Chuyên gia Trung Quốc: Mỹ đang nỗ lực 'tách' Moscow và Bắc Kinh

Thời báo Hoàn Cầu viết, Mỹ đang cố gắng hết sức để chia cắt Moscow và Bắc Kinh, nhưng việc Moscow liên tục từ chối 'miếng mồi' của Washington cho thấy Nga-Trung có quan hệ hợp tác rất chặt chẽ.

Ông Wang Xianju, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Nga liên kết giữa Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học Quốc gia Saint Petersburg cho rằng, trong những trường hợp này việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc - Nga là rất quan trọng, cũng như tăng cường cơ sở xã hội và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Gần đây, Mỹ đã tích cực đề nghị Nga gia nhập Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) theo định dạng mở rộng và muốn Trung Quốc tham gia đàm phán về hiệp ước START mới giữa Hoa Kỳ và Nga.

Theo ông Wang, những bước đi này được coi là nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tách Moscow và Bắc Kinh, nhưng việc Nga liên tục từ chối “miếng mồi” của Washington cho thấy hai nước đã hợp tác rất chặt chẽ.

Cũng theo chuyên gia này, để làm hỏng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, Mỹ sử dụng “quyền lực mềm” và “quyền lực thông minh”. Đó là lý do tại sao gần đây đã có sự gia tăng mạnh mẽ những “mũi tấn công” đang cố gắng chống lại Trung Quốc - Nga và “gây suy yếu” mối quan hệ của họ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Densiov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ít nhất 3 lần trong năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Densiov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ít nhất 3 lần trong năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Ông Wang tin tưởng rằng trong những trong trường hợp này, việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc Trung Quốc - Nga là rất quan trọng. Hai bên phải củng cố các nền tảng xã hội và cộng đồng của quan hệ đối tác chiến lược, phối hợp hành động cho kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó cần tăng cường mối quan hệ văn hóa Trung-Nga và quan hệ giữa con người bằng cách khắc phục những thiếu sót hiện có, cũng như hậu quả của đại dịch Covid-19.

Bằng cách tiếp tục xây dựng các thông lệ và truyền thống tốt đẹp như Năm Du lịch và Năm Văn hóa, hai nước cũng có thể phát triển các cơ chế truyền thông mới để đáp ứng nhu cầu trong môi trường luôn thay đổi.

“Mục tiêu là tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đào tạo những nhân tài thông thạo văn hóa và ngôn ngữ của nhau, thúc đẩy hợp tác thực tế và phát triển chung. Hội Hữu nghị Nga-Trung và Ủy ban Hữu nghị Hòa bình Phát triển Nga-Trung, bao gồm các tiểu ban về văn hóa, báo chí, giáo dục, khoa học và công nghệ, có thể đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này”, chuyên gia Trung Quốc kết luận.

Trong những năm gần đây, hợp tác giữa Bắc Kinh và Moscow đã nở rộ trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác liên vùng, ngành hàng không vũ trụ, khoa học, công nghệ và đổi mới, thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số. Sự bùng phát dịch Covid-19 sẽ không thể thay đổi xu hướng chung là hợp tác kinh tế-thương mại ngày càng sâu rộng.

Theo các báo cáo, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 75%-80% tổng lượng dầu khí từ Nga. Tài nguyên năng lượng được vận chuyển chủ yếu qua các đường ống dẫn khí nên dịch bệnh không thể ảnh hưởng đến thương mại song phương trong lĩnh vực này. Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Trung Quốc sang Nga là điện tử, sản phẩm kim loại cơ bản, dệt may, sản phẩm hóa chất, hàng tiêu dùng… Trong ngắn hạn, sự thiếu hụt các mặt hàng này có thể được ghi nhận, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này của Nga sẽ không ngừng gia tăng sau khi dịch bệnh kết thúc để bù đắp cho sự sụt giảm trong giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, sự phát triển hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nga ngày nay dựa trên nền tảng chính trị vững chắc, theo các tiêu chuẩn cao, cơ cấu tổ chức đồng bộ và theo các cơ chế rộng rãi nhất, bao gồm các cuộc họp của Nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng hai nước. Trung Quốc và Nga đều mong muốn thúc đẩy, phát triển hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-my-tang-cuong-no-luc-tach-moscow-va-bac-kinh-260802.html