Chuyên gia tâm lý hàng đầu Mỹ nói về bạo lực học đường

Năm học 2010-2011, ngành giáo dục có thêm một chủ đề mới là 'Nói không với hành vi bạo lực'. Thế nhưng năm học mới vừa bắt đầu đã rộ lên nạn bạo lực học đường.

Nhân dịp GS-TS Amal Sedky Winter - chuyên gia tâm lý hàng đầu của Mỹ với hơn 30 năm làm việc trên lĩnh vực bạo hành và hòa bình - sang VN, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn bà, đồng thời nghe bà chia sẻ những kinh nghiệm của Mỹ giúp hạn chế bạo hành học đường ở nước này.

* Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường?

- Từ năm 1960 đến nay, đã có nhiều chương trình nghiên cứu tình trạng bạo lực học đường. Kết quả nghiên cứu ấy cho thấy: những cảnh bạo lực trên phim ảnh có tác động nhất định đến người lớn và trẻ em. Khi nào còn phô diễn những cảnh bạo lực thì con em chúng ta sẽ lãnh đủ, ngay cả trong trường học.

GS-TS Amal Sedky Winter - chuyên gia tâm lý hàng đầu của Mỹ

Trong gia đình, trẻ chứng kiến những cảnh bạo lực thì khi lớn lên, chúng cũng thường dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề của mình. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà bạo hành rất phổ biến. Đọc tin tức báo chí, các bạn cũng thấy tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng.

* Làm thế nào để hạn chế và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường? Ở Mỹ, giải quyết tình trạng này như thế nào, thưa bà ?

- Ở Mỹ, khi chiếu những cảnh bạo lực trên ti vi thì luôn có những cảnh báo: không được chiếu cho trẻ em xem. Mỹ và châu u có quy định giờ xem ti vi dành cho trẻ em đồng thời cũng đánh động phụ huynh rằng (phụ huynh - NV) không được bật ti vi và xem đó như là cô bảo mẫu giữ trẻ để họ làm việc khác.

" Để chống lại bạo lực học đường, phải tìm mọi cách làm sao lôi kéo người có thái độ bàng quan vào cuộc. Họ phải có nhiệm vụ can thiệp để chặn đứng vụ việc hoặc báo cáo cấp trên để cấp trên giải quyết".

Có nhiều phương pháp chống tình trạng trẻ đánh nhau, bắt nạt nhau trong trường học. Chắc chắn đây là một chương trình phức tạp vì liên quan đến nhiều người khác nhau nên phải kết hợp nhiều biện pháp (gia đình, nhà trường…). Bạo lực là một hình thức lạm dụng quyền lực để đạt được điều gì đó. Khi không có ai ngăn chặn thì hình thành bạo lực trong gia đình và trong học đường. Trong trường học, thông thường tình trạng bắt nạt xảy ra giữa học sinh (HS) khi giáo viên, người có quyền ngăn chặn áp chế, không có mặt ở đó.

Vấn đề đặt ra là bạo lực học đường không phải chỉ từ hai phía HS mà là cả ba phía, gồm: người áp chế, nạn nhân và người đứng bên cạnh nhưng không làm gì.

Cảnh từ video clip nữ sinh trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) bị đánh hội đồng mới diễn ra đầu tháng 9

Do đó, để chống lại bạo lực học đường, phải tìm mọi cách làm sao lôi kéo người có thái độ bàng quan vào cuộc. Họ phải có nhiệm vụ can thiệp để chặn đứng vụ việc hoặc báo cáo cấp trên để cấp trên giải quyết.

Ở Mỹ, trường học có quy định HS khi chứng kiến hành vi bạo lực phải lên tiếng. Tôi có cô cháu gái học tại một trường trung học. Ngày thường cháu rất rụt rè nhưng khi gặp tình huống bạo lực trong trường học, cháu trở nên mạnh mẽ đến không ngờ, sẵn sàng gặp thầy giáo để "tố cáo" người bạn chứng kiến cảnh bạo lực trong trường mà không chịu lên tiếng. Không phải cháu tôi muốn chứng tỏ mình giỏi hơn người khác, mà đó là quy định của trường học và các cháu được dạy dỗ phải làm như thế. Nếu cháu tôi không đi báo với thầy giáo thì cháu sẽ bị khiển trách. Mỗi HS trong trường phải có nhiệm vụ bảo vệ người khác, có trách nhiệm với người khác và ngược lại.

* Khi đã xảy ra tình trạng bạo lực học đường, làm thế nào để HS bắt nạt và HS bị bắt nạt có thể "chung sống" hòa bình trong lớp, trong trường?

- Theo tôi, nên có biện pháp tách 2 HS ra 2 lớp khác nhau. Không thể để 2 đứa trẻ tự giải quyết với nhau mà nhà trường phải có trách nhiệm, có quy định ngăn chặn bạo lực học đường. Cần có một chiến dịch rộng khắp trong trường để tránh tình trạng em này áp chế em kia. Bạo lực cần được ngăn chặn ngay từ đầu chứ không thể đợi đến khi đã xảy ra.

* Tư vấn học đường có vai trò như thế nào để góp phần giảm bạo lực trong trường học, thưa bà?

- Nếu như tôi là chuyên gia về tâm lý trong trường thì tôi sẽ tìm cách giáo dục kể cả hiệu trưởng, giáo viên lẫn phụ huynh và các em HS về tác hại của bạo lực học đường. Cung cấp kiến thức chống bạo lực học đường cho tất cả những chủ thể trên thì may ra mới có hiệu quả.

Và ở trong trường học, nên tổ chức những khóa hội thảo cho những em dậy thì, vị thành niên để các em rút ra những kỹ năng giải quyết bạo lực học đường. Tất nhiên, một chuyên gia tâm lý thì có thể làm nhiều việc khác chứ không chỉ chống bạo lực học đường.

GS-TS Amal Sedky Winter là chuyên gia tâm lý cộng đồng, tâm lý xã hội, đạo đức chuyên môn và trị liệu gia đình. Bà còn là giám sát điều trị cấp tiến sĩ, chuyên gia hòa giải tòa án. Nhiều năm liền, bà đã đào tạo hàng loạt khóa học về phòng chống bạo hành trong gia đình và lạm dụng trẻ em. Từ năm 1998-2008, bà là thành viên ban điều hành Hội Chuyên gia tâm lý quốc gia, Washington D.C. Bà nhận giải thưởng Tâm lý Hòa bình năm 2008 của Hội Tâm lý Hoa Kỳ. Từ 2007 đến nay, bà tham gia giảng dạy tại trường ĐH Giáo dục thuộc trường ĐH Hoa Kỳ tại Cairo - Ai Cập.

Một số vụ bạo lực học đường thời gian qua

* Sáng 16.9, do mâu thuẫn trước đó nên 2 HS của trường THPT bán công Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) là Võ Nhật Hoàn và Phạm Văn Hoàng, đều học lớp 10 đã dùng hung khí rượt đánh nhau trong giờ ra chơi. Hậu quả là Nhật Hoàn đã tử vong sau khi bị Văn Hoàng đâm 2 nhát dao.

* Trưa 8.9, nữ sinh Nguyễn Thị Hà Như - lớp 12A6 trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) đã bị đánh hội đồng bởi Nguyễn Thị Hương Trà - lớp 12B1 trường THPT Hữu Nghị và là một vận động viên karatedo cùng 2 cô gái khác đã bị đuổi học. Trong video clip tải trên mạng có tiếng nói của một số người đứng xem và bàn tán vụ việc nhưng không can thiệp.

* Ngày 31.3, Dương Quốc Bảo - HS lớp 7A2 trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bị nhóm bạn nam đánh hội đồng ngay tại lớp.

* Ngày 30.3, Võ Thanh Thảo - HS lớp 8A3 trường THCS Lê Lai, Q.8 (TP.HCM) đã bị 2 người bạn cùng lớp đánh đến ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.

* Trong lúc vui chơi giờ giải lao, Nguyễn Quỳnh Anh giẫm vào chân Vũ Ngọc Diệp (cả hai đều là HS lớp 10 trường THPT Trần Nhân Tông, TP Hà Nội) khiến hai bên cự cãi nhau. Chiều 3.3, Diệp rủ một số HS đã bỏ học ở trường khác kéo Anh đi đánh hội đồng ở một vườn hoa. Vụ việc này liên quan đến 10 HS, trong đó có những HS bàng quan đứng/ngồi xem hoặc dùng điện thoại quay lại cảnh ẩu đả để phát tán trên mạng...

Từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 7.2010, cả nước xảy ra 1.600 vụ HS đánh nhau. Trong đó, hơn 700 HS đã bị đuổi học, gần 1.000 HS bị khiển trách, 1.500 HS bị cảnh cáo.

Nguyễn Như (tổng hợp)

Như Lịch
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/chuyen-gia-tam-ly-hang-dau-my-noi-ve-bao-luc-hoc-duong-166454.html