Chuyên gia quốc tế cho rằng không nên đánh đồng chuyển giá với trốn thuế

Giới chuyên gia quốc tế giải thích chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, cách nhìn phổ biến hiện nay lại đánh đồng chuyển giá là công cụ trốn thuế, tức hành vi vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Theo cách hiểu thông thường, chuyển giá được xem là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu.

Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Trong đó, đối tượng chịu tác động chính là giá cả.

Tại Việt Nam lâu nay, chuyển giá vẫn được xem là hoạt động tiêu cực, bất hợp pháp vì không khác gì trốn thuế. Tuy nhiên tại hội thảo "Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới" diễn ra sáng 9.11, vấn đề này đã được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá một cách rõ nét và cụ thể hơn.

Hội thảo "Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới" - Ảnh: TIN

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội bày tỏ quan ngại khi cách nhìn nhận khá phổ biến tại Việt Nam về chuyển giá là công cụ trốn thuế và hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ông Adam, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Do đó cần phải có phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí/cổ phần.

Đồng quan điểm, ông Wayne Barford - cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, Cựu trợ lý Ủy viên Sở Thuế vụ Úc, một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề thuế - khẳng định: "Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp".

Ông lý giải: Chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng chuyển giá có nhiều cách hiểu. Ở Việt Nam, chuyển giá là hành vi dẫn đến lách thuế, trốn thuê. Với các tập đoàn xuyên quốc gia, giao dịch liên kết là việc hết sức bình thường. Vì vậy cần làm rõ hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, thế nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.

Bà Hương Vũ - Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam cũng nhìn nhận 2 mặt khác khau của vấn đề chuyển giá, đó là "lạm dụng chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận" và "hoạt động chuyển giá tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế".

Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cho biết mỗi năm có khoảng từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh. Có những thời điểm, tại một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như TP.HCM, Bình Dương..., tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách.

Một số tình huống kê khai lỗ điển hình ở Việt Nam thời gian qua thu hút sự chú ý của dư luận là Coca-Cola và Pepsi. Với Coca-Cola, Cục Thuế TP.HCM cho biết từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh số yếu bởi thực tế sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm.

Đến thời điểm tháng 12.2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola tại Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỉ đồng. Năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam nghi án chuyển giá của công ty này. Tuy nhiên, bằng chứng để chứng minh Coca-Cola Việt Nam chuyển giá là rất yếu.

Pepsi là trường hợp tương tự khi hoạt động suốt gần 20 năm tại Việt Nam nhưng liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, do mức tăng trưởng tiềm năng quá lớn của thị trường nước giải khát Việt Nam, Pepsi vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh/thành khác để mở rộng thị phần.

Ngoài ra còn nhiều trường hợp điển hình khác của Adidas, Metro, Keangnam... Tình trạng trên cho thấy cơ quan quản lý cần có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này, nhất là những giao dịch nội bộ hợp pháp giữa các doanh nghiệp trong những tập đoàn đa quốc gia để tránh tạo ảnh hưởng tiêu cực với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/chuyen-gia-quoc-te-cho-rang-khong-nen-danh-dong-chuyen-gia-voi-tron-thue-100607.html