Chuyên gia UNDP: 'Tham nhũng là kẻ thù lớn nhất của sự phát triển'

Bà Akiko Fujii, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, tham nhũng chính là kẻ thù lớn nhất trong tiến trình phát triển, đặc biệt khi Việt Nam triển khai Chương trình 2030 về Phát triển bền vững.

Bà Akiko Fujii, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Bà Akiko Fujii, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Bà đánh giá thế nào về thực trạng phòng chống tham nhũng tại Việt Nam?

Bà Akiko Fujii: Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thừa nhận sự lãnh đạo mạnh mẽ cũng như những nỗ lực tập trung để giải quyết vấn đề tham nhũng từ phía Chính phủ Việt Nam. Có thể nói, những nỗ lực này hiện diện trên nhiều khía cạnh. Trong đó, thể hiện rõ ràng nhất qua thực tế rằng Chính phủ đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng mới năm 2018.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tất cả các bên liên quan sẽ tham gia, gắn kết vào quá trình phòng chống tham nhũng.

Những bên này không chỉ có Nhà nước mà cả khu vực tư nhân – đối tượng chính mà luật mới hướng đến. Đây là yếu tố then chốt để việc triển khai bộ luật thành công.

Vì thế, tuy việc ban hành bộ luật chắc chắn đã là cột mốc mới về phòng chống tham nhũng của Việt Nam, công cuộc triển khai vẫn cần được lưu tâm và tập trung tối đa nguồn lực.

So với các quốc gia phát triển, công cuộc này có gì khác biệt hay không?

Bà Akiko Fujii: Tất nhiên về thể chế là khác nhau nhưng nhìn chung, các nước đang phát triển có sự kiểm soát tham nhũng yếu hơn các nước phát triển. Điều này góp phần không nhỏ dẫn đến sự lỏng lẻo trong khung pháp lý, quy định hoặc có thể là sự thiếu minh bạch trong hệ thống chính quyền.

Một xã hội trưởng thành với sự phát triển của luật pháp sẽ có cơ hội tốt hơn để giải quyết bài toán tham nhũng. Đó là điều mà cả thế giới đều công nhận.

Trong trường hợp tại Việt Nam, công cuộc phòng chống tham nhũng rõ ràng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo cầm quyền không nên dừng lại tại đây. Họ cần tuyên bố rằng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng và cần củng cố toàn bộ hệ thống pháp lý để giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, truyền thông và cộng đồng cần đóng vai trò là cơ quan giám sát toàn bộ hệ thống quản trị. Điều này sẽ thực sự đem đến lợi ích cho xã hội, góp phần giải quyết vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam.

Như vậy có nghĩa sự khác biệt thể chế là một trong những rào cản chính đối với công cuộc đấu tranh chống tham nhũng?

Bà Akiko Fujii: Tất nhiên mỗi quốc gia khác nhau đều có một thể chế chính trị, kinh tế - xã hội khác nhau. Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng là một công cuộc diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trong đó, mỗi quốc gia lại có một phương hướng tiếp cận, xử lý vấn đề khác nhau.

Tôi nghĩ tất cả mọi người giờ đây đều đồng ý rằng tham nhũng là một trong những kẻ thù lớn nhất của sự phát triển, đặc biệt khi chính phủ Việt Nam thực thi chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững.

Vì thế, điều quan trọng không phải là thể chế chính trị, kinh tế - xã hội, mà là cách mỗi quốc gia nhìn nhận, giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống tham nhũng cụ thể ở Việt Nam là sự hợp tác liên bộ, liên cơ quan, liên ngành.

Việc phòng chống tham nhũng không thể thực hiện đơn lẻ, mà nó yêu cầu sự phối kết hợp giữa tất cả các bên. Chỉ như thế mới có thể đạt được kết quả tốt nhất trong hành động.

Theo bà, lí do gì dẫn đến việc tham nhũng vẫn tồn tại bất chấp mọi nỗ lực phòng chống?

Bà Akiko Fujii: Có rất nhiều lí do ở các cấp độ khác nhau dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, rõ ràng chúng ta cần thêm nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa trên phạm vi toàn thế giới. Ví dụ, việc cải cách khung pháp lý là cần thiết bởi nếu luật pháp không rõ ràng, người dân và chính quyền sẽ không đủ khả năng để phối hợp hành động chống tham nhũng hiệu quả.

Tuy nhiên, đôi khi việc cải cách khung pháp lý là chưa đủ. Đấy cũng là cấp độ lí do thứ hai tôi muốn nói đến. Bên cạnh cải cách, phải xây dựng những biện pháp cụ thể, rõ ràng để việc triển khai luật pháp hiệu quả hơn. Trong trường hợp tại Việt Nam, công tác phổ biến cho người dân một cách rõ ràng và cụ thể chắc chắn cần thiết.

Cuối cùng, cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan cần thiết, bao gồm cả công dân. Phải làm sao để mọi công dân, mọi doanh nghiệp và cả chính quyền nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của việc tuân thủ pháp luật. Đó là cấp độ thứ ba về hành động.

Tham nhũng không phải là vấn đề riêng của một tổ chức. Mỗi người trong cộng đồng đều có trách nhiệm tuân thủ theo pháp luật và báo cáo sai phạm. Chúng ta không thể đánh đổi sự liêm chính và phát triển của Việt Nam bởi cám dỗ quyền lực hay những yếu tố tương tự khác.

Tháng 7 tới, Việt Nam sẽ đưa Luật phòng chống tham nhũng 2018 vào thực thi, bà có kỳ vọng gì về luật này so với các quy định trước đây?

Bà Akiko Fujii: Mỗi luật mới ra đời đều có mục đích để cải thiện một số yếu tố có lẽ đã không thực sự được làm rõ hoặc chưa đủ mạnh trong những quy định trước.

Trong trường hợp này, luật mới mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến khu vực tư nhân. Điều này là cần thiết bởi thực tế tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam đã và đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Vì thế, luật cần phải bắt kịp với những thay đổi đang diễn ra đó.

Vai trò của khu vực tư nhân đang ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam, Vì thế, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào luật tham nhũng mới với những yếu tố mới chưa có trong những bộ luật trước.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, hãy đừng dừng lại tại đó. Nếu chính quyền ngủ quên trên chiến thắng, hài lòng với việc ban hành luật thì những người khác cũng sẽ như vậy. Chúng ta cần tiếp tục công cuộc triển khai và mọi người cũng sẽ tuân theo. Đấy là yếu tố giúp chiến thắng cuộc chiến chống tham nhũng.

Vậy Việt Nam cần làm gì để bộ luật này phát huy tối đa tác dụng?

Bà Akiko Fujii: Hai vấn đề cần được giải quyết là văn hóa và hành vi. Trong việc này, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta phải đảm bảo người dân hiểu rõ về mối liên kết giữa những việc làm sai trái và hậu quả của chúng. Và có cách nào tốt hơn để thực hiện điều này hơn là thông qua báo đài, truyền thông.

Mặt khác, khi người dân đã hiểu về những việc làm sai trái, họ cần có trách nhiệm báo cáo. Tuy nhiên, cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ những người này? Có lẽ, có những cá nhân mong muốn báo cáo nhưng lại e ngại những hậu quả họ có thể phải đối mặt. Vì thế, chúng ta cần xây dựng một môi trường an toàn, xây dựng văn hóa bảo vệ trong hành vi xã hội.

Qua đó, sẽ đồng thời ảnh hưởng đến việc phòng ngừa nạn tham nhũng. Cách tốt nhất để giải quyết tham nhũng là ngăn chặn trước khi nó thực sự xảy ra. Đây là một quá trình cần thời gian nhưng để đạt được, tôi nghĩ vai trò của văn hóa, cách ứng xử và truyền thông là vô cùng quan trọng.

Xin cảm ơn bà!

Minh Thư

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-gia-undp-tham-nhung-la-ke-thu-lon-nhat-cua-su-phat-trien-1555328607349.htm