'Chuyên gia trị thủy' đất Việt và cuộc đời 'ba chìm bảy nổi'

Lê Đại Cang (1771 - 1847) là nhân vật lịch sử đặc biệt, được sinh ra tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Cuộc đời đã đưa đẩy ông đến với sự nghiệp làm thủy lợi.

Công việc bảo vệ đê điều và trị thủy đã cho Lê Đại Cang không ít vinh quang, nhưng cũng đã khiến ông phải chịu nhiều cay đắng. Ông từng được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc thành, Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử; Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, Tổng đốc An - Hà, bảo hộ Chân Lạp..., nhưng cũng từng bị cách chức, thậm chí bị đày xuống làm lính khiêng võng…

Hậu duệ của cụ Lê Đại Cang ngày ngày hương khói tại từ đường nhà họ Lê tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định)

Khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Gia Long (1802), Lê Đại Cang bắt đầu đặt chân vào quan trường với chức Tri huyện Tuy Viễn. Sau đó ông được điều ra Bắc Thành, nhậm những chức quan to hơn. Đến đời Minh Mạng (1820 - 1840), Lê Đại Cang được cử làm Đê chính Bắc Thành, cuộc đời ông gắn với sự nghiệp làm thủy lợi.

Xây dựng hệ thống thủy lợi

Việt Nam là đất nước làm nông nghệp, vì vậy, từ xa xưa, việc xây dựng hệ thống đê điều, trị thủy để điều hòa nước tưới, chống lụt, chống hạn được các vương triều thời ấy đặt lên làm “quốc sách”. Nhiều triều đại phong kiến của nước ta rất chú trọng đến việc đắp đê, trị thủy ở vùng châu thổ sông Hồng, nhất là Bắc Thành. Đến thời nhà Nguyễn, việc xây dựng đê điều, trị thủy càng được quan tâm. Nhà Nguyễn hiểu rất rõ rằng muốn xây dựng cơ nghiệp vững bền, không gì khác hơn là lo cho nông dân đủ cái ăn cái mặc. Vì vậy, vào năm 1803, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã rất quan tâm đến công tác làm thủy lợi ở Bắc thành.

Theo sách Đại Nam thực lục, khi ấy thế nước của sông Nhị Hà rất mạnh, tuyến đê ven sông thuộc Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc nhiều đoạn bị bức vỡ, nhiều đoạn kênh mương bị ứ tắc không cung ứng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp được. Sau khi nghe các quan trấn thủ tâu trình thực trạng của thủy lợi, vua Gia Long lập tức cho đắp 7 đoạn đê mới, đắp bồi một đoạn đê cũ, chi hết 80.400 quan tiền.

Xác định thủy lợi là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, vua Gia Long xuống chiếu lệnh cho các quan Bắc Thành điều trần về việc tưới tiêu trong trồng lúa để hoạch định việc xây dựng hệ thống thủy lợi.

Hậu duệ của cụ Lê Đại cang còn lưu giữ những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn

Năm 1806, vua Gia Long đã chi 95.200 quan tiền để đắp 12 đoạn đê mới ở Bắc bộ. Năm 1808, vua cho đắp thêm 10 đoạn đê mới tại Sơn Nam thượng và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang có tổng chiều dài 1.500 trượng (1 trượng bằng 0,4m dài). Năm 1809, theo lời tấu của Đô chính Bắc Thành, nhà vua lại cho đắp thêm hai đoạn đê mới và gia cố 2 đoạn đê cũ, chi phí hết 87.000 quan tiền.

Đặc biệt, cũng vào năm 1809, vua Gia Long đã cho đặt chức quan Đê chính Bắc Thành chuyên coi về đê điều Bắc bộ, và cử Binh bộ Thượng thư Đặng Trần Thường làm Tổng lý và quan tham chính bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu làm tham lý. Từ đó, vua Gia Long quy định: Cứ tháng 10 âm lịch hàng năm, các quan phủ, huyện, trấn thuộc Bắc Thành phải phối hợp với quan Đê chính tiến hành kiểm tra hệ thống đê điều, hư hỏng chỗ nào sửa ngay chỗ đó.

Việc sửa chữa đê điều làm vào tháng Giêng hoặc tháng Hai âm lịch, đến tháng Tư phải hoàn tất. Đồng thời ban hành điều lệ về đê điều ở Bắc bộ; trong đó quy định chi tiết về quy mô, nguồn nhân lực từng loại đê và chi tiết đến cả giá thành từng trượng, thước đất đắp đê.

Từ năm 1809, hệ thống đê điều ở Bắc Thành phát triển đến 239.933 trượng (tương đương 960km), đến cuối thế kỷ 19 hệ thống đê này đã dài tới 2.400km.

Được vua “chọn mặt gửi vàng”

Đến đời vua Minh Mạng, theo đề nghị của các quan, nhà vua quyết định tăng cường nhân sự cho Nha môn Đê chánh. Đây là triều đại mà Lê Đại Cang được đề cử làm Đê chính Bắc Thành. Dưới triều Minh Mạng, hầu như năm nào cũng có các công cuộc trị thủy lớn ở Bắc Thành. Thậm chí, có những công trình quy mô lớn đến mức triều đình phải huy động hàng vạn người tham gia đắp đê. Điều đáng nói, không chỉ tiếp tục duy trì các luật lệ thưởng phạt về đê điều được ban hành từ triều vua Gia Long, vua Minh Mạng còn bổ sung nhiều điều luật chặt chẽ, nghiêm khắc hơn.

Ví như, năm 1827, từ vụ quan lại Bắc Thành thuê dân làm đê không đúng cách thức, vua Minh Mạng đã nghiêm khắc phê phán: “Việc đê quan hệ tới việc làm ruộng không nhỏ. Công việc sửa đắp, triều đình vốn không tiếc phí, làm không đúng cách thức là lỗi Hữu Ty”. Đồng thời, nhà vua còn dụ rằng: “Đắp đê là chống nước lụt cho dân yên ở, quan hệ lợi hại không nhỏ”. Vì thế, Hiệp trấn Sơn Nam Ngô Huy Viện đã bị cách chức, còn Tham hiệp trấn Vũ Tiến Huân thì bị đánh 100 trượng và phát đi làm lính cơ. Riêng Trấn thủ Lê Công Lý mặc dù đã chết vẫn bị thu lại bằng sắc.

Những kỷ vật từ thời cụ Lê Đại Cang truyền lại

Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 9/1828, Lê Đại Cang được vua Minh Mạng cử giữ chức quan quản lý đê chính Bắc Thành. Trên cương vị này, Lê Đại Cang từng bước chứng tỏ mình là một “kiến trúc sư” và là “chuyên gia trị thủy” xuất chúng.

“Sai Hữu Tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương (Cang) sung chức quản lý Đê chính, Vệ úy vệ Cường võ Ngô Tiến Đức sung chức Tham biện, Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Lý Nhân làm Viên ngoại lang ty Thận cần Đê chính”, sách Đại nam thực lục dẫn chỉ dụ của vua Minh Mạng. Sách này ghi cụ thể hơn: “Cương vào bệ từ, vua dụ rằng: “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu”.

Không phụ lòng tin của vua Minh Mạng, chưa đầy 2 tháng sau khi nhận nhiệm vụ, tháng 11/1828, Lê Đại Cang đã xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch củng cố và làm mới hệ thống đê Bắc Thành.

DƯƠNG LAM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-gia-tri-thuy-dat-viet-va-cuoc-doi-ba-chim-bay-noi-post225128.html