Chuyên gia Ukraine: Nga đã giành 'ba chiến thắng' tại Nagorno-Karabakh

Sau hơn hai tuần giao tranh ở Nagorno-Karabakh, nhà khoa học chính trị Ukraine cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành công trong cuộc 'tấn công chớp nhoáng'.

Kể từ ngày 27/9, khi giao tranh nổ ra giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã có hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Về mặt hình thức, các vùng lãnh thổ tranh chấp của vùng Nagorno-Karabakh được coi là một phần của Azerbaijan, nhưng kể từ đầu những năm 1990 thuộc quyền kiểm soát của Armenia. Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991. Armenia cung cấp hỗ trợ cho Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng.

Nga đã giành ‘ba chiến thắng’ tại Nagorno-Karabakh? (Ảnh: RIA)

Nga đã giành ‘ba chiến thắng’ tại Nagorno-Karabakh? (Ảnh: RIA)

Dựa trên kết quả của hơn hai tuần giao tranh nghiêm trọng ở Nagorno-Karabakh, có thể khẳng định rằng Azerbaijan đã không thành công trong “trò chơi chính trị”, và cũng không có đột phá đáng kể nào trên chiến trường.

Theo tờ Glavred của Ukraine, Azerbaijan đã tiến được vài km từ đường liên lạc chung và chiếm một số làng ở phía bắc và nam. Nhưng rõ ràng là họ đã thất bại trong việc cắt đứt Karabakh khỏi biên giới với Iran, phá vỡ hành lang phía nam, chiếm các trung tâm hành chính lớn và chiếm các khu vực trọng yếu ở phía bắc.

Mới đây, Nga mở ra các “cuộc tấn công” trên mặt trận ngoại giao và đạt được thắng lợi về mặt chiến thuật. Sau cuộc đàm phán theo kiểu Marathon ở Moscow, kéo dài hơn 10 giờ, Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 10/10 để trao đổi thi thể của những người thiệt mạng và tù nhân. Theo các chuyên gia Ukraine, đối với Nga, đây là thành công đầu tiên trên mặt trận ngoại giao.

Thứ nhất, Nga cố gắng duy trì tư cách là “người hòa giải chính giữa hai nước” và buộc họ phải đến Moscow để ký một thỏa thuận ngừng bắn.

Thứ hai, theo điều thứ 4 của thỏa thuận đình chiến chỉ rõ việc duy trì nguyên trạng hiện tại trong khuôn khổ các cuộc đàm phán, và đây đã là một “bước tiến mới” để đáp lại Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang cố gắng thay đổi hiện trạng này thông qua leo thang quân sự. Lần này người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thành công trong việc tham gia vào quá trình này, trong khi người Nga lúc này đã bỏ mặc họ.

Thứ ba, Nga đã cố gắng “kích hoạt mặt trận ngoại giao” trên cơ sở đoàn kết với các quan điểm của phương Tây, điều này có lợi cho Điện Kremlin như một phần trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của nước này nhằm khôi phục quan hệ với phương Tây, bất chấp các lệnh trừng phạt và cuộc khủng hoảng sau năm 2014.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã thất bại ngay ngày đầu tiên. Trên thực tế, văn bản của thỏa thuận và phản ứng của các bên ngay từ đầu đã chỉ ra rằng nỗ lực đầu tiên nhằm dập tắt xung đột này sẽ thất bại. Vì vậy, điều kỳ diệu đã không xảy ra.

“Những người yêu nước ở cả hai bên đã xem thỏa thuận này như một thời gian nghỉ ngơi trước trận chiến tiếp theo. Các bên vẫn tin tưởng vào chiến thắng của mình và không sẵn sàng cho bất kỳ sự nhượng bộ nào. Đối với họ, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, không còn sự tin tưởng lẫn nhau, và bất kỳ cuộc đàm phán nào dưới áp lực từ bên ngoài đều là những động thái tạm thời có thể được sử dụng như một công cụ trong chiến tranh”, Glavred nhận định.

Theo các chuyên gia, dường như phản ứng của người Azerbaijan đối với thỏa thuận ngừng bắn là đặc biệt gay gắt. Được đánh giá qua các tuyên bố trên mạng xã hội và sau đó là tuyên bố của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, họ coi thỏa thuận ngừng bắn là cơ hội để người Armenia tập hợp lại, nghỉ ngơi và chuẩn bị tốt hơn cho các tuyến phòng thủ, và thậm chí có thể tổ chức một cuộc phản công.

“Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoài nghi về thỏa thuận ngừng bắn. Một mặt, họ ủng hộ ý tưởng đình chiến nhân đạo, nhưng mặt khác, họ không được hưởng lợi từ các thỏa thuận mà không có sự tham gia của họ. Có vẻ như để giành lại thế chủ động, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải giúp hủy bỏ lệnh ngừng bắn, và lần sau nước này sẽ lại cố gắng đi vào một thành phẩn chình thức của cuộc đàm phán”, Glavred nhấn mạnh.

“Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy nỗ lực lặp đi lặp lại của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xâm nhập khu định cư Nagorno-Karabakh bằng hình thức quân sự hoặc ngoại giao”, Glavred kết luận.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/chuyen-gia-ukraine-nga-da-gianh-ba-chien-thang-tai-nagorno-karabakh-266780.html