Chuyên gia quốc tế nói gì về ý tưởng quy hoạch Đà Nẵng 10 năm tới?

Ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đưa ra tại hội thảo sáng 23-8 đã gặp phải phản biện không khoan nhượng từ nhiều chuyên gia quốc tế. Theo nhìn nhận, những ý tưởng quy hoạch này thiếu tính mới mẻ và đặc sắc.

Ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đưa ra tại hội thảo sáng 23-8 đã gặp phải phản biện không khoan nhượng từ nhiều chuyên gia quốc tế. Theo nhìn nhận, những ý tưởng quy hoạch này thiếu tính mới mẻ và đặc sắc.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo lấy ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng tới 2030, tầm nhìn 2045, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch TP đã chỉ ra những áp lực lớn mà đô thị Đà Nẵng đang phải đối mặt sau giai đoạn phát triển khá “nóng”. Chẳng hạn như vấn đề nước thải đô thị, quá tải giao thông, thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, giai đoạn tới Đà Nẵng phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 12%/năm, phải trở thành đô thị sinh thái, thông minh, có bản sắc... Những yêu cầu đó đòi hỏi quy hoạch cũng như thiết kế chiến lược phát triển kinh tế TP phải đủ tầm và là động lực đúng nghĩa. Tuy vậy, theo ý tưởng mà Surbana Jurong đưa ra, ít nhiều đã được các chuyên gia đề cập trước đó, thậm chí có những ý tưởng như xây dựng hệ thống tách nước mưa và nước thải thì TP đang triển khai.

Ý tưởng chưa đột phá

Cụ thể, Surbana Jurong đưa ra 3 lựa chọn về chiến lược hàng không gồm chuyển sân bay vào Quảng Nam, chuyển sân bay ra biển và giữ nguyên vị trí hiện tại (hợp tác chặt chẽ với sân bay Phú Bài, Chu Lai cùng khai thác nguồn khách). Với cảng biển, Surbana Jurong đưa ra 2 phương án gồm tách cảng Liên Chiểu (cảng chính cho hàng hóa, logistics), cảng Tiên Sa sẽ làm du lịch là chính, có bổ sung logistics cho cảng Liên Chiểu. Phương án thứ 2 là mở rộng cảng Tiên Sa cho cả du lịch và logistics, không phát triển cảng Liên Chiểu. Về đường sắt tốc độ cao và nhà ga, Surbana Jurong nêu 2 lựa chọn, thứ nhất là nằm giữa QL1A và cao tốc, như vậy sẽ chia cắt một số ngọn đồi và bãi rác hiện tại, nhưng gần với đường bờ biển và khu vực thành phố hiện tại. Lựa chọn thứ 2 là sẽ đặt dọc đường cao tốc (thu phí), như vậy sẽ cắt qua một số dự án đã được phê duyệt, nhưng đổi lại tiết kiệm đất, không phải chia cắt thành phố thành nhiều phần. Về quả lý nguồn nước, xuất phát từ địa hình, khí hậu, Surbana Jurong đề xuất xây dựng Đà Nẵng là “thành phố ngàn hồ”. Vào mùa mưa sẽ giữ nước ở các hồ trên núi không cho tràn xuống phố gây ngập lụt. Mùa nắng sẽ xả nước dự trữ từ các hồ này, đồng thời xây đập ngăn mặn ở các cửa sông để chống tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Về rác thải, Surbana Jurong nêu ra 2 vị trí tiềm năng làm bãi chôn lấp chất thải rắn ngoài khu đô thị, ở phía bắc và nam của Đà Nẵng, nơi có thung lũng lớn được bao bọc bởi các ngọn núi, sau năm 2045 sẽ đốt rác.

Về không gian phát triển đô thị, dựa trên đặc điểm tự nhiên với bản sắc mạnh mẽ Surbana Jurong nêu ý tưởng chia TP thành 3 khu vực phát triển. Theo đó, khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông với nhiều cảnh quan mặt nước. Khu công viên nằm ở giữa thành phố với những ngọn đồi và cây xanh tươi tốt, phát triển mật độ thấp do vùng đất đồi hạn chế phát triển (gồm cả đất nghĩa trang và quân khu). Khu sườn đồi là khu vực sườn núi phía tây với đặc điểm các đồi sinh thái. Theo phương án này, Đà Nẵng sẽ có 2 vành đai phát triển từ núi xuống biển gồm phía Bắc (phát triển khu công nghiệp CNC và CNTT), phía Nam (khu đổi mới sáng tạo kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao). Cũng theo phương án này, giao thông sẽ được thiết kế gồm các đường cao tốc (5-8 km có một cao tốc) kết nối với các tuyến đường vành đai, huyết mạch, đường chính nội đô. Ngoài ra Surbana Jurong cũng nêu ý tưởng phát triển bền vững Đà Nẵng nhờ các mảng xanh, môi trường, xây dựng thành phố thông minh...

Phản biện không khoan nhượng

Tiến sĩ Shigehisa Matsumura phản biện ý tưởng quy hoạch chung từ Surbana Jurong.

Xung quanh những ý tưởng quy hoạch chung của Surbana Jurong, Tiến sĩ Shigehisa Matsumura, chuyên gia cao cấp của Nikken Seikkei (Nhật) nói, phải đặt vấn đề phát triển Đà Nẵng liên kết với địa phương lân cận, nhất là Quảng Nam.

Trong đó, nên tập trung đô thị hóa khu vực phía nam giáp Quảng Nam. Đặc biệt, Đà Nẵng không thể cạnh tranh với Hà Nội, TPHCM về kinh tế, nhưng có thể cạnh tranh về môi trường sống, sẽ phải là nơi có môi trường sống tốt của quốc tế, nên tập trung vào yếu tố này. Ngoài ra, vị tiến sĩ này cũng chia sẻ, cần phải nghiên cứu những quy hoạch cũ và thực tế phát triển ra sao để tính toán phù hợp, tránh tình trạng quy hoạch nhưng không thể biến thành hiện thực. Trong khi đó, ông Olivier Soquet, chuyên gia tư vấn DE-So (Pháp) cho biết trong ý tưởng Surbana Jurong đưa ra chưa nhìn thấy nghiên cứu sâu về dự án giao thông hỗn hợp. Chưa có sự tích hợp giữa đường sắt cao tốc với cảng biển, sân bay, đường bộ kết nối các khu vực lân cận. Đây đang là thách thức lớn mà Đà Nẵng phải đối mặt, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai. Ngoài ra, với nguy cơ biến đổi khí hậu, bão gió nhiều ở Đà Nẵng, việc phát triển mảng xanh đang đặt ra thách thức, đó là điều quan trọng trong tương lai nhưng cũng chưa thấy Surbana Jurong đưa ra chiến lược phát triển mảng xanh thuyết phục. Đặc biệt, Surbana Jurong không nói gì về nông nghiệp CNC để tự chủ nguồn lương thực cho Đà Nẵng. Nên nhớ, Paris phát triển đô thị như thế nhưng vẫn dành chỗ để phát triển nông nghiệp CNC trong đô thị. Theo ông Olivier đường sắt tốc độ cao cần đặt tại khu vực làng đại học phía nam Đà Nẵng và kết nối với Hội An.

Chuyên gia phản biện Ame Engelhart, Giám đốc Văn phòng SOM Kongkong cho rằng, mọi mũi tên quy hoạch đều hướng mở ra vùng ven, nhưng nên quay lại tập trung vào đô thị nén ở trung tâm. Theo bà Ame, Đà Nẵng không cần nhiều đất như vậy để phát triển, mà nên nén vào khu vực trung tâm, với chất lượng hạ tầng tiên tiến, thông minh nhằm tăng dân số đô thị, tăng GDP. Việc phát triển đô thị vùng ven sẽ có mật độ dân số thấp trong khi các thách thức về hạ tầng không theo kịp, chất lượng thấp. Bà Ame cũng cho rằng, riêng sân bay Đà Nẵng không thể đem vào Quảng Nam cũng không thể mang ra biển, cần giữ nguyên nhưng có liên kết chặt chẽ với các sân bay Phú Bài và Chu Lai.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nói rằng ý tưởng ngàn hồ trong thành phố mà Surbana Jurong nêu ra không khả thi. Bởi lẽ Việt Nam là xứ nhiệt đới, nước lưu chuyển mới tốt, còn nước lưu đọng sẽ ô nhiễm thậm chí phát sinh bệnh dịch. Ông Nam cho rằng Đà Nẵng cần quy hoạch đô thị sân bay phù hợp để giảm áp lực hạ tầng hiện nay, giữ cảnh quan sinh thái đặc trưng núi đồi biển cả là nét đô thị sinh thái đặc trưng trong tương lai.

Hiện quy hoạch chung Đà Nẵng do Surbana Jurong vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và những phản biện, góp ý tưởng của chuyên gia sẽ giúp đơn vị tư vấn chọn lọc, bổ sung để có bản quy hoạch đúng tầm và chất lượng.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_211496_chuyen-gia-quoc-te-noi-gi-ve-y-tuong-quy-hoach-da-.aspx