan tâm của nông dân về lĩnh vực tìm giống cây mang lại hiệu quả kinh tế, mức độ quan tâm của dư luận về vấn đề trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường.

Yên-Bảy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/chuyen-gia-vien-khkt-nong-lam-nghiep-tay-nguyen-dan-huong-la-van-de-nong-hoi-can-nha-nuoc-quan-tam-504730.html