Chuyên gia phương Tây: Nga có thể dễ dàng đánh bại các lực lượng tiền tiêu của NATO ở Đông Âu

Các nhà chính khách phương Tây lo ngại Nga có thể nhanh chóng chiếm đóng Ba Lan hay các nước vùng Baltic trước khi NATO kịp phản ứng, điều này buộc Liên minh phải củng cố các chiến lược đánh bật mối đe dọa từ Nga.

Trong một báo cáo quân sự mới đây, Ba Lan cho thấy mong muốn NATO và Mỹ tăng cường hiện diện và lực lượng trên lãnh thổ nước này, buộc Nga phải cân nhắc kỹ trước khi có bất cứ hành động nào.

Một trong những đề xuất được bản báo cáo đưa ra đó là tăng cường các lực lượng thiết giáp và trực thăng tấn công ở Ba Lan, sử dụng Đan Mạch làm căn cứ cho Hải quân Mỹ để ngăn ngừa mối đe dọa từ Nga. Giới chức quốc phòng Ba Lan đồng thời thúc giục Mỹ và NATO đẩy mạnh lực lượng tại Ba Lan cũng như các nước vùng Baltics.

Hiện nay Mỹ đang triển khai một lữ đoàn chiến đấu đóng tại các căn cứ quân sự ở Ba Lan trong khi NATO triển khai bốn lữ đoàn với tổng quân số 4.800 binh sỹ tại Ba Lan và các nước vùng Baltics.

 Binh sỹ Mỹ đồn trú tại Ba Lan trong một cuộc tập trận tháng 8/2018. (Ảnh: Spc. Dustin Biven/Army)

Binh sỹ Mỹ đồn trú tại Ba Lan trong một cuộc tập trận tháng 8/2018. (Ảnh: Spc. Dustin Biven/Army)

Theo nghiên cứu đăng trên Atlantic Council của Đại tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove và cựu Tổng thư kí NATO Alexander Vershbow, những chiếc lược gây áp lực và ngăn chặn từ xa lên Matxcơva cần được củng cố hơn nữa. Theo các chuyên gia này tuy các lữ đoàn chiến đấu luân phiên của NATO và Mỹ có khả năng tham chiến, họ lại không có kế hoạch tác chiến phối hợp đồng bộ và thống nhất giữa NATO và Mỹ cũng như các yếu tố cần thiết như nguồn tình báo, theo dõi và do thám hiệu quả.

Một cuộc chiến tranh quy ước từ Nga đặc biệt nếu nổ ra bất ngờ có thể dễ dàng đánh bại các lực lượng tiền tiêu của Mỹ và NATO trong thời gian ngắn trước khi có thể triển khai các lực lượng ứng cứu.

Các nhà chính khách phương Tây lo ngại Nga có thể nhanh chóng chiếm đóng Ba Lan hay các nước vùng Baltic trước khi NATO kịp phản ứng, điều này đặt gánh nặng lên NATO buộc họ phải quyết định củng cố các chiến lược đánh bật lại Nga. Vào năm 2018, NATO phê chuẩn kế hoạch “30-30-30-30” bao gồm 30 lữ đoàn mặt đất, 30 phi đội không quân, và 30 tàu chiến để tiếp viện cho Đông Âu trong 30 ngày.

Nhưng theo hai ông Breedlove và Vershbow như vậy vẫn là chưa đủ. Họ đề nghị tăng cường sự hiện diện của Mỹ chủ yếu tại Ba Lan với vai trò thiết lập căn cứ để hỗ trợ các nước vùng Baltic và biến các cơ sở tạm thời thành căn cứ vĩnh viễn. Một trụ sở chỉ huy sẽ có thể đặt tại thành phố Poznan của Ba Lan để điều hành việc chuyển quân tiếp viện trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Các biện pháp thêm vào đó bao gồm củng cố sức mạnh lữ đoàn Mỹ hiện nay tại Ba Lan, triển khai một lữ đoàn thiết giáp tại Đức, mở rộng các lực lượng đặc biệt trong khu vực và xây dựng cảng tại Đan Mạch làm căn cứ cho tàu khu trục tiến hành tuần tra thường xuyên biển Baltic và các chuyến thăm tới các cảng đồng minh.

Điều quan trọng nhất, bản báo cáo nhấn mạnh sau khi chính quyền Trump chỉ trích các đồng minh NATO về chi tiêu ngân sách, các nước Đông Âu được hy vọng sẽ chi trả cho sự tăng cường quân sự của Mỹ. Bản báo cáo này cũng nói thêm chi phí tổng thể lên đến 2 tỷ đô nhưng Ba Lan đã từng hứa sẽ thanh toán khoản này.

Theo phân tích này, việc tăng cường sự hiện diện của lực lượng Mỹ và NATO sẽ tạo ra tính răn đe hiệu quả, buộc Điện Kremlin phải tính toán, "có đáng đánh đổi mục tiêu với việc phải đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ và NATO ở Đông Âu”

Video: BInh sĩ NATO luyện tập trong thời tiết khắc nghiệt

Lê Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-gia-phuong-tay-nga-co-the-de-dang-danh-bai-cac-luc-luong-tien-tieu-cua-nato-o-dong-au-d450097.html