Chuyên gia tâm lý: 'Video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube là rất nguy hiểm'

Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) nêu rõ: 'Trẻ nhỏ khi tiếp xúc với các clip như trên mạng xã hội chia sẻ như thử thách Momo những ngày vừa qua là rất nguy hiểm'.

Trẻ nhỏ bắt chước cái xấu rất nhanh

Thời gian gần đây, thông tin về việc 1 em bé người Anh bị tẩy não, tự dùng kéo cắt tóc của chính mình sau khi xem một số video từ Youtube đang khiến cộng đồng mạng xôn xao. Được biết, em bé trên đã xem hàng loạt video có chứa “thử thách Momo”.

Không những vậy, nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận hàng loạt trường hợp trẻ em có hành vi tự tử hoặc tự làm hại bản thân sau khi xem những video trên Youtube có liên quan đến nhân vật búp bê Momo.

Những đoạn video về búp bê Momo xuất hiện rất nhiều trên Youtube - Ảnh chụp màn hình

Những đoạn video về búp bê Momo xuất hiện rất nhiều trên Youtube - Ảnh chụp màn hình

Nhân vật búp bê Momo hay cụ thể là “Thử thách Momo” (Momo Challenge) được cho là trào lưu đến từ nước Anh. Trong các đoạn video “Thử thách Momo”, nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Búp bê Momo không chỉ xuất hiện trong các đoạn video làm riêng về mình mà còn được lồng ghép vào nhiều video hoạt hình “tủ” của thiếu nhi như Peppa Pig, Fortnite,… Theo đó, khi video hoạt hình đang chạy, đoạn video của Momo sẽ bất ngờ xuất hiện xen giữa với hình ảnh gương mặt đáng sợ của Momo kèm lời nói bằng tiếng Anh:

“Xin chào. Tôi là MOMO. Tôi là cơn ác mộng tồi tệ nhất của bạn. Tôi định giết bạn. Tôi sẽ giết bạn. Tối nay tôi sẽ ngủ cùng bạn và đến sáng bạn tiêu đời. Muốn một điều bất ngờ? Hãy nhìn vào mắt tôi. Không hề giả dối. Bạn sẽ đi đời… Ngủ ngon nhé, người bạn nhỏ. Và hãy nhớ về tôi” - Trích bản dịch rùng rợn.

Thử thách tự sát Momo đang bị chèn vào các video tưởng chừng vô hại dành cho trẻ em.

Tại Việt Nam, thật không khó để bắt gặp những đứa trẻ, dù còn nhỏ tuổi, nhưng đã mê xem các video trên Youtube, thậm chí có thể tự thao tác chọn video để xem.

Những đoạn video về búp bê Momo, thử thách Momo xuất hiện nhiều trên Youtube, internet, đặc biệt khi gần đây nhiều trường hợp trẻ có hành vi tự làm hại bản thân sau khi xem video Momo đã xảy ra khiến nhiều bậc phụ huynh Việt tỏ ra bất an, lo lắng.

Chia sẻ về tác hại khi trẻ tiếp xúc với những clip hướng dẫn bạo lực hay “thử thách Momo” trên mạng, bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) nêu rõ: “Trẻ nhỏ khi tiếp xúc với các clip như trên mạng xã hội chia sẻ những ngày vừa qua là rất nguy hiểm”.

Bác sĩ Nghĩa phân tích, ở trẻ nhỏ nhất là tuổi từ 3-5 bắt chước rất nhanh. Trong đó có thể là học theo cái xấu, hoặc học theo cái tốt. Tuy nhiên việc học cái xấu ở trẻ nhỏ rất dễ và nhanh hơn, ví dụ như ra ngoài thấy bạn nói bậy thì trẻ có thể bắt chước về nhà nói bậy rất nhanh.

Bố mẹ nên làm gì để con tránh xa những trào lưu nguy hiểm

Bác sĩ Nghĩa nêu rõ, nếu tiếp cận thử thách tự sát của Momo thì chắc chắn trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là những đứa trẻ cô đơn, không có sự giao lưu, thiếu tình cảm của bố mẹ và trẻ bị trầm cảm.

“Không riêng gì trẻ nhỏ thiếu sự quan tâm của bố mẹ, ngay cả đứa trẻ sống trong môi trường và nhận thức bình thường cũng dễ bị ảnh hưởng và làm theo thách thức này. Bởi nhận thức của trẻ chưa hoàn thiện, chưa hiểu về cái chết. Các cháu vẫn nghĩ chết xong sẽ được hồi sinh như trong chuyện cổ tích và cứ thể làm theo. Điều này vô cùng nguy hiểm, có thể để lại hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Nghĩa cho hay.

Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương).

Còn những đứa trẻ cô đơn, chán nản, không được quan tâm bác sĩ Nghĩa cho rằng chúng càng dễ bị dụ dỗ hơn, nghĩ tự sát là để giải thoát và sẵn sàng làm theo ai đó mách bảo.

Trong trường hợp trò chơi này không gây ra cái chết thì vẫn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Đó là những sức ép về mặt tinh thần, thậm chí sang chấn tâm lý… khi tham gia vào trò chơi đó, não tiết ra các chất tạo cảm giác thăng hoa, thoải mái, cứ rời khỏi đó là cảm thấy khó chịu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh hoạt và học tập của trẻ.

Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) cho rằng, gia đình và nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Đối với gia đình cần phải kiểm soát được trẻ xem clip có nội dung gì. Tuyệt đối, không cho trẻ xem các hình ảnh, clip có nội dung bạo lực, không mang tính giáo dục.

“Trẻ nhỏ bây giờ rất thông minh, có thể tự mở và sử dụng thiết bị điện tử từ rất nhỏ. Khi vào được mạng, trẻ sẽ xem trên đó nên rất dễ bị cám dỗ. Vì thế, bố mẹ không còn cách nào khác là phải dạy dỗ, kiểm soát trẻ và phải hướng dẫn trẻ đi đúng đường. Hơn thế nữa là hãy hạn chế dùng điện thoại vào mạng trước mặt con, mà hãy dành thời gian quan tâm con nhiều hơn”, bác sĩ Nghĩa nói.

Về phía nhà trường cần kết hợp gia đình giáo dục, tuyên truyền cho trẻ dần hiểu và hình thành ý thức, biết chọn lọc thông tin.

Ngày 1/3, thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, đơn vị này vừa yêu cầu Google, đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube có hành động cụ thể với các clip hướng dẫn tự sát.

Theo đó, văn bản của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại trên không tiếp tục xuất hiện trên YouTube.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ. Trường hợp người dân phát hiện những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng.

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/chuyen-gia-tam-ly-video-huong-dan-tre-em-tu-sat-tren-youtube-la-rat-nguy-hiem-4697590.html