Chuyên gia Trung Quốc: Đối đầu quân sự Mỹ-Trung nếu xảy ra là do lỗi của Mỹ

Mỹ là bên có lỗi nếu Washington và Bắc Kinh phải kéo nhau vào một cuộc đối đầu quân sự trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc kết luận hôm 9/1.

“Tàu chiến của cả 2 nước chắc chắn sẽ có lúc di chuyển tới gần nhau và rất dễ xảy ra những hiểu nhầm hoặc sai lầm trong phán đoán, thậm chí có thể dẫn tới một vụ va chạm. Nếu va chạm xảy ra, căn nguyên sâu xa là từ phía Mỹ”, Zhang Junshe, nhà nghiên cứu tới từ Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo.

Tuyên bố của chuyên gia Trung Quốc này được đưa ra không lâu sau khi Mỹ điều điều tàu khu trục dẫn đường USS McCampbell tới gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong bối cảnh quan chức Mỹ-Trung đang gặp nhau ở Bắc Kinh để đàm phán về vấn đề thương mại.

Tàu khu trực USS McCampbell. (Ảnh: Navy Live)

“USS McCampbell đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, di chuyển đến khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa, thách thức các yêu sách chủ quyền quá mức”, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Rachel McMarr hôm 6/1 cho hay.

Tuy nhiên ngay sau đó, Bắc Kinh đã chỉ trích chuyến tuần tra mới đây của tàu khu trục Mỹ tới Biển Đông là vi phạm luật pháp Trung Quốc và yêu cầu Washington chấm dứt ngay hành động này. Trung Quốc cho biết đã điều máy bay quân sự và tàu hải quân để xác định hoạt động của Mỹ và cảnh báo hải quân Mỹ rời đi.

Tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Tuyên bố của tòa là "không có cơ sở pháp lý" cho việc Trung Quốc đòi hỏi "quyền lịch sử" trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ "đường 9 đoạn" ở Biển Đông, mà từ đó Trung Quốc gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Mã Lai, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tiếp tục các hành động quân sự hóa ở nhiều hòn đảo nhỏ, các rặng san hô ở Biển Đông và xây dựng nhiều cấu trúc mới trên đó.

Phản ứng lại trước các hành động ngang ngược này, Mỹ đã triển khai chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông để đảm bảo quyền tự do đi lại trong vùng biển quốc tế cũng như thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc.

“Ý tưởng chiến dịch hải quân của Mỹ ở Biển Đông có thể gây ra một cuộc xung đột là vô lý. Chính Trung Quốc nên tự trách mình nếu xảy ra bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào, va chạm tàu hoặc bất cứ sự cố nào có thể thổi bùng căng thẳng tới mức đỉnh điểm”, ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia Mỹ nhận định.

Một số chuyên gia khác cho rằng mục tiêu cuối cùng mà Trung Quốc đang nhắm tới là kiểm soát Biển Đông mà không cần phải nổ súng.

“Trung Quốc đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông mà không cần tới một cuộc chiến. Bắc Kinh đang muốn thực hiện chuỗi các bước đi nhỏ để dần dần thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực”, ông Robert Kaplan, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới phân tích.

Theo ông này, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này khi đương đầu với Tổng thống Trump cùng các chính sách cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Obama của ông.

Vào tháng 11, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố sau cuộc găp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis với các đối tác Trung Quốc, lưu ý rằng vấn đề Biển Đông đã được mang ra thảo luận.

“Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút các tên lửa đang triển khai ở các thực thể tranh cãi ở quần đảo Trường Sa và tái khẳng định rằng tất cả các quốc gia nếu tránh tranh chấp thông qua cưỡng chế và đe dọa. Mỹ vẫn sẽ duy trì cam kết bay, đi thuyền và họa động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, tuyên bố trên nêu rõ.

(Nguồn: Newsweek)

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-gia-trung-quoc-doi-dau-quan-su-my-trung-neu-xay-ra-la-do-loi-cua-my-d451568.html