Chuyên gia quân sự Nga cảnh báo nguy cơ Saudi Arabia 'tuồn' bí mật S-400 cho Mỹ

Chính sách bán rộng rãi hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf cho cả các đồng minh của Mỹ rất có thể sẽ gây ra hậu quả đặc biệt tai hại đối với nước Nga trong tương lai.

 Truyền thông Nga mới đây cho biết đã có một hợp đồng mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf được ký kết giữa nước này và Saudi Arabia ngay từ năm 2017.

Truyền thông Nga mới đây cho biết đã có một hợp đồng mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf được ký kết giữa nước này và Saudi Arabia ngay từ năm 2017.

Moskva cho rằng đây là thắng lợi lớn của ngành công nghiệp quốc phòng khi từng bước chen chân vào những quốc gia vẫn được xem là "sân sau" của Mỹ, giúp nâng cao vị thế quốc gia.

Tuy nhiên theo ý kiến của Đại tá hải quân Konstantin Sivkov - Tiến sĩ khoa học quân sự - Phó Chủ tịch chính sách thông tin của Viện hàn lâm khoa học tên lửa và pháo binh Nga thì hợp đồng này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn.

Lo ngại của vị chuyên gia quân sự trên xuất phát từ những nghi ngờ rằng Saudi Arabia có thể sẽ âm thầm chuyển giao các công nghệ bí mật của S-400 cho Mỹ.

"Theo quan điểm của tôi, việc bán hệ thống phòng không mới nhất của chúng ta cho Saudi Arabia không phải là một ý tưởng hay, vì người Mỹ vẫn có mặt ở đó và khi S-400 tới đây, tất nhiên họ sẽ làm quen với nó".

"Điều này sẽ không mang lại hiệu quả tốt nhất về khả năng chiến đấu trong tương lai khi Mỹ có thể phát triển phương pháp chống lại S-400 một cách hiệu quả hơn so với những gì họ dựa vào ngày nay", ông Sivkov nói trong cuộc phỏng vấn với Military Industrial Courier.

Báo chí Nga lưu ý rằng mặc dù hợp đồng cung cấp S-400 cho Saudi Arabia đã được ký kết từ năm 2017 nhưng quốc gia Trung Đông giàu có này vẫn không công bố dẫn tới chưa thể bàn giao.

Trở ngại chính nằm ở Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (Đạo luật CAATSA) mà Washington tuyên bố sẽ áp đặt lên Riyadh nếu tiếp tục ý định mua vũ khí Nga.

Nếu trong trường hợp Saudi Arabia tiến hành mua S-400 mà được Mỹ miễn trừ áp đặt CAATSA thì có lẽ không còn lý do nào khác ngoài việc thực sự đã có thỏa thuận ngầm về việc chia sẻ công nghệ S-400 cho Washinton.

Bên cạnh Saudi Arabia thì Nga còn đang phải đau đầu với nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ cũng thực hiện bước đi tương tự với hệ thống S-400 để được Mỹ tiếp tục nối lại việc bàn giao tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.

Không chỉ có vậy, Ấn Độ mặc dù chưa nhận Triumf nhưng đã bày tỏ ý định sẽ lập tức đưa hệ thống phòng không này sang Israel để khai thác tính năng nhằm tìm ra điểm yếu để có thể vượt qua Trung Quốc, điều này cũng gián tiếp gây ảnh hưởng tới Nga.

Israel nổi tiếng là "bậc thầy" trong việc "mổ xẻ" vũ khí, gần như chắc chắn 100% họ sẽ suy luận ra được những tính năng kỹ chiến thuật bí mật mà Nga ẩn giấu trong tổ hợp S-400 Triumf.

Nhưng bên cạnh đó có ý kiến cho rằng việc khai thác tính năng của S-400 bản xuất khẩu không ảnh hưởng nhiều lắm tới Nga vì có khá nhiều khác biệt so với bản nội địa.

Hơn nữa quy tắc bắn ứng dụng với từng loại radar và tên lửa đánh chặn đối với mỗi loại mục tiêu khác nhau là thứ mà Nga không hề chia sẻ với đồng minh.

Dẫu vậy ý kiến của chuyên gia quân sự đầu ngành pháo binh - tên lửa của Nga chắc chắn sẽ khiến giới lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng nước này phải cân nhắc.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chuyen-gia-quan-su-nga-canh-bao-nguy-co-saudi-arabia-tuon-bi-mat-s400-cho-my/834121.antd