Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra lợi ích khi gia nhập CPTPP

Chính phủ Trung Quốc nên xem xét tham gia Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một liên minh thương mại tự do gồm 11 quốc gia, để cho thấy Bắc Kinh vẫn cam kết mở cửa thương mại khi cuộc chiến thuế quan với Washington kéo dài.

Sự vắng mặt của Mỹ khỏi khối thương mại mới, chính thức ra mắt vào cuối năm 2018, mang đến cho Trung Quốc một cơ hội để mở rộng hợp tác và tránh bị loại khỏi bất kỳ hệ thống thương mại mới nào, Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết trong một buổi họp báo.

"Chúng ta nên chuẩn bị trước và tham gia càng nhiều khối thương mại khu vực càng tốt", ông Wang Huiyao - người sáng lập Trung tâm và llà cố vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói với các phóng viên.

"Tham gia CPTPP đòi hỏi Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác về lao động, doanh nghiệp nhà nước, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ, đây sẽ là một biện pháp tốt để giúp xây dựng sự đồng thuận bên trong Trung Quốc và giảm va chạm với Mỹ", ông Wang nói.

CPTPP là phiên bản cải tiến của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từng có nguy cơ phá sản sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định vào ngày 23/1 năm 2017.

Tuy nhiên, các quốc gia còn lại, đi đầu là Nhật Bản, đã cố gắng duy trì hiệp định, vốn chiếm 13,2% sản lượng kinh tế thế giới và thị trường 500 triệu người. Hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên của CPTPP dự kiến sẽ diễn ra tại Tokyo vào ngày 19/1 nhằm thiết lập quy trình tiếp nhận thành viên mới, Hàn Quốc và Anh là những ứng cử viên mới.

Quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc về CPTPP đó là nước này có thể tham gia, mặc dù nhiều nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng để đồng ý với các điều khoản. Chẳng hạn, một trong những quy tắc gia nhập là các quốc gia thành viên phải chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp nhà nước của họ với nhau. Trung Quốc vốn coi các công ty nhà nước là xương sống của nền kinh tế quốc gia, có thể gặp khó khăn trong việc chấp nhận quy định này.

Chính phủ Bắc Kinh đã thúc đẩy thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia khối Asean, mà Trung Quốc có thể dễ dàng chấp thuận hơn CPTPP.

Tuy nhiên, khi ông Trump thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia lớn và khuôn khổ đa phương do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra ngày càng trở nên lộn xộn, Trung Quốc bắt đầu cảm thấy những rủi ro khi bị cô lập khỏi hệ thống thương mại thế giới.

Cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng với Mỹ đã làm gia tăng thêm sự cấp bách đối với Bắc Kinh, trong việc cần phải tìm các đối tác mới.

Vòng đàm phán mới nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc tại Bắc Kinh vào hôm thứ Tư, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin cụ thể nào được đưa ra.

Ông Wang cho biết Trung Quốc và Mỹ có khả năng đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán, nhưng thừa nhận rằng sự khác biệt sẽ vẫn còn.

Do đó, việc tham gia CPTPP sẽ là một cách tương đối dễ dàng để Bắc Kinh giành được lợi thế so với Mỹ, ông Wang nói. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phục vụ lợi ích của mình tốt hơn bằng cách chờ hai năm để tham gia trong trường hợp một Tổng thống mới của Mỹ thay thế ông Trump tại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2020. Nhà lãnh đạo mới có thể có một cái nhìn khác về vấn đề Trung Quốc gia nhập CPTPP, ông Wang cho biết.

"Sự phản đối (CPTPP) tại Trung Quốc đã biến mất, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Chiến tranh thương mại đã khiến mọi người nhận ra rằng đất nước phải mở rộng hơn nữa vì lợi ích của chính mình", chuyên gia kinh tế nhận định.

Ông Tu Xinquan - Giáo sư kinh tế quốc tế, cho rằng CPTPP sẽ là nơi để Trung Quốc thực hiện ảnh hưởng thương mại của mình. Tham gia CPTPP có thể khả thi đối với Bắc Kinh hơn là cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại đa phương tại WTO, ông nói.

Huy Vũ

Theo SCMP

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-chi-ra-loi-ich-khi-gia-nhap-cptpp-136923.html