Chuyên gia 'vạch mặt' những sai lầm khi điều trị ung thư chỉ có ở Việt Nam

GS Nguyễn Bá Đức cho biết, có những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư chỉ có ở Việt Nam mới có.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính tại Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Bên cạnh đó vấn đề đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020.

Tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề Ung thư không phải dấu chấm hết” do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện K Trung Ương vùa tổ chức tại Hà Nội, GS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K Trung ương đã chỉ ra những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư ở Việt Nam.

Theo GS Đức, những quan điểm sai lầm thường gặp nhất đó là,coi ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái, ung thư không được đến đám tang… khiến người bệnh không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí cả tử vong.

Về quan niêm bỏ đói tế bào ung thư, GS Đức cho rằng, đó là quan điểm hết sức sai lầm và vớ vẩn, nếu thực hiện theo quan điểm này thì người bệnh chưa chết vì ung thư đã chết vì bị suy kiệt.

GS Đức chỉ ra những sai lầm khi chữa bệnh ung thư.

“Ung thư cũng như cây tầm gửi, nếu muốn tiêu diệt thì phải cặt bỏ cây tầm gửi đi, hoặc đưa thuốc vào tiêu diệt dần dần cây ký sinh đó. Còn nếu không chăm sóc cây thân chủ, thì cây thân chủ chắc chắn chết trước cây tâm gửi”, GS Đức ví von.

Về quan điểm nhiều người cho rằng ung thư không nên ăn đồ ngọt, không ăn đạm và chỉ nên ăn gạo lứt, muối mè… để bệnh không tăng nhanh, GS Đức phân tích: “Trên thực tế số bệnh phải ăn kiêng không nhiều, còn hầu hết các bệnh khác thì người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ, đặc biệt là người bị bệnh ung thư không phải ăn kiêng mà ngược lại phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng mới có sức chịu được các biện pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.

Nếu có trường hợp một bệnh nhân vừa mắc bệnh ung thư và có thêm bệnh khác thì ăn kiêng là vì bệnh khác. Chẳng hạn như vừa ung thư vừa có bệnh tiểu đường thì phải kiêng ăn đường để bệnh tiểu đường không tăng nhanh làm ảnh hưởng dến quá trình điều trị ung thư…”.

Về quan điểm người bị ung thư không nên đi viếng đám ma vì sợ tế bào ung thư phát triển nhanh, GS. Đức cho hay, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp con không đưa tang cha, chồng mất, vợ không dám ở nhà dự tang, chuyển sang ở nhờ nhà hàng xóm vì sợ bệnh ung thư sẽ phát triển nhanh, di căn mạnh sang các bộ phận khác.

GS Đức khẳng định đây là quan niệm sai lầm, và không có mối liên quan giữa đám tang và bệnh ung thư hay sự tiến triển của bệnh.

“Bản chất của ung thư là khả năng tái phát và di căn. Nếu bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, được điều trị đúng, bệnh có thể khỏi hẳn. Ngược lại, nếu bệnh được phát hiện muộn, tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác thì rất khó để triệt căn.

Một số bệnh nhân sau khi chữa vẫn còn những tế bào ung thư này, sau đó chúng sẽ tái phát. Trùng hợp lúc người bệnh đi đám ma, vô tình đám ma sẽ bị coi là nguyên nhân. Nhưng sự thực không phải như vậy”, GS Đức giải thích.

Cuối cùng GS Đức nhận định: “Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã mắc những sai lầm này. Chính họ tự tước đi cơ hội vàng được chữa bệnh ở giai đoạn sớm, khả năng khỏi bệnh cao. Khi vỡ lẽ, họ mới quay lại điều trị. Lúc này đã quá muộn, chúng tôi chỉ có thể điều trị giảm nhẹ thay vì điều trị bệnh khỏi hoàn toàn. Ăn uống không khoa học khiến họ không chỉ suy sụp về tinh thần mà còn suy nhược. Bệnh nhân chết vì suy nhược là phần đa”.

Lê Phương

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/chuyen-gia-vach-mat-nhung-sai-lam-khi-dieu-tri-ung-thu-chi-co-o-vn-d113105.html