Chuyên gia tư vấn 'giảm áp' trước ngày thi

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, GS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ nguyên nhân thí sinh bị ảnh hưởng tiêu cực, căng thẳng trong mỗi kỳ thi; từ đó gợi ý cách giải tỏa áp lực này.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Những "thông điệp" gây áp lực

PGS Trần Thành Nam cho rằng, với thế hệ trẻ ngày nay, những kỳ thi ngày càng trở nên căng thằng hơn vì nó có những tác động trực tiếp đến cơ hội giáo dục tốt hơn cho cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp tương lai, thậm chí là vị trí xã hội và thu nhập của từng cá nhân.

Với nhiều em, điểm số của một kỳ thi cũng đồng nghĩa với điểm số lòng tự trọng và giá trị. Nhiều học sinh tự quy đổi điểm số của những kỳ thi quan trọng như giá trị và lòng tự trọng của bản thân. Thất bại hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng đồng nghĩa với việc cá nhân là vô giá trị, cá nhân làm mọi người xấu hổ, không xứng đáng được tôn trọng.

Kỳ thi cũng ngày càng căng thẳng với các bạn trẻ, theo PGS Trần Thành Nam, còn bởi nỗi sợ hãi về sự phán xét của người lớn ngày càng lớn:

Có lẽ từ trong năm học, thậm chí trước kỳ thi mấy năm, các học sinh đã được liên tục được cha mẹ truyền đến những thông điệp về tầm quan trọng của kỳ thi, tỉ lệ chọi, những viễn cảnh nếu đạt được thành tích, những hậu quả nặng nề nếu không đạt được, rồi sự đầu tư thời gian và tiền bạc của cha mẹ cho những viễn cảnh cha mẹ đặt ra cho các em.

Các em có thể nhận được những thông điệp tương tự từ giáo viên, và còn thêm những thông tin là thành tích cá nhân của mình có thể ảnh hưởng đến thành tích của giáo viên, thành tích của nhà trường nói chung làm cho áp lực của kỳ thi đối với các em càng trở nên nặng nề.

"Chính những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ và giáo viên, việc các học sinh tự quy gán điểm số và thành tích với giá trị bản thân và lòng tự trọng khiến nhiều học sinh sau khi gặp những thất bại đầu tiên đã mất hoàn toàn sự tự tin, động cơ học tập. Trở nên chán chường, trách móc bản thân, xa lánh mọi người" – PGS Trần Thành Nam cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh tự ép mình vào một lịch học nhồi nhét mà không màng đến sự đáp ứng của sức khỏe. Quá nhiều stress đẩy cá nhân nhanh chóng rơi vào giai đoạn kiệt sức. Lúc này, cơ thể và não bộ trở nên kiệt sức với các biểu hiện rối loạn nội tiết, hệ thống limpho, giảm sức đề kháng, mất năng lượng, mệt mỏi, lo lắng, trầm nhược.

Lúc này hành vi ứng xử của cá nhân bỗng trở nên dễ cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì, thay đổi lịch ăn ngủ (cuồng ăn; thèm ăn; ngủ vô độ), cùn mòn cảm xúc (trở nên trơ/ thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh); có thể thu mình lại né tránh các tiếp xúc xã hội.

Về mặt cảm xúc, quá nhiều stress kéo dài dẫn đến cảm xúc đau khổ, sợ hãi, ám ảnh, lo lắng về mọi thứ và thậm chí cảm thấy tê liệt mọi cảm giác.

Về mặt nhận thức, trí nhớ ngắn hạn của các em giảm sút, đọc trước quên sau, não bộ bị ức chế dẫn đến việc không biết cân nhắc ra quyết định giải quyết tối ưu. Xuất hiện những suy nghĩ, dự báo về tương lai rất tiêu cực.

Đó chính là những trường hợp sau kỳ thi phải nhập viện tâm thần để nhờ sự trợ giúp của các dịch vụ chăm sóc tâm lý và sức khỏe tâm thần.

PGS.TS Trần Thành Nam

Học sinh vượt qua áp lực thế nào?

PGS Trần Thành Nam cho rằng, với những trường hợp rơi vào lo âu trầm cảm sau kỳ thi phải tìm kiếm sự hỗ trợ, nguyên nhân thường thấy là các bạn hay có những niềm tin không hữu ích và gây stress, như: "nghỉ ngơi trong thời gian trước kỳ thi là điều xa xỉ", "nếu vẫn còn ngủ 6h/ngày thì sẽ thi trượt thôi", "tất cả mọi người sẽ coi thường tôi nếu tôi không đạt được kết quả như kỳ vọng".

Những bạn này cũng hay mắc các lỗi suy luận tùy tiện hoặc khái quát như "mình không giải được bài này chứng tỏ mình rất dốt và mình chẳng thể nào thi qua được đâu".

Với những thí sinh này, cách giải tỏa áp lực tâm lý là giúp các bạn nhận ra những niềm tin không chính xác và thay thế nó bằng những niềm tin chính xác hơn.

Ví dụ: Việc nghỉ ngơi phù hợp giúp não bộ được thư giãn và giúp chúng ta học được nhanh hơn. Duy trì giấc ngủ sâu đầy đủ khiến bộ não tái tạo năng lượng giúp chúng ta tập trung hơn, ghi nhớ lâu hơn, tư duy sắc bén hơn, nếu không vượt qua kỳ thi này thì vẫn còn những lựa chọn khác để thành công.Dành thời gian cho vận động giúp tăng cường endorphins – giúp cải thiện tâm trạng khiến chúng ta hào hứng hơn khi học. Nếu không đạt kết quả như kỳ vọng, có thể bố mẹ sẽ tâm trạng một chút nhưng bố mẹ vẫn yêu thương mình.

Còn với những bạn gặp thất bại không còn muốn cố gắng, PGS Trần Thành Nam cho rằng, thường do cách các bạn diễn giải sự kiện thất bại là do bản thân, ví dụ: "vì tôi là kẻ thất bại, kẻ chẳng ra gì nên mới không thể vượt qua kỳ thi này". Hoặc, quy gán sự thất bại là ổn định và bền vững, ví dụ: "tôi không có năng lực nên cố gắng thế nào thì sự việc nó cũng chẳng khác đi đâu, tôi đáng chết"; quy gán sự toàn thể, ví dụ: "từ trước đến nay tôi chẳng làm được điều gì đúng đắn".

Với những bạn này, cách giải tỏa là thay đổi cách diễn giải. Sự thất bại không phải do bản thân mà còn do những sự kiện khách quan, quy gán sự thất bại là không bất biến và dễ thay đổi. Ví dụ như: "vì tôi đã chưa có kế hoạch ôn luyện khoa học nên tôi mới thất bại, lần sau mình sẽ cố gắng khoa học hơn và sẽ thành công".

Thí sinh cũng có thể thay đổi các tác nhân bối cảnh gây stress như tránh tiếp xúc với những thông tin, hoặc sự việc làm mình khó chịu trong thời gian này. Đừng đọc quá nhiều tin về tỉ lệ chọi hay học sinh bố mẹ đang lo lắng như thế nào. Duy trì phong cách sống lành mạnh: ngủ đủ, ăn cân bằng, luyện tập; thư giãn; duy trì các mối quan hệ xã hội: nói chuyện với người thân và bạn bè hàng ngày..

"Khi gặp những căng thẳng bất ngờ, cách dễ nhất là tâm sự với một ai đó, bạn bè hoặc người thân; nói với họ mình cảm thấy thế nào. Hãy tử tế với bản thân bằng cách dành thời gian cho những sở thích cá nhân, thiền, hoàn thành một việc mà mình giỏi nhất, uống một cốc trà ngon, trò chuyện trong tưởng tượng với thần tượng xem người đó giải quyết vấn đề như thế nào.

Cũng có thể đi lại hoặc vận động ngoài trời một chút. Chú ý thời gian ngủ, uống đủ nước và ăn cân bằng. Chú ý xây dựng một số mục tiêu và bẻ nhỏ ra từng bước để tự giám sát bản thân về tiến độ. Cuối cùng là đừng ngại việc được trợ giúp. Giai đoạn này, "mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường" là phương châm hành động của em" – PGS Trần Thành Nam đưa lời khuyên.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-tu-van-giam-ap-truoc-ngay-thi-1596269926132.html