Chuyên gia quản trị nhân sự quốc tế Bob AuBrey: 'Cần một mô hình quản lý nhân sự cho ASEAN'

TS. Bob Aubrey (*), người từng thiết kế hệ thống nhân sự cho các công ty hàng đầu thế giới như Apple, tác giả của nhiều cuốn sách giá trị về kinh tế viết bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Trung…, cho rằng cần sớm có cộng đồng nhân sự và cách thức quản lý nhân sự của khu vực ASEAN, với những đặc tính riêng có, chứ không phải là áp đặt những chuẩn mực của châu Âu, Mỹ hay châu Á nói chung.

TS. Bob Aubrey (Ảnh VNHR)

Quan điểm này của ông được trình bày tại Vietnam HR Sumit 2018 “Chuyển đổi để thành công” diễn ra ngày 5/10/2018 tại TP HCM do CLB nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức, đã gây sự chú ý của hơn 800 doanh nhân, người làm nhân sự tham dự diễn đàn.

Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển con người và quản trị nhân sự (HR), từng sống và làm việc tại châu Âu, và từ 1990 Bob Aubrey đã nhìn thấy rất nhiều thay đổi ở Trung Quốc nên ông quyết định chuyển sang làm việc ở Trung Quốc..

Vietnam HR Sumit 2018 với chủ đề chính là “Chuyển đổi để thành công”, với các nội dung chuyên sâu được thiết kế để phù hợp với từng đối tượng tham dự: Phòng Chiến lược đề cập ở góc nhìn vĩ mô, tổng thể, xu hướng…thích hợp với các chuyên gia chiến lược, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu; Phòng Tổ chức là vấn đề mà nhà quản lý nhân sự thường xuyên phải đối diện; và phòng Ứng dụng là những chia sẻ thực tiễn nhất với những tranh luận hấp dẫn, góc nhìn đa chiều từ những CEO dày dạn kinh nghiệm trong và ngoài nước.

TheLEADER là đối tác truyền thông của sự kiện quốc tế thường niên này.

Ông đã thành lập công ty ở Trung Quốc, và thành lập trường đại học đầu tiên của Apple bên ngoài nước Mỹ, dạy khóa học phát triển cá nhân đầu tiên tại đại học Trung Quốc. Nhận thấy châu Á và ASEAN là khu vực quan trọng, ông đã chuyển sang sống ở Singapore 10 năm nay để từ đó có sự hiểu biết về khu vực ASEAN, và đưa ra sáng kiến thành lập tổ chức nhân sự ASEAN.

HR trước thách thức công nghệ

Theo Bob Aubrey, nhân sự là nghề quản lý con người, nhưng nó cũng đang chịu thách thức dữ dội bởi công nghệ: “Sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra nhanh chóng, tôi từng nghe một số giám đốc khu vực chia sẻ họ đã có kế hoạch giảm khoảng 1/3 nhân sự, vì công nghệ sẽ thay thế công việc quản trị nhân sự mà con người đang làm. Các chức năng IT, kỹ sư cũng bị thay thế bởi robot.

Ví dụ mô hình kinh doanh mới ở khu vực như Grab, ai là người chịu trách nhiệm với 2.000 người, rồi tới 4.500 người… và giờ là hơn 2 triệu 500 ngàn người lái xe cho Grab? Tất cả được quản lý bởi công nghệ. Hầu hết con người trong mô hình mới này đều hoạt động độc lập, với những công việc rất linh động. Xu hướng thuê ngoài, làm nửa thời gian, hoặc toàn thời gian… đang trở thành phổ biến, công việc HR cũng có thể được thuê ngoài.

Nghề quản lý con người không phải bị biến mất, mà đang thay đổi một cách căn bản. Trí tuệ nhân tạo đang trở thành quan trọng. Kiếm người có bằng thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo có thể thay thế rất nhiều công việc mà chúng ta đang làm. Nền tảng quản trị nhân sự, đào tạo, quản lý thay đổi liên tục”.

Bob Aubrey cho rằng với Việt Nam, sự chuyển đổi về quản lý từ phong cách của phương Tây đang chuyển sang phong cách quản lý châu Á, cùng với sự chuyển đổi về dân số, trí tuệ tới những vùng có nhiều người nhất ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực ASEAN. Trong 5 năm tới, 250 triệu người sẽ trở thành tầng lớp trung lưu, con số này rất quan trọng, những người chúng ta quản lý đang thay đổi việc làm của mình, sáng tạo ra ý tưởng mới.

Vậy đâu là mô hình quản lý tương lai? Đâu là mục tiêu? Mối quan hệ nào chúng ta đang có? Làm thế nào thay đổi tổ chức? Mô hình quản lý của Việt Nam có gì khác với mô hình quản lý truyền thống?

"Phải nghĩ ra mô hình HR của mình"

So sánh với mô hình quản lý của Hoa Kỳ, vốn được coi là mẫu mực suốt một thời gian dài, ông Bob Aubrey cho rằng: “ Mô hình quản lý cổ đông của Mỹ luôn có sự căng thẳng trong đó, và đang trở nên lỗi thời. Nhất là khi ông Trump được bầu làm tổng thống khiến mô hình quản lý của Hoa kỳ có sự suy giảm kèm theo suy giảm uy tín của nước Mỹ, tác động đến mô hình HR. Mọi thứ đều ngắn hạn, vì nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ chỉ kéo dài 5 năm. Trong khi đó sự phát triển con người kéo dài hơn rất nhiều so với mô hình kinh doanh”.

Vietnam HR Sumit 2018 ngày 5/10 tại TPHCM (Ảnh VNHR)

Theo ông Bob Aubrey, mô hình quản lý ở châu Âu rất khác biệt, gồm các bên có liên quan, đa dạng về văn hóa, không áp đặt cách làm của châu Âu đến cách quốc gia khác. So với mô hình quản lý của Mỹ, châu Âu có tính đa dạng, đa năng hơn về mặt xã hội. Chính vì thế tốc độ phát triển của châu Âu chậm hơn, nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn về nó, chúng ta có thể thấy các ý tưởng gốc đều xuất phát từ châu Âu cả. Vậy câu hỏi là tại sao châu Âu lại chậm chạp và yếu như vậy trong khi chính họ đưa ra ý tưởng hàng đầu?

“Rất ít cuốn sách viết về quản lý HR Leadership ở châu Âu. Chales Handy là một số ít cái tên đáng chú ý. Khi tôi hỏi ông có gì ở châu Âu làm không đúng? Ông trả lời tôi rằng: ‘Châu Âu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi mô hình MBA (các lý thuyết quản trị được giảng dạy và truyền thụ trong các khóa cao học quản trị kinh doanh), học hỏi mô hình ở nơi khác mà quên đi thế mạnh của mình”.

“Đừng mượn mô hình ở đâu mà phải nghĩ ra mô hình của mình”, đó là thông điệp mà Bob Aubrey muốn mang đến cho những người làm nhân sự Việt Nam.

Ông Bob Aubrey kể lại câu chuyện của ông khi sang làm vệc ở Trung Quốc, ở đó họ nói với ông rằng đây là thời điểm Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới, và triết lý nhân sự này sẽ được sử dụng ở nơi khác. Chiến lược “Một vành đai một con đường” của họ đang gây tác động mạnh mẽ đến khu vực.

“Đây là một thách thức nhưng tôi không muốn các bạn trở thành người Trung Quốc, tôi muốn các bạn suy nghĩ theo cách của mình”, Bob Aubrey nói với cộng đồng nhân sự Việt.

Một mô hình quản lý nhân sự khác được Bob Aubrey đưa ra phân tích và so sánh là của Ấn Độ. Ông cho rằng mô hình quản lý nhân sự ở Ấn Độ khác biệt hoàn toàn với Trung Quốc, có rất nhiều lãnh đạo tư tưởng ở đây, họ tự hào về nền tảng triết học, sự cởi mở trong tư tưởng, chính phủ đang rất mở cho doanh nghiệp. Sự tác động đó tạo ra tác động thứ cấp khác nữa về tư tưởng.

“Hai mũi tên Trung Quốc và Ấn Độ đang chuyển về châu Á, đó là thách thức phải đối mặt. Vậy chúng ta có muốn trở thành họ, hay làm một cách khác?”, ông khuyến nghị.

Bob Aubrey đã đưa ra một khái niệm mới mẻ về “Mô hình quản lý HR ASEAN”, dựa trên triết lý của cộng đồng ASEAN, theo đó:

“Điểm chính là sự hiểu biết về tính khác biệt của các thành viên khác để làm việc, hợp tác với nhau, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng nhau để cùng phát triển của cộng đồng ASEAN, sẽ là tiền đề nghiên cứu cho mô hình quản lý HR ASEAN. Khi tôi viết “Sách Trắng” cho Phòng Thương mại châu Âu, phỏng vấn nhiều CEO rằng liệu có mô hình quản lý nào của ASEAN? Đâu là thay đổi cần thực hiện? HR có giúp ta xây dựng mô hình quản lý này không? Họ trả lời tôi rằng có mô hình “ASEAN Way”, không thống trị lẫn nhau như các quốc gia khác, mà cùng nhau phát triển”.

Theo Bob Aubrey, nhà quản lý bây giờ thường phải làm việc với rất nhiều con người bên ngoài ASEAN, nếu không hiểu họ sẽ thất bại. Vấn đề môi trường, sự đa dạng về kinh tế, xã hội cũng là điểm cần phải cân bằng. Mô hình cộng đồng an ninh châu Á trước đây do Mỹ dựng lên, từ 2005 mô hình kinh tế ASEAN đã bắt đầu hình thành. Nhưng hệ thống HR của nhiều công ty vẫn mang tính quốc gia chứ không phải khu vực. Phải thống nhất về khái niệm cơ bản để quản lý trong khu vực, sự phát triển con người nằm trong mục tiêu của cộng đồng kinh tế, văn hóa, xã hội ASEAN.

Ông cho biết, ở Malaysia có khái niệm cần xây dựng là “Malasakit”, tức là nhân viên chịu trách nhiệm về công ty, và công ty chịu trách nhiệm về nhân viên. Vậy đâu là khái niệm cần xây dựng của Việt Nam? Tôi đã phỏng vấn một vài CEO từng quản lý HR ở Việt Nam, họ nói người làm HR chỉ là làm hành chính, không có tầm quản lý cao.

2/3 CEO nói họ cần HR, nhưng HR phải suy nghĩ khác đi, nghĩ nhiều hơn ra bên ngoài, xuyên biên giới. Không phải để hỏi “Sếp ơi phải làm gì?”, mà phải bảo “Sếp ơi cần làm gì?”. Cần chấp nhận thách thức, có liên kết với bên ngoài

“ASEAN đã được thành lập 50 năm rồi. Khi tôi gặp đại diện ASEAN ở Liên Hiệp Quốc, hỏi cần gặp ai để nói về HR? Họ trả lời: “Không có ai cả!”. Không có một thành viên ban thư ký ASEAN nào để giải quyết vấn đề HR! Vậy tại sao không có một cộng đồng HR ở ASEAN?”, Bob Aubrey nói.

Chính vì vậy, theo ông, những hoạt động nghề nghiệp như Vietnam HR Sumit 2018 này là rất cần thiết, tạo nền tảng thúc đẩy các bước tiếp theo để phát triển cộng đồng HR ASEAN và nguồn vốn con người, đó là vấn đề quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia dù có là nước giàu hay nước nghèo.

“Đã đến lúc cần có cộng đồng HR của ASEAN”, Bob Aubrey kết luận.

(*) TS. Bob Aubrey, Cố vấn cấp cao cho châu Á tại Quỹ Phát triển quản lý châu Âu, Chủ tịch Ủy ban nhân sự của Phòng Thương mại châu Âu tại Singapore, cố vấn phát triển nhân lực Công ty Bob Aubrey Associates (BAA).

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-gia-quan-tri-nhan-su-quoc-te-bob-aubrey-can-mot-mo-hinh-quan-ly-nhan-su-cho-asean-1538890441084.htm