Chuyên gia tội phạm học: Tụ tập trà đá thâu đêm ở vỉa hè rất bất thường, dễ dẫn đến phạm tội

Chuyên gia tội phạm học - Trung tá Đào Trung Hiếu khẳng định việc thanh niên tụ tập đông trong đêm là hiện tượng bất thường, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, dễ xảy ra tệ nạn xã hội nên cần phải ngăn chặn.

Tối 1/12, tại ngã tư Xã Đàn – Đại Cồ Việt (nóc hầm Kim Liên – Hà Nội), hàng trăm cảnh sát bao vây nhóm thanh niên tụ tập trà đá giữa ngã tư, đưa gần 50 nam nữ thanh niên về đồn cũng hàng chục xe máy.

Qua kiểm tra nhanh, cơ quan chức năng phát hiện một số xe máy không rõ nguồn gốc, không gắn biển kiểm soát, người lái xe không xuất trình được đăng ký xe, giấy phép lái xe. Quá trình kiểm tra sau đó còn phát hiện một thanh niên mang theo gói nhỏ nghi là ma túy dạng cỏ.

Chia sẻ VTC News vế vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, việc thanh niên tụ tập đông trong đêm là hiện tượng bất thường và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, dễ xảy ra tệ nạn xã hội.

Video: Cảnh sát 'hốt' gần gần 50 thanh niên tụ tập trà đá giữa ngã tư Hà Nội về đồn

- Nhiều nhóm thanh niên thường xuyên tụ tập, đôi khi xuyên đêm tại Hà Nội, như trường hợp ở ngã tư Xã Đàn – Đại Cồ Việt vừa qua có bất thường không, thưa ông?

Trước hết, việc tụ tập đêm hôm với số lượng thanh niên lớn như vậy là một hiện tượng bất thường. Nếu việc này trở thành quy luật thì sẽ ẩn chứa nguy cơ dẫn đến một số hiện tượng vi phạm pháp luật, chẳng hạn như tập trung đua xe và cổ vũ đua xe trái phép.

Thứ hai, bản thân việc tập trung như vậy gây cản trở giao thông. Việc để xe hết dưới lòng đường ẩn chứa những nguy cơ xảy ra tai nạn cho những người tham gia giao thông trên đường.

Thứ ba, với số lượng thanh niên đông như vậy, rất dễ dẫn đến những câu chuyện khác về an ninh trật tự như ẩu đả, mâu thuẫn, có thể lôi kéo nhau đi đánh đấm, thanh toán nhau.

dao trung hieu

Khi một nhóm đông thanh niên tập trung không có sự kiểm soát thì chắc chắn đó là điều bất thường, không lành, ẩn chứa rất nhiều những nguy cơ khác nhau, và đây là hiện tượng cần phải được ngăn chặn.

Trung tá Đào Trung Hiếu

Trong quá trình thanh niên tụ tập, rất dễ phát sinh những mâu thuẫn đột xuất tại chỗ, có thể trở thành cuộc ẩu đả, hỗn chiến có đông đối tượng tham gia.

Bởi bản tính thanh niên thường bốc đồng cộng với tác động của chất kích thích có thể có như rượu bia, ma túy... rất dễ dẫn đến những cuộc ẩu đả các bên đều không dự kiến từ trước.

Thứ tư, việc tụ tập có thể phát sinh theo hướng sử dụng ma túy tập thể, bay lắc. Như trong đêm 1/12, trong quá trình kiểm tra cũng phát hiện một đối tượng mang theo ma túy dạng cỏ.

Chưa kể, tôi nghĩ rằng khi kiểm tra kiểm soát ở ngoài đường như vậy, các đối tượng cũng có đủ thời gian để vứt ma túy trong người đi.

Với những đối tượng đêm hôm tập trung như vậy thường có khả năng tàng trữ ma tuy để sử dụng và cùng với đó là ẩn chứa rất nhiều nguy cơ xảy ra như sốc ma túy, đã có rất nhiều tình huống sử dụng ma túy rồi chết.

Tóm lại, khi thanh niên tụ tập đông vào ban đêm, có rất nhiều khả năng xảy ra, rất nhiều những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

Khi một nhóm đông thanh niên tập trung không có sự kiểm soát thì chắc chắn đó là điều bất thường, không lành, ẩn chứa rất nhiều những nguy cơ khác nhau, và đây là hiện tượng cần phải được ngăn chặn.

- Những tụ điểm thanh niên tụ tập ban đêm như vậy ở Hà Nội có nhiều không, thưa ông?

Thực ra ở Hà Nôi, theo tôi biết, thời gian trước làm rất ngặt việc cấm hàng hóa bán sau 23h. Trừ những khu phố ẩm thực hay khu phố đã được quy định, còn buổi đêm trước đây phòng cảnh sát hình sự thường xuyên đi xử lý những cơ sở hoạt động kinh doanh quá giờ quy định như những quán game online, nhà hàng, vũ trường... Những tụ điểm hoạt động sau 23h đều bị kiểm tra nhắc nhở và xử lý.

Ở Hà Nội hiện tại, tôi nghĩ những tụ điểm này không nhiều. Với trường hợp những quán trà đá tụ tập rất đông thanh niên như vậy thì phải làm rõ vì sao những tụ điểm này lại có sức hút đông thanh niên như vậy, họ tập trung ở đấy để làm gì, đã thành quy luật chưa? Chắc chắn phải có một lợi ích nào đó, một nguyên nhân nào đó mới tập trung đông đối tượng như thế.

- Trách nhiệm quản lý địa bàn của lực lượng chức năng địa phương thế nào, thưa ông?

Ở đây cũng đặt ra câu chuyện về quản lý, về trách nhiệm quản lý địa bàn. Đây là hiện tượng phải nói là bất thường, chúng ta cần kiểm tra xem nó diễn ra lâu chưa, là tự phát hay có đối tượng tổ chức và mục đích của nó để làm gì?

Rồi liên quan đến trách nhiệm quản lý, xử lý. Như việc đơn giản nhất là chuyện cho khách hàng lấn chiếm vỉa hè lòng đường như vậy đã là vi phạm về trật tự quản lý đô thị rồi, trách nhiệm xử lý đối với những người bán hàng là như vậy và đánh giá xem cấp cơ sở đã làm đúng chưa, đúng vai trò, trách nhiệm của mình chưa?

- Có nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng ở Hà Nội đã hết điểm vui chơi, giải trí nên mới dẫn đến hiện tượng thanh niên tụ tập đêm hôm như vậy? Quan điểm của ông ra sao về ý kiến này?

Tôi không cho đây là tụ điểm vui chơi. Đây không được quy định là tụ điểm vui chơi, cũng không phải là tụ điểm văn hóa. Những quán hàng rong bán hàng phục vụ dân sinh đời sống hàng ngày thôi, còn nếu ban đêm tập trung nhóm đối tượng như vậy không thể coi là hoạt động vui chơi, giải trí vào cái múi thời gian, múi giờ như vậy được.

Các đối tượng ở đây chưa chắc đã tụ tập nhau đi chơi. Tụ tập như vậy rất dễ phát sinh những vấn đề khác, chẳng hạn như đua xe, hay sử dụng ma túy tập thể hoặc có thể là va chạm mâu thuẫn, đánh nhau, chém giết nhau…

Đấy không thể coi là hoạt động giải trí bình thường được mà có thể coi là hoạt động có dấu hiệu tệ nạn và tội phạm nếu không ngăn chặn kịp thời.

Do đó việc ngăn chặn triệt phá là cần thiết, không thể đổ lỗi cho việc không có khu vui chơi được.

Hàng trăm CSCĐ, cảnh sát 113 bao vây nhóm thanh niên tụ tập tại ngã tư Xã Đàn - Đại Cồ Việt (Hà Nội) tối 1/12.

Hàng trăm CSCĐ, cảnh sát 113 bao vây nhóm thanh niên tụ tập tại ngã tư Xã Đàn - Đại Cồ Việt (Hà Nội) tối 1/12.

- Chỉ huy Trung đoàn CSCĐ Hà Nội cho biết, trong những ngày diễn ra giải bóng đá và những tháng cuối năm, CSCĐ sẽ kết hợp cùng các lực lượng chức năng truy quét tất cả các tụ điểm tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự?

Rất cần thiết, vì thời điểm cuối năm có rất nhiều những sự kiện về chính trị, văn hóa xã hội.

Trước hết ta phải đánh giá đây là hiện tượng tự phát của nhóm thanh niên nào đó chứ không phải là hoạt động được nhà nước hay các tổ chức đoàn thể hợp pháp tổ chức. Đây là một nhóm tự phạt và hoạt động mang màu sắc tệ nạn, tội phạm.

Một vấn đề nữa là trước những giải bóng đá thì hiện tượng cá độ có thể xảy ra càng dễ dẫn dến mâu thuẫn, vay mượn, tiền nong sẽ phát sinh từ những hoạt động như vậy.

- Việc hạn chế những tụ điểm tập trung đông thanh niên vào ban đêm hiện nay có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Triệt phá các tụ điểm như thế này là rất cần thiết, trước mắt nó đảm bảo sự thông thoáng về hành lang an toàn giao thông, đảm bảo an toàn trật tự đô thị.

Thứ hai, kịp thời ngăn chặn những hệ lụy liên quan đến an ninh trật tự như tôi vừa phân tích ở trên. Khi không tụ tập nữa thì đương nhiên có thể hạn chế những sự việc không mong muốn có thể xảy ra.

- Lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình trong ngăn chặn, xử lý những tụ điểm tụ tập đông người ban đêm, thưa ông?

Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cơ sở, cuối năm gần đến, hoạt động phạm pháp của tội phạm sẽ ra tăng. Do đó hoạt động tuần tra kiểm soát cần tăng cường.

Việc thanh niên tụ tập đông vào ban đêm là hiện tượng bất thường và nó không phải là gì bí mật cả, nó công khai giữa đường. Vấn đề trách nhiệm quản lý địa bàn là làm sao tăng cường giám sát và phát hiện.

Cán bộ khu vực phải nắm sát địa bàn, khi có những dấu hiệu bất thường như vậy phải phát hiện kịp thời. Chúng ta có lực lượng cảnh sát trật tự đô thị, có trách nhiệm trước hết phải kiểm tra lại các hàng quán bán quá giờ quy định, những đối tượng tụ tập như thế nào? Kiểm tra xem trong người có hung khi hay những vật phạm pháp khác không?

Thứ hai là các lực lượng chuyên trách như cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, rồi những lực lượng nghiệp vụ khác, nắm bắt xem tình hình tụ tập ở đấy nhằm mục đích gì để lên kế hoạch ngăn chặn triệt phá.

Rồi bản thân những hàng quán, bán theo quy định của Hà Nội về quản lý đô thị vào những giờ như vậy có được phép hoạt động không, nếu không thì phạt ngay, xử phạt mạnh.

Thời điểm đến giờ dừng hoạt động kinh doanh phải có lực lượng tuần tra kiểm soát của công an phường, đi nhắc nhở các hộ dân, nếu không chấp hành sẽ xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Trường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-gia-toi-pham-hoc-tu-tap-dong-nguoi-xuyen-dem-rat-bat-thuong-de-dan-den-hanh-vi-pham-toi-d443078.html