Chuyên gia thẩm mỹ bác bỏ tin túi nâng ngực bị nổ do áp suất máy bay

TGTTO Các chuyên gia thẩm mỹ đều khẳng định, túi nâng ngực không thể vỡ do áp lực của máy bay. Họ cho rằng những thông tin này thiếu chính xác. Túi nâng ngực vỡ không bị xâm lấn, không nguy hiểm đến cơ thể.

PGS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết mỗi năm có hàng triệu phụ nữ đặt túi nâng ngực. Họ đều là những người giàu thường xuyên di chuyển bằng máy bay, nếu vỡ do áp suất máy bay thì không ai dám đặt. “Túi nâng ngực không hề dễ vỡ, kể cả khi bánh xe hơi đè lên”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân vỡ túi ngực do co thắt bao xơ. Nó có thể vỡ ngay lúc đầu phẫu thuật viên va chạm dụng cụ. Ngoài ra có thể họ đặt trong tình trạng nhiễm trùng gây co thắt bao xơ. Co thắt bao xơ làm túi nâng ngực co lại, làm cho túi ngực bị góc cạnh thì đó là yếu tố gây dễ vỡ. Vỡ do co thắt bao xơ là chủ yếu, không thể vỡ do áp lực.

Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khắc phục chuyện vỡ túi ngực không có khó gì cả, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đều có thể điều trị được.

Mỗi năm khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận, điều trị cho hàng chục bệnh nhân bị vỡ túi ngực. Theo bác sĩ Hùng đây là chuyện bình thường, không có gì khó khăn, ghê gớm.

PGS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM

bác bỏ tin túi nâng ngực bị vỡ do áp suất máy bay.

Người đặt có thể tự biết dấu hiệu vỡ, khi thấy 2 bên không đều nhau. Bên trái không đầy bằng bên phải. Khi thấy một bên vú mềm, không được tròn trịa thì đó là vỡ. Siêu âm, chụp MRI cũng cho kết quả túi nâng ngực còn hay vỡ.

“Khi bệnh nhân đến với chúng tôi, họ tự biết đã vỡ rồi. Khi vỡ có thể đến các cơ sở y tế có khoa phẫu thuật thẩm mỹ để lấy ra thôi chứ không có gì phải vội vàng cấp cứu. Lúc nào lấy ra cũng được, không có nguy hại gì cho sức khỏe của người đặt hết”, bác sĩ Hùng nói.

Nhìn vào hình ảnh, nạn nhân đưa lên mạng xã hội cho thấy một bên túi ngực vàng khè, một bên còn nguyên. Điều đó, cho thấy túi ngực của cô này đã vỡ lâu rồi. Nguyên nhân do co thắt bao xơ, vỡ là chuyện bình thường. Còn nói vỡ túi nâng ngực do áp lực máy bay thì không ai dám đặt.

"Thông tin khi đi máy bay, túi độn phải chịu áp suất lớn có nguy cơ nổ, vỡ là thiếu chính xác", tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y), khẳng định.

Bạn có thể đi máy bay, leo núi hoặc tham gia những môn thể thao khác nếu ngực đã ổn định và bình thường sau phẫu thuật, áp dụng phương pháp đặt túi dưới cơ, sử dụng size ngực nhẹ để ngực không chịu áp lực nặng nề.

Đặt túi độn với size quá lớn có thể gây chèn ép lồng ngực, khiến bạn dễ bị mệt, hô hấp khó khăn hơn trong điều kiện áp suất cao như ngồi máy bay hoặc leo núi. Vì vậy, túi ngực được chọn phải tương thích với cơ thể và không gây áp lực cho ngực.

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết thêm trong trường hợp xấu nhất khi túi độn bị vỡ, gel silicone bên trong túi cũng không gây nguy hiểm đến cơ thể. Chúng không xâm lấn, ăn sâu vào các tổ chức phía trong ngực, bác sĩ có thể lấy silicone ra khỏi ngực. Tuy nhiên, chất gel silicone để trong ngực quá lâu có thể gây bao xơ, u nang.

NGUYỄN OANH

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện tin một cô gái ở TP.HCM cho rằng túi nâng ngực của cô đã bị nổ do áp suất máy bay. Khi phát hiện túi ngực bị vỡ cô phải vào một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ để cấp cứu.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chuyen-gia-tham-my-bac-bo-tin-tui-nang-nguc-bi-no-do-ap-suat-may-bay-16506.html