Chuyên gia quốc tế: Quân đội Nga mắc sai lầm trong tác chiến trên chiến trường Ukraine

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 3. Nhân dịp này, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã nhìn lại những 'sai lầm' của quân đội Nga trong thời gian qua.

Giới chuyên gia cho rằng, dù Nga ban đầu mở cuộc tiến công trên nhiều mặt trận, họ đã không thể giành được thế thượng phong ở trên không. Quân đội Nga đã tung vào trận hàng đoàn xe tăng nhưng lại thiếu sự yểm trợ từ trên không. Ngoài ra, dường như họ đánh giá thấp sức mạnh kháng cự từ phía Ukraine.

Xe tăng của phe nổi dậy treo cờ Nga ở miền Đông Ukraine. Ảnh: AP.

Xe tăng của phe nổi dậy treo cờ Nga ở miền Đông Ukraine. Ảnh: AP.

Các bộ tổng tham mưu quân đội phương Tây nhìn chung nhất trí rằng ban đầu Nga đặt mục tiêu hạ gục các lực lượng Ukraine trong một chiến dịch chớp nhoáng, nhưng lực lượng tình báo Nga có lẽ chưa đánh giá chính xác tình hình.

Alexander Khramchikhin – Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự (Nga), nhận định: Ban lãnh đạo Nga cho rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ tương tự như đợt sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Ông Khramchikhin nói: “Họ nghĩ rằng quân đội Nga sẽ được hoan nghênh trên toàn lãnh thổ Ukraine. Rõ ràng là Bộ tư lệnh quân đội Nga chưa được chuẩn bị cho tình huống vấp phải sức kháng cự mạnh”.

Vincent Tourret – nghiên cứu viên tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (Pháp), nhất trí với ông Khramchikhin. Ông Tourret nói: “Người Nga đã đánh giá thấp sự cân bằng sức mạnh… Quân Nga tiến vào Ukraine với quá nhiều mục tiêu, họ hoàn toàn bị phân tán trên lãnh thổ đối phương”.

Vào ngày 24/2/2022, Nga phát động cuộc tiến công quân sự nhằm vào lãnh thổ Ukraine trên 3 mặt trận cùng một lúc. Nghĩa là, khoảng 150.000 quân Nga được trải ra 3 hướng khác nhau: Ở phía Bắc (hướng về Kiev), ở phía Đông, và ở phía Nam.

“Chưa giành được ưu thế trên không và chưa phối hợp hiệu quả”

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, Nga đã mắc phải một sai lầm lớn khi triển khai lực lượng trên bộ mà không giành được quyền kiểm soát bầu trời từ trước đó, dù Nga đã huy động tới 500 máy bay.

Một phi công Pháp giấu tên nói rằng giành ưu thế trên không là điều căn bản quyết định mọi thứ trong xung đột quân sự hiện đại.

Viên phi công này bình luận: “Họ lẽ ra phải loại bỏ được từ đầu các chiến đấu cơ, radar, các hệ thống không đối đất, các đường băng của Ukraine”.

Các chuyên gia cũng nhận định, hoạt động di chuyển trên bộ của quân Nga có vẻ không tốt lắm do những yếu kém trong chuỗi chỉ huy và công tác huấn luyện.

Các đơn vị tinh nhuệ của Nga đã nhảy dù xuống sân bay quan trọng Hostomel mà không hề được yểm trợ. Còn các xe tăng Nga lăn bánh trên chiến trường Ukraine theo các đoàn dài và đôi khi không được yểm hộ, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị công kích bởi lực lượng Ukraine với sự hỗ trợ của UAV chiến thuật Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

William Alberque – Giám đốc Chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh), nhận định: “Kỷ nguyên xe tăng vẫn chưa hẳn kết thúc. Xe thiết giáp hoạt động tốt khi được kết hợp với pháo, bộ binh, và yểm trợ đường không”. Ông này cho rằng giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã thiếu vắng yếu tố phối hợp này.

Đã vậy, các đòn không kích của Nga được cho là chưa chính xác lắm. Nguồn tin từ chính phủ Mỹ thì cho rằng chỉ có 50% các cuộc không kích của Nga bằng tên lửa hành trình là đánh trúng mục tiêu.

Trong khi đó, một nguồn tin quân sự châu Âu cho biết, quân Ukraine đã thực hiện chiến dịch nghi binh hiệu quả. Theo nguồn tin này, quân đội Ukraine không cố bảo vệ biên giới trong tầm đạn pháo của đối phương, mà thay vào đó, họ phân tán vũ khí phòng không và lực lượng không quân, tập kết ở các thành phố để gây khó cho cuộc tấn công của Nga.

Sau một tháng tác chiến, quân đội Nga đã không hạ gục được thành phố Kiev và phải thay đổi chiến lược, tập trung vào chinh phục vùng Donbass ở phía Đông giáp Nga.

Chuyên gia Alberque đánh giá, sau khi Nga thay đổi định hướng chiến lược thì họ bắt đầu có được sự thống nhất về chỉ huy và về mục tiêu.

Ông này cho biết thêm, ở miền Đông Ukraine, địa hình có nhiều sông ngòi và rừng nên sẽ bất lợi cho quân Nga, nhưng hậu cần của Ukraine lại gặp khó khăn do vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine lại được gửi tới miền Tây nước này./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch Nguồn: AFP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-gia-quoc-te-quan-doi-nga-mac-sai-lam-trong-tac-chien-tren-chien-truong-ukraine-post939836.vov